Những người này yêu cầu đưa ra quy định rõ ràng để ngăn chặn việc làm giả giọng nói bằng AI mà không có sự đồng ý của chủ sở hữu.
Cuộc tuần hành diễn ra tại Đài Tưởng niệm Cách mạng ở trung tâm thành phố, với các biểu ngữ mang thông điệp như "Tôi không muốn bị AI thay thế". Một số biểu ngữ khác yêu cầu coi giọng nói là một đặc điểm sinh trắc học để bảo vệ quyền lợi của các nghệ sĩ.
Vấn đề AI đã trở nên nổi bật trong cuộc đình công của các diễn viên và nhà viết kịch Hollywood vào năm 2023. Diễn viên Scarlett Johansson từng cáo buộc công ty công nghệ OpenAI đã dùng giọng của cô để lập trình chatbot mà không được sự cho phép.
Nhiều công ty giải trí lớn đang thử nghiệm các công nghệ tương tự. Tháng 3 vừa qua, nền tảng Amazon Prime Video đã công bố thử nghiệm hệ thống lồng tiếng hỗ trợ bằng AI, cùng với công nghệ được YouTube quảng bá. Tháng trước, hãng giải trí Hàn Quốc CJ ENM giới thiệu công cụ AI có khả năng tự động tạo ra các nhân vật 3D với hình ảnh, âm thanh và giọng nói đồng bộ.
Tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng diễn viên lồng tiếng vẫn có những lợi thế nhất định. Ông Mario Heras - Giám đốc đạo diễn lồng tiếng cho trò chơi điện tử tại Mexico - khẳng định AI chưa thể tạo ra những lời thoại nghe tự nhiên, vui nhộn và sống động như giọng nói của con người.
Lan Phương (TTXVN)