Trí tuệ nhân tạo: 'Con dao hai lưỡi' với sinh viên đại học

Trí tuệ nhân tạo: 'Con dao hai lưỡi' với sinh viên đại học
7 giờ trướcBài gốc
Tuy nhiên, sự phụ thuộc quá mức vào AI và “ca ngợi” việc sử dụng chúng trong hoàn thành bài tập của sinh viên đang gây ra mối lo ngại nghiêm trọng. Đó là ý kiến của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Azmi Abdul Latiff, Trưởng Trung tâm Nghiên cứu ngôn ngữ, Đại học Tun Hussein Onn Malaysia (UTHM).
Trong bài đăng trên Bernama ngày 22/7, Phó Giáo sư Abdul Latiff cảnh báo các trường đại học nên cảnh giác với “con dao hai lưỡi” AI vì sự phụ thuộc quá mức vào AI sẽ dẫn đến nguy cơ đào tạo ra những sinh viên tốt nghiệp không chỉ thiếu năng lực chuyên môn để làm việc trong thế giới thực mà còn có thể trở thành những cá nhân có đạo đức nghề nghiệp đáng ngờ và thiếu trách nhiệm cá nhân.
Theo Phó Giáo sư Abdul Latiff, không thể phủ nhận các công cụ AI như ChatGPT, Grammarly và Quillbot đã thay đổi cách sinh viên tiếp cận việc học và làm bài tập. Chúng cung cấp phản hồi tức thì, cải thiện độ chính xác và giúp người học vượt qua tình trạng bí ý tưởng. Tuy nhiên, cần phải hiểu các công cụ AI được tạo ra để hỗ trợ chứ không phải thay thế việc học. Việc sinh viên hoàn toàn sử dụng AI để hoàn thành bài tập đi ngược lại mục đích của giáo dục và bỏ qua chính những quy trình được thiết kế để giáo dục và bồi dưỡng tư duy phản biện, sáng tạo, giải quyết vấn đề cũng như cách thể hiện bản thân. Người học có thể nộp bài tập được trau chuốt và xuất sắc nhưng kiến thức thu về rất hời hợt. Ví dụ, trong lớp học tiếng Anh, mục tiêu không chỉ là viết đúng câu trong bài tập mà còn là "làm chủ" ngôn ngữ, giao tiếp tự tin và thể hiện ý tưởng của riêng mình. Nếu hoàn toàn phụ thuộc vào các công cụ AI, sinh viên sẽ gặp khó khăn khi tương tác thực tế hay giao tiếp tại nơi làm việc, thậm chí trong cả các bài kiểm tra vấn đáp.
Về các yếu tố dẫn đến việc lạm dụng AI của sinh viên đại học, theo Phó Giáo sư Abdul Latiff, thứ nhất là áp lực hoàn thành bài tập của sinh viên. Khi đối mặt với thời hạn gấp rút và kỳ vọng cao, một số sinh viên coi AI là lối thoát dễ dàng. Thứ hai, ảnh hưởng không nhỏ từ bạn bè. Khi thấy người khác sử dụng AI để vượt lên mà không gặp hậu quả tiêu cực, các em bắt đầu tin rằng điều đó là bình thường, thậm chí là thông minh. Thứ ba, một số sinh viên thiếu nhận thức về ranh giới đạo đức đang vượt qua, cho rằng việc sử dụng AI không giống như gian lận vì không phải là sao chép từ sinh viên khác hay Internet, mà chỉ là "một ứng dụng". Cuối cùng là vấn đề về mặt thể chế. Một số trường đại học chưa thiết lập chính sách rõ ràng về việc sử dụng AI, khiến cả sinh viên và giáo viên rơi vào vùng xám về những gì được phép và không được phép.
Hậu quả của việc lạm dụng AI được Phó Giáo sư Abdul Latiff chỉ ra đó là khi không giải quyết được vấn đề này, các trường đại học không chỉ đánh mất tính toàn vẹn của quy trình giáo dục đào tạo thông qua làm bài tập, mà còn hủy hoại cả danh tiếng của trường. Sinh viên tốt nghiệp có thể rời trường với tấm bằng được AI đánh bóng, nhưng việc thiếu các kỹ năng thực tế như giao tiếp và ứng xử sẽ nhanh chóng bị phơi bày trên thị trường việc làm. Nhà tuyển dụng sẽ nhận ra điều này. Các ngành công nghiệp sẽ phàn nàn. Uy tín của trường và hệ thống giáo dục đại học của đất nước sẽ dần bị ảnh hưởng. Ngoài ra, việc quá phụ thuộc vào AI sẽ làm xói mòn mối quan hệ thầy trò. Thay vì coi giảng viên là người hướng dẫn, sinh viên bắt đầu coi thầy cô là rào cản cho sự vượt trội và “ăn mừng” mỗi khi hoàn thành bài tập do AI tạo ra mà không bị giáo viên phát hiện. Điều này sẽ làm suy yếu toàn bộ tinh thần giáo dục.
Cũng theo Phó Giáo sư Abdul Latiff, để tránh hệ lụy từ việc lạm dụng AI, các trường đại học cần áp dụng ngay các biện pháp bao gồm: Trước hết, đặt ra hướng dẫn rõ ràng về AI, xác định những gì được coi là hỗ trợ chấp nhận được, ví dụ kiểm tra ngữ pháp, và những gì vượt quá giới hạn như hoàn thành bài luận hoàn toàn từ AI. Thứ hai, dạy sinh viên cách sử dụng AI có đạo đức. Lồng ghép các cuộc thảo luận về hoạt động AI có trách nhiệm vào chương trình giảng dạy. Thứ ba, thiết kế các bài đánh giá tốt hơn. Các bài đánh giá yêu cầu sinh viên thuyết trình trực tiếp, viết nhật ký phản hồi bằng tay, cũng như các bài kiểm tra và thảo luận trên lớp sẽ khó bị làm giả. Thứ tư, đào tạo giảng viên cách phát hiện bài tập do AI tạo ra và quan trọng hơn là thiết kế các bài tập độc đáo cần tư duy phản biện. Cuối cùng và quan trọng nhất là xây dựng lại giá trị của sự nỗ lực và học tập ở sinh viên. Giáo dục không nên bị giản lược thành việc chạy theo điểm số hay gian lận hệ thống. Thay vào đó nên hướng đến sự phát triển, khám phá và xây dựng năng lực con người mà không máy móc nào có thể sao chép được.
Phó Giáo sư Abdul Latiff cho rằng AI sẽ tồn tại nhưng các giá trị về tính chính trực, nỗ lực và học tập của con người cũng vậy. Công nghệ phục vụ những giá trị này, không phải làm suy yếu chúng. Đối với sinh viên, nhà giáo dục khuyên các em không tìm cớ dùng AI để gian lận trong học tập mà thay vào đó bắt đầu theo đuổi quá trình học tập thực sự, trung thực, đôi khi vất vả nhưng cuối cùng lại bổ ích.
Viên Luyến (TTXVN)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/giao-duc/tri-tue-nhan-tao-con-dao-hai-luoivoi-sinh-vien-dai-hoc-20250723063943878.htm