Triển khai 4 nội dung, 8 giải pháp thực hiện quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Triển khai 4 nội dung, 8 giải pháp thực hiện quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
6 giờ trướcBài gốc
Trong đó, 4 nội dung tập trung triển khai gồm: dự án đầu tư công; dự án đầu tư sử dụng các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công; danh mục các dự án ưu tiên đầu tư đến năm 2030 và phân kỳ thực hiện; nguồn lực và việc sử dụng nguồn lực để thực hiện quy hoạch.
Gia Lai tỉnh tập trung đầu tư các công trình, dự án trọng điểm có tính lan tỏa cao. Ảnh: Hà Duy
Cụ thể, đối với dự án đầu tư công, tỉnh tập trung đầu tư các công trình, dự án trọng điểm có tính lan tỏa cao, dẫn dắt và khuyến khích các nguồn lực xã hội khác; ưu tiên các dự án có tính kết nối và lan tỏa đối với phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Gia Lai theo các hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 19, quốc lộ 25; ưu tiên các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho các huyện vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Về các dự án đầu tư sử dụng các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công, đối với nguồn ODA, các nguồn vốn tài trợ nước ngoài, tỉnh ưu tiên thực hiện các dự án xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế-xã hội lớn, quan trọng, thiết yếu; phát triển nông nghiệp và nông thôn; phát triển nguồn nhân lực, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao... Đối với nguồn đầu tư từ FDI, khu vực tư nhân trong và ngoài nước, tỉnh khuyến khích, thu hút các đối tác có thương hiệu toàn cầu, có năng lực tài chính lớn, có khả năng đầu tư ổn định, lâu dài, có tính liên kết và thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm phụ trợ.
Gia Lai khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp FDI có thương hiệu toàn cầu, có năng lực tài chính lớn, có khả năng đầu tư ổn định, lâu dài. Ảnh: Hà Duy
Về danh mục các dự án ưu tiên đầu tư đến năm 2030 và phân kỳ thực hiện, tỉnh định hướng danh mục các dự án ưu tiên theo phương án phát triển các ngành, lĩnh vực; quy mô, vị trí, phạm vi ranh giới, diện tích đất sử dụng, cơ cấu tổng mức đầu tư, nguồn vốn thực hiện và các thông tin chi tiết của các công trình, dự án đầu tư công và ngoài ngân sách sẽ được tính toán, xác định cụ thể trong quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch khu chức năng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện...
Về nguồn lực và việc sử dụng nguồn lực để thực hiện quy hoạch thời kỳ 2021-2030, Gia Lai dự kiến cần huy động tổng số vốn đầu tư phát triển khoảng 550 ngàn tỷ đồng, tương đương 22 tỷ USD. Theo đó, tổng vốn huy động trong giai đoạn 2026-2030 dự kiến đạt khoảng 384 ngàn tỷ đồng (nguồn vốn Ngân sách nhà nước 94 ngàn tỷ đồng; nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước gần 280 ngàn tỷ đồng và vốn thu hút FDI là 10 ngàn tỷ đồng).
Để đạt được mục tiêu đề ra, có 8 giải pháp trọng tâm được tỉnh triển khai gồm: hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển, trong đó, chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, các địa phương trong vùng Tây Nguyên xây dựng, hoàn thiện thể chế của vùng, xác định những đề án trọng tâm, trọng điểm có ý nghĩa tạo đột phá cho phát triển gắn với tư duy mở, cơ chế vượt trội, tập trung nguồn lực nhà nước đủ tầm cho kích hoạt, kết nối nguồn lực tư nhân, tạo “tăng trưởng” lan tỏa trong toàn vùng.
Gia Lai ưu tiên các dự án giao thông có tính kết nối và lan tỏa đối với phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Gia Lai theo các hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 19, Quốc lộ 25. Ảnh: Hà Duy
Tập trung thu hút đầu tư phát triển, huy động các nguồn lực cho đầu tư; lấy vốn ngân sách sách nhà nước “làm mồi” cho các dự án đầu tư ngoài ngân sách; bảo đảm nguồn lực tài chính, huy động, quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ ngân sách và các nguồn vốn huy động khác; huy động nguồn lực từ tài chính đất đai.
Tập trung phát triển nguồn nhân lực, cải cách cơ chế thu hút, bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất và năng lực tốt; nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và vấn đề xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường; quản lý, kiểm soát phát triển đô thị và nông thôn; bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Bảo đảm quốc phòng, an ninh, đấu tranh chống chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc.
HÀ DUY
Nguồn Gia Lai : https://baogialai.com.vn/trien-khai-4-noi-dung-8-giai-phap-thuc-hien-quy-hoach-tinh-gia-lai-thoi-ky-2021-2030-tam-nhin-den-nam-2050-post310376.html