Giờ học của học sinh Trường THCS Lý Tự Trọng (quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Hồ Phúc
Dạy học 2 buổi/ngày đối với các trường THCS, THPT ngoài góp phần giãn số tiết học/buổi của học sinh, còn nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và dạy - học theo hướng phân hóa đúng mục tiêu của Chương trình GDPT 2018. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng cho việc triển khai, ngoài điều kiện về cơ sở vật chất còn đòi hỏi sự đáp ứng về đội ngũ, chương trình học buổi thứ 2, đồng thuận của phụ huynh, học sinh…
Ông Bùi Văn Khiết - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định: Phân biệt rõ “dạy 2 buổi/ngày” và “dạy - học 5 ngày/tuần”
Ông Bùi Văn Khiết.
Ngày 1/11/2010, Bộ GD&ĐT ban hành Văn bản số 7291 hướng dẫn dạy học 2 buổi/ngày với các trường trung học. Việc này nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục; đáp ứng nhu cầu của gia đình và xã hội trong quản lý, giáo dục học sinh; hạn chế tình trạng dạy thêm - học thêm không đúng quy định ở các trường; tăng cường giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống cho học sinh.
Việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày chỉ nên thực hiện ở những nơi học sinh có nhu cầu, cha mẹ tự nguyện cho con em tham gia học tập; được sự đồng ý của cấp trên có thẩm quyền quản lý trực tiếp của ngành Giáo dục và địa phương. Chỉ được tổ chức vào các ngày trong tuần (từ thứ 2 đến thứ 7); không gây “quá tải” đối với học sinh. Các trường phải đảm bảo hoàn thành kế hoạch giáo dục được giao, đảm bảo chất lượng và hiệu quả.
Từ ngày 17/3, trường THCS và THPT trên địa bàn toàn tỉnh Nam Định bắt đầu triển khai dạy học 5 ngày/tuần, nghỉ thứ 7 và Chủ nhật. Theo đó, các trường phải bảo đảm đúng, đủ nội dung chương trình chính khóa theo quy định của Bộ GD&ĐT; không gây quá tải cho học sinh, giáo viên và góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục của nhà trường; giữ định mức tiết dạy của giáo viên theo quy định.
Các trường bố trí học buổi sáng không quá 5 tiết, buổi chiều không quá 3 tiết. Căn cứ số tiết mỗi môn đã được quy định, thực hiện xếp thời khóa biểu buổi sáng và chiều trong tuần bảo đảm linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn của đơn vị (đội ngũ, cơ sở vật chất…), không nhất thiết chia đều số tiết cho từng môn học đối với mỗi tuần.
Trên cơ sở đó, cần xác định mô hình “dạy học 5 ngày/tuần” khác hoàn toàn với việc “dạy học 2 buổi/ngày” theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT tại Văn bản 7291. Nếu dạy học 2 buổi/ngày, các trường cần đảm bảo được điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên. Hiện, Nam Định chưa có trường trung học nào áp dụng dạy học 2 buổi/ngày, khi nào đủ điều kiện sẽ triển khai.
Ông Nguyễn Đức Tú Anh - Trưởng phòng GD&ĐT quận Hải Châu (Đà Nẵng): Chờ hướng dẫn cụ thể
Ông Nguyễn Đức Tú Anh.
Khoảng 5 năm trở lại đây, các trường THCS ở Đà Nẵng triển khai dạy học 5 ngày/tuần, trong đó có ít nhất 1 ngày, học sinh học 2 buổi. Mô hình này triển khai ở cấp THPT được khoảng 3 năm nay.
Tuy nhiên, do mỗi phòng có 2 lớp khối sáng - chiều sử dụng nên ở buổi thứ 2, các trường đều bố trí thời khóa biểu cho các môn học thiên về năng khiếu như Âm nhạc, Thể dục, Giáo dục địa phương, hoạt động trải nghiệm hoặc các môn học sử dụng phòng bộ môn như Tin học. Số tiết tối đa của buổi thứ 2 là 4 tiết/buổi. Như vậy, Đà Nẵng đang đảm bảo dạy học 5 ngày/tuần đối với cấp THCS, THPT.
Từ thực tiễn tổ chức hoạt động dạy - học, chúng tôi nhận thấy để triển khai dạy học 2 buổi/ngày với các trường THCS, THPT, nếu giải được bài toán về cơ sở vật chất không khó. Ngoài phòng học phải đảm bảo mỗi lớp/phòng học, còn có cả phòng học bộ môn, thư viện, không gian tự học, nhà đa năng, các câu lạc bộ năng khiếu… cũng như không gian sinh hoạt chung, nơi nghỉ ngơi cho học sinh. Vì vậy, điều kiện đầu tiên để triển khai dạy học 2 buổi/ngày ở THCS và THPT cần tính đến đáp ứng yêu cầu về phòng học.
