Chăm sóc rau an toàn tại Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát (huyện Thanh Trì). Ảnh: Đỗ Tâm
Nông nghiệp luôn là trụ đỡ của nền kinh tế
Mặc dù có tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ, nhưng thành phố Hà Nội vẫn có diện tích đất nông nghiệp chiếm tới 70% tổng diện tích đất tự nhiên; tỷ lệ dân số nông thôn chiếm đến 1/2 tổng dân số. Sau 10 năm thực hiện Luật Thủ đô năm 2012, nông nghiệp đã khẳng định vị trí trụ đỡ trong nền kinh tế trên địa bàn. Đặc biệt, trong giai đoạn đại dịch Covid-19 bùng phát tác động lớn đến mọi mặt, ngành Nông nghiệp Thủ đô vẫn duy trì tăng trưởng dương, góp phần quan trọng bảo đảm lương thực, thực phẩm cho người dân trong mọi tình huống.
Bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế nông thôn của Hà Nội vẫn còn nhiều bất cập. Qua khảo sát, mô hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã quy mô còn nhỏ, năng lực tiếp thu tiến bộ kỹ thuật công nghệ mới còn thấp; chưa thu hút được nhiều nguồn lực xã hội cho phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn. Đáng lưu ý, sản xuất nông nghiệp chưa ổn định, hiệu quả còn thấp; chuyển dịch cơ cấu nội ngành chưa theo kịp yêu cầu.
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT Hà Nội, chất lượng đào tạo nghề lao động nông thôn chưa theo kịp yêu cầu của thị trường. Nông dân vẫn chưa thật sự làm chủ được quy trình sản xuất - tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi cung ứng. Tỷ lệ giảm nghèo nhanh nhưng chưa thực sự bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao...
Một trong những nguyên nhân dẫn đến bất cập trên là do thiếu chính sách, pháp luật mở đường cho việc đổi mới và phát triển các mô hình tổ chức kinh tế nông thôn, đặc biệt là các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; thể chế và năng lực quản trị hợp tác xã còn có những bất cập, hạn chế...
Tiền đề để tăng tốc, bứt phá
Trước thực trạng trên, Luật Thủ đô năm 2024 được kỳ vọng là "chìa khóa", tháo gỡ những vướng mắc trong phát triển nông nghiệp của Hà Nội hiện nay.
Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NN&PTNT) phân tích, Luật Thủ đô được thông qua năm 2024 xác định, phát triển nông nghiệp sinh thái của Thủ đô thực hiện theo mô hình nông nghiệp bền vững, chú trọng đến sự tương tác giữa các yếu tố môi trường, kinh tế và xã hội. Đây là cách đặt vấn đề mới, thoát khỏi cách nhìn nhận nông nghiệp phiến diện dưới khía cạnh kinh tế