Khu vực bãi giữa sông Hồng. Ảnh: Nguyễn Quang
Phát triển đô thị hài hòa hai bên sông
Bãi giữa sông Hồng là một không gian xanh rộng lớn, thuộc địa giới quản lý của các quận Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Ba Đình, Long Biên trước đây. Được xác định là một trong những điểm nhấn quan trọng trong định hướng phát triển đô thị, Luật Thủ đô năm 2024 cùng hai quy hoạch lớn gồm Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 (đã được Chính phủ phê duyệt) tạo nền tảng cần thiết để đưa sông Hồng trở thành một trong 5 trục không gian chiến lược trong phát triển Thủ đô.
Đặc biệt, để hiện thực hóa định hướng phát triển không gian xanh và cảnh quan trung tâm của thành phố, cũng như xây dựng đô thị hài hòa hai bên sông, Điều 17, Luật Thủ đô năm 2024 quy định việc tập trung nguồn lực, ưu tiên tổ chức thực hiện Quy hoạch phân khu sông Hồng sao cho phù hợp với Quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch chung Thủ đô. Thành phố Hà Nội được phép xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa tại bãi giữa, bãi nổi sông Hồng và các khu vực có lợi thế về vị trí không gian văn hóa, phù hợp với quy hoạch, không làm cản trở dòng chảy…
Điều 17 Luật Thủ đô cũng cho phép xây dựng các tuyến đê mới phù hợp với quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, quy hoạch đê điều và các quy hoạch khác liên quan nhằm khai thác hiệu quả quỹ đất. Trên bãi sông, Luật cho phép tồn tại một số khu vực dân cư hiện hữu và xây dựng mới công trình, nhà ở với tỷ lệ phù hợp theo quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê và quy hoạch khác có liên quan. Các khu vực bãi sông, bãi nổi còn lại được phép xây dựng các công trình dành cho không gian công cộng và phục vụ mục đích cộng đồng...
Cần những ý tưởng đột phá
Nhằm bổ sung không gian công cộng, khai thác hiệu quả các yếu tố văn hóa và cảnh quan; đồng thời bảo đảm tiêu thoát lũ và phát triển sinh thái tự nhiên, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo tổ chức cuộc thi tuyển ý tưởng Quy hoạch công viên văn hóa đa chức năng tại khu vực bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng. Cuộc thi đã giúp tìm ra những nghiên cứu nghiêm túc và tâm huyết.
TS.KTS Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết, đã có hàng chục phương án dự thi được nghiên cứu công phu đến từ các đơn vị thiết kế uy tín, liên danh trong nước và quốc tế. Điều này cho thấy sự hưởng ứng mạnh mẽ từ giới kiến trúc sư, nhà quy hoạch đối với khu vực bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng.
Cũng theo TS.KTS Phan Đăng Sơn, mô hình công viên văn hóa sẽ rất phù hợp khi triển khai quy hoạch bãi giữa sông Hồng, nhất là khi đặt trong không gian văn hóa, lịch sử đậm đà của dòng sông. Công viên sẽ lấy di sản đô thị cầu Long Biên làm trọng tâm, cảnh quan sông Hồng làm nền tảng, tạo nên các tuyến không gian văn hóa kết nối với các di sản hai bên bờ cũng như toàn tuyến hành lang xanh của sông.
Hiện thành phố đã triển khai Quy hoạch phân khu sông Hồng. Trên cơ sở đó, các bước tính toán, rà soát được thực hiện để bảo đảm triển khai đúng quy hoạch và đạt hiệu quả; đồng thời kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc xây dựng theo quy hoạch, xử lý các trường hợp sai phạm theo đúng thẩm quyền và quy định pháp luật. Các chương trình, kế hoạch, quy hoạch, dự án đầu tư liên quan cũng đang được rà soát, điều chỉnh để phù hợp với quy hoạch phân khu được duyệt.
Ở cấp địa phương cũng đang phối hợp với các cơ quan liên quan để nghiên cứu, đưa ra giải pháp cải tạo khu vực bờ sông theo hướng phát huy không gian công cộng phục vụ cộng đồng: tăng diện tích xanh, phát triển các hoạt động giải trí, dịch vụ, văn hóa thể thao và các dịch vụ công ích khác… với quan điểm thực hiện đúng quy hoạch, khai thác hiệu quả và tạo nên "kỳ tích sông Hồng".
Chia sẻ về vấn đề này, ông Hồ Ngọc Việt (phường Hoàn Kiếm) cho biết, việc phát triển một "lá phổi xanh" giữa trung tâm Thủ đô và quy hoạch lại không gian hai bên bờ sông Hồng đang được người dân đặc biệt quan tâm. Theo ông Hồ Ngọc Việt, khu vực bãi nổi giữa và ven sông Hồng trước đây là nơi trồng dâu, dệt lụa. Vì vậy, nếu xây dựng công viên, cần có các không gian để du khách tham gia các hoạt động thủ công, văn hóa, gợi nhắc quá khứ - một vùng nông nghiệp trù phú từng tồn tại ở nơi đây.
Ngoài ra, cũng cần tính đến việc gia tăng giá trị sử dụng đất, nhất là tại những khu vực hiện nay đang còn các khu nhà ở chật chội, chất lượng sống thấp; hạ tầng kỹ thuật và xã hội trên hai bờ sông Hồng còn nhiều hạn chế. Để làm được điều này, cần ưu tiên phát triển các giải pháp về không gian xanh sinh thái, cung cấp tiện ích và dịch vụ cộng đồng cho người dân đô thị. Đồng thời, cần kết nối không gian sinh thái sông Hồng với hệ thống sông ngòi, mặt nước đô thị; xây dựng hạ tầng giao thông tiếp cận, bao gồm giao thông dọc sông, cầu qua sông, tuyến thủy nội địa - gắn với các giải pháp bảo đảm hành lang thoát lũ và thích ứng điều kiện thủy văn của sông. Ngoài ra, cần phát triển những tổ hợp kiến trúc mang tính điểm nhấn dọc sông Hồng, đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi chức năng các khu vực hiện hữu.
Hà Phong