Trong dòng chảy lịch sử Việt Nam, tỉnh Thái Nguyên từng có những người anh hùng áo vải như: Dương Tự Minh (Phú Lương), Lưu Nhân Chú (Đại Từ) chiêu binh, luyện võ bảo vệ sự bình yên cho dân làng. Đến nay vẫn còn đó các di tích lịch sử văn hóa mang tên những người anh hùng áo vải: Núi Văn, Núi Võ (Đại Từ), đền Đuổm (Phú Lương)…
Trải qua các thời kỳ lịch sử, Thái Nguyên trở thành vùng đất sở hữu hơn 1.000 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh. Mỗi di tích, danh thắng là một câu chuyện dài, song Thái Nguyên có thể vận dụng gắn hoạt động võ thuật cổ truyền với các địa danh, điểm đến, tạo sự khác biệt cho Nhân dân, du khách.
Việc kết hợp võ cổ truyền trong các sự kiện du lịch văn hóa sẽ tạo nên sức hấp dẫn riêng, giúp thu hút du khách trong và ngoài nước. Võ cổ truyền có thể được biểu diễn tại các điểm du lịch như một phần của chương trình trải nghiệm văn hóa, giúp khách du lịch hiểu hơn về tinh thần thượng võ của một Việt Nam hùng cường và tinh thần người xứ Trà thượng võ.
Việc quảng bá võ cổ truyền như một phần của văn hóa Thái Nguyên không chỉ giúp bảo tồn di sản mà còn tạo ra sự khác biệt cho du lịch địa phương. Võ cổ truyền có thể trở thành một “thương hiệu” văn hóa độc đáo, khiến du khách nhớ đến Thái Nguyên không chỉ vì chè, đồi núi mà còn vì tinh thần võ thuật mạnh mẽ và truyền thống lâu đời.
Với tiềm năng quảng bá du lịch văn hóa, Võ cổ truyền Việt Nam tại Thái Nguyên không chỉ là một di sản cần được bảo tồn mà còn là một công cụ mạnh mẽ để phát triển du lịch. Sự kết hợp giữa võ thuật và các giá trị văn hóa, lịch sử sẽ tạo nên một Thái Nguyên vừa truyền thống, vừa hiện đại, thu hút không chỉ khách trong nước mà cả bạn bè quốc tế.
Sứ mệnh của Võ cổ truyền tại Thái Nguyên
1. Gìn giữ và phát huy di sản văn hóa
Võ cổ truyền không chỉ là môn võ mà còn là linh hồn văn hóa Việt Nam. Tại Thái Nguyên, nhiệm vụ quan trọng nhất là bảo tồn những bài quyền, kỹ thuật và tinh thần võ học, tránh nguy cơ mai một. Để làm được việc này, các võ sư, huấn luyện viên bộ môn Võ cổ truyền và những người đam mê cần phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng các chương trình lưu giữ di sản võ học.
2. Xây dựng bản sắc văn hóa địa phương
Thái Nguyên có thể tạo ra nét riêng biệt trong võ cổ truyền, kết hợp giữa truyền thống võ thuật và đặc trưng văn hóa địa phương. Việc phát triển các bài quyền mang màu sắc vùng núi, lấy cảm hứng từ lịch sử và thiên nhiên Thái Nguyên, sẽ làm phong phú thêm di sản võ học nước nhà.
3. Đào tạo thế hệ kế thừa
Việc tổ chức các lớp học võ thuật, xây dựng hệ thống huấn luyện chuyên nghiệp và tạo điều kiện để các võ sinh tham gia các giải đấu là nhiệm vụ không thể thiếu. Đây là cách để không chỉ giữ lửa mà còn lan tỏa giá trị của võ cổ truyền đến các thế hệ trẻ, giúp họ hiểu rõ hơn về truyền thống dân tộc.
4. Quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới
Thái Nguyên có thể trở thành trung tâm võ cổ truyền khu vực miền Bắc, tổ chức Liên hoan quốc tế võ cổ truyền Việt Nam, đăng cai các giải đấu quốc gia và quốc tế, tạo cơ hội để giới thiệu võ cổ truyền Việt Nam đến bạn bè thế giới.
Ngày 21/11/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 218/KH-UBND, phát triển Võ cổ truyền Việt Nam trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên năm 2025, Kế hoạch cụ thể hóa các chỉ tiêu cần đạt được, gồm:
Kế hoạch cũng nêu rõ các nhiệm vụ, giải pháp chung nhằm hoàn thành các chỉ tiêu:
Với chỉ tiêu cụ thể, nhiệm vụ và giải pháp rõ ràng, UBND tỉnh Thái Nguyên đã giao nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức, các địa phương tổ chức triển khai thực hiện.
Với sự đồng thuận, quyết tâm cao của các cấp ủy đảng, chính quyền và cộng đồng, hy vọng thời gian tới Võ cổ truyền Việt Nam sẽ từng bước phát triển mạnh mẽ, vững chắc, trở thành môn thể thao chính để người dân Thái Nguyên tham gia tập luyện hàng ngày nhằm nâng cao sức khỏe, rèn luyện đạo đức, lối sống lành mạnh; trở thành một “hệ giá trị đặc trưng của Thái Nguyên” theo chỉ đạo của đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên