Trí tuệ nhân tạo và cuộc cách mạng về dự báo động đất

Trí tuệ nhân tạo và cuộc cách mạng về dự báo động đất
một ngày trướcBài gốc
Người dân chờ phà tới Piraeus, sau các trận động đất liên tiếp trên đảo Santorini, Hy Lạp ngày 4/2/2025. (Ảnh: Reuters/TTXVN)
Công nghệ tiên tiến đang thay đổi cách con người phát hiện và ứng phó với động đất – nhưng liệu công nghệ có thể giúp chúng ta dự báo thảm họa trước khi quá muộn?
Hòn đảo du lịch Santorini của Hy Lạp rung chuyển bởi một loạt trận động đất hồi đầu năm nay, khiến hàng nghìn du khách và cư dân vội vã sơ tán.
Trong lúc đó, nhà địa chấn học Margarita Segou đã ngay lập tức đưa thuật toán QuakeFlow vào hoạt động, nhằm phân tích những gì đang diễn ra.
QuakeFlow - hệ thống điện toán đám mây do Đại học Stanford phát triển - sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phát hiện và phân tích động đất nhanh hơn, chính xác hơn so với các phương pháp truyền thống.
Nhờ AI, bà Segou phát hiện ra 1.500 trận động đất nhỏ từ tháng 12/2024 trước khi cơn địa chấn thực sự bùng nổ vào ngày 26/1 và lên đến đỉnh điểm vào ngày 2/2.
Bà Segou chia sẻ: “Khi nghiên cứu các trận động đất lớn ở Santorini, chúng tôi nhận thấy một mô hình lặp lại: cơn địa chấn bắt đầu với một trận động đất độ lớn 4,0, sau đó là một trận độ lớn 5,0, rồi lại quay về mức 4,0 như thể lòng đất đang điều chỉnh để trở lại trạng thái cân bằng.”
Không chỉ giúp các nhà khoa học phát hiện ra những cơn địa chấn nhỏ mà các phương pháp cũ có thể bỏ sót, công nghệ AI còn cung cấp dữ liệu quan trọng để đánh giá nguy cơ động đất trong tương lai.
Trận động đất kinh hoàng ở Myanmar ngày 28/3 vừa qua một lần nữa nhắc nhở thế giới về sự tàn khốc của thiên tai - và cả những giới hạn trong khả năng dự báo của con người.
Trong khi AI đã giúp cải thiện đáng kể khả năng dự báo bão lũ, thì việc dự đoán chính xác thời gian, địa điểm và cường độ của một trận động đất vẫn là một thách thức chưa có lời giải.
Ông Christopher Johnson - nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos (Mỹ) - cho biết: “AI đã cách mạng hóa khả năng phát hiện các trận động đất nhỏ – những rung chấn có thể bị chìm lẫn trong tạp âm nền và bị hệ thống thông thường bỏ qua.”
Dù AI mang lại hy vọng trong việc phát hiện động đất, nhưng công nghệ này vẫn phụ thuộc vào dữ liệu đầu vào từ hệ thống máy đo địa chấn - và không phải quốc gia nào cũng có điều kiện đầu tư cho những thiết bị này.
Các nước giàu như Mỹ và Trung Quốc có mạng lưới cảm biến dày đặc, trong khi nhiều quốc gia có nguy cơ động đất cao như Philippines và Nepal lại thiếu hụt nghiêm trọng hệ thống theo dõi địa chấn. Điều này tạo ra một khoảng cách số trong việc dự báo động đất và cảnh báo sớm.
Một số nhà nghiên cứu đã tìm ra giải pháp sáng tạo: biến điện thoại thông minh thành thiết bị đo động đất.
Từ năm 2020, Google đã tích hợp hệ thống cảnh báo động đất vào hệ điều hành Android, cho phép điện thoại sử dụng cảm biến gia tốc để phát hiện rung chấn và gửi cảnh báo sớm cho người dùng.
Tại Ấn Độ, các nhà khoa học cũng phát triển hệ thống cảnh báo động đất Uttarakhand, sử dụng ứng dụng di động để cung cấp thông tin về vị trí và cường độ động đất, giúp các đội cứu hộ triển khai nhanh chóng hơn.
Theo các chuyên gia, mỗi giây báo trước một trận động đất có thể cứu sống hàng nghìn người. Cảnh báo sớm có thể giúp dừng các ca phẫu thuật nguy hiểm, làm chậm các đoàn tàu cao tốc hoặc sơ tán người dân khỏi các tòa nhà không kiên cố trước khi thảm họa ập đến.
Dù còn nhiều thách thức, nhưng các nhà khoa học tin rằng AI đang mở ra cuộc cách mạng trong cách chúng ta hiểu về Trái Đất.
Ông Segou nhận định: “Công nghệ đang giúp chúng ta thu thập và phân tích dữ liệu nhanh hơn bao giờ hết. Chúng ta không nên lúc nào cũng ở trong trạng thái hoảng loạn – mà nên tận dụng AI để chủ động ứng phó với động đất”./.
(TTXVN/Vietnam+)
Nguồn VietnamPlus : https://www.vietnamplus.vn/tri-tue-nhan-tao-va-cuoc-cach-mang-ve-du-bao-dong-dat-post1024099.vnp