Tuy nhiên, khác với cấp tiểu học, nội dung buổi học thứ 2 ở cấp THCS và THPT phải tính đến để đáp ứng mục tiêu định hướng nghề nghiệp và cá nhân hóa theo nhu cầu học sinh.
Có thể giãn một số tiết các môn học chính khóa ở buổi thứ 1 sang buổi thứ 2 để giảm áp lực học tập cho học sinh nhưng không nên dùng toàn bộ thời gian của buổi thứ 2 để chủ yếu dạy các môn văn hóa như một số nơi đang triển khai. Vì nếu làm như vậy, học sinh chỉ thiên về học kiến thức, không có điều kiện để bồi dưỡng các môn nghệ thuật, năng khiếu, rèn luyện thể dục thể thao, phát triển thể lực cũng như các kỹ năng sống, kỹ năng xã hội, trải nghiệm để định hướng nghề nghiệp.
Buổi thứ 2 nên được trao cho nhà trường sự chủ động, linh hoạt và nên tổ chức các hoạt động giúp học sinh phát triển năng khiếu, giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng xã hội, hướng nghiệp, hoạt động trải nghiệm, dạy học các nội dung học sinh có năng lực học tập còn hạn chế, những nội dung nâng cao cho học sinh có tố chất học tập vượt trội…
Tuy nhiên, với điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ hiện có của các trường, muốn tổ chức hoạt động trải nghiệm STEM, STEAM, giáo dục kỹ năng sống, trang bị kỹ năng số, khởi nghiệp… hay các sân chơi sáng tạo cho học sinh, đòi hỏi phải có sự liên kết nguồn lực. Với những quy định hiện nay của Thông tư 29/2024 của Bộ GD&ĐT về dạy thêm, học thêm, các trường nếu có đủ điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ để triển khai dạy học 2 buổi/ngày cũng cần được Bộ GD&ĐT có hướng dẫn cụ thể.
Bà Vũ Thị Minh Hiếu - Hiệu trưởng Trường THCS Lương Định Của (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh): Quan trọng nhất là cơ sở vật chất và chương trình
Bà Vũ Thị Minh Hiếu
Gần 2.000 học sinh của Trường THCS Lương Định Của học 2 buổi/ngày từ thứ 2 tới thứ 6. Theo đó, học sinh học 4 tiết buổi sáng và 4 tiết buổi chiều, giáo viên dạy đủ số tiết theo quy định. Giờ vào học lúc 7 giờ 15 và kết thúc vào 10 giờ 45 buổi sáng, buổi chiều vào học lúc 13 giờ và tan trường 16 giờ 30 phút.
Đứng ở góc độ nhà quản lý giáo dục hay một phụ huynh, tôi đều ủng hộ việc học 2 buổi/ngày. Trên thực tế, việc thực hiện không quá khó vì hiện nay trên địa bàn thành phố có nhiều trường triển khai mô hình này. Tất nhiên, từ ngôi trường dạy học 1 buổi chuyển sang 2 buổi/ngày cần phải tính toán về đội ngũ, số lượng phòng học để có thể đáp ứng.
Nếu trường học đủ điều kiện tổ chức dạy 2 buổi/ngày ở cấp THCS và THPT hợp lý và mang lại nhiều mặt tích cực như: Quy định học sinh học 2 buổi/ngày, giáo viên sẽ làm việc nhiều hơn tại cơ quan là bước tiến phù hợp, công bằng. Bởi hiện giáo viên mầm non, tiểu học đã làm việc 2 buổi/ngày, tiến tới cấp THCS, THPT cũng làm việc 2 buổi/ngày sẽ công bằng, hợp lý. Đặc biệt, khi triển khai tốt việc dạy học 2 buổi/ngày sẽ phần nào chấm dứt dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường.
Ngoài ra, khi trường học tổ chức thực hiện dạy 2 buổi/ngày còn có nhiều lợi ích khác như: Giảm tải chương trình dồn vào buổi sáng, chia đều thời gian để học sinh học tập tốt hơn, phát triển hài hòa hơn giữa học tập, rèn luyện,… Đây chính là cơ hội để các trường xây dựng thời khóa biểu hướng đến mục tiêu phát triển năng lực và phẩm chất người học, ngoài học văn hóa còn phát triển thể dục thể thao, tăng cường cơ hội triển khai các chuyên đề, hoạt động trải nghiệm, kỹ năng sống, STEM, hướng nghiệp,…
Theo tôi, để thực hiện dạy học 2 buổi/ngày cho toàn bộ học sinh từ lớp 6 tới lớp 12, điều quan trọng nhất là cơ sở vật chất đầy đủ và chương trình giảng dạy đảm bảo đầy đủ tính pháp lý. Trường học đang chờ hướng dẫn của ngành GD-ĐT, để việc dạy học 2 buổi/ngày trong các trường dễ dàng được tổ chức thực hiện. Có như vậy, các trường mới yên tâm thực hiện, phụ huynh an tâm cho con học mà không băn khoăn là việc dạy học này có vi phạm Thông tư 29/2024 của Bộ GD&ĐT hay không.
Bà Nguyễn Thị Tươi - Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Vĩnh Trụ (Lý Nhân, Hà Nam): Cân đối thời gian học văn hóa và các hoạt động
Bà Nguyễn Thị Tươi.
Chúng ta không thể phủ nhận mô hình dạy học 2 buổi/ngày có những tác dụng nhất định trong việc giúp học sinh củng cố, nâng cao kiến thức. Bài tập có thể được hoàn thành ở lớp dưới sự hướng dẫn của giáo viên để các em có thêm thời gian nghỉ ngơi, vui chơi và tham gia các hoạt động gắn kết cùng gia đình.
Giáo viên sẽ có điều kiện hướng dẫn học sinh phương pháp học tập hiệu quả, tăng tính chủ động và tự giác trong học tập. Thầy cô cũng có nhiều thời gian hơn để quan tâm, hỗ trợ từng học sinh, nắm bắt được năng lực và khó khăn của các em. Các hoạt động đa dạng trong buổi chiều có thể tạo không khí học tập hứng thú, giảm căng thẳng cho học sinh.
Dù vậy, thực tế cho thấy cấp THCS có nhiều hoạt động cùng các cuộc thi khác nhau. Nếu học 2 buổi/ngày thì việc bố trí thời gian cho từng công việc sẽ thực sự là thách thức với lãnh đạo các trường. Vấn đề đặt ra, phải cân đối được thời gian cho các hoạt động sao cho linh hoạt, hiệu quả mà không gây áp lực cho cả thầy và trò.
Tại huyện Lý Nhân, hiện thực hiện dạy học 5 buổi sáng, 2 buổi chiều và nghỉ ngày thứ 7, Chủ nhật. Như vậy, chúng tôi chí ít có được 3 buổi chiều để bố trí cho việc họp hành, hoạt động chuyên môn, làm phổ cập giáo dục hay bồi dưỡng học sinh giỏi... Nếu tổ chức học 2 buổi/ngày thì khó bố trí được công việc khác.
Bà Phan Thị Hằng Hải - Hiệu trưởng Trường THPT Kim Ngọc (Vĩnh Phúc): Giảm áp lực cho học sinh
Bà Phan Thị Hằng Hải.
Từ ngày 1/3, nhà trường thực hiện dạy học 2 buổi/ngày, nghỉ thứ 7 và Chủ nhật. Khi Thông tư 29/2024 của Bộ GD&ĐT có hiệu lực, việc thực hiện học 2 buổi/ngày sẽ giúp nhà trường có thể quản lý học sinh tốt hơn; các em có môi trường để tiếp tục tham gia nhiều hoạt động giáo dục; giảm nguy cơ học sinh sa vào các tệ nạn như điện tử, các trò chơi không bổ ích...
Bên cạnh đó, điều này giảm nỗi lo đối với các gia đình khi bố mẹ đi làm không quản lý tốt được thời gian ở nhà của con em. Dạy học 2 buổi/ngày đang là giải pháp phù hợp khi thực hiện Thông tư 29/2024. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần quản lý tốt việc tổ chức học 2 buổi/ngày nhằm tránh biến tướng của dạy thêm - học thêm tràn lan, không đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ GD&ĐT tại Thông tư 29/2024.
Để việc dạy học 2 buổi/ngày đạt hiệu quả và giảm thiểu hệ lụy tiêu cực, cần chuẩn bị kỹ lưỡng về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình học phù hợp, sự đồng thuận của phụ huynh và học sinh cùng các quy định, hướng dẫn cụ thể từ Bộ GD&ĐT. Quan trọng phải đảm bảo buổi học thứ 2 được tổ chức linh hoạt, đa dạng, tập trung vào phát triển kỹ năng và các hoạt động trải nghiệm, thay vì chỉ đơn thuần là tăng thêm giờ học kiến thức cho học sinh.
Nhóm PV (Thực hiện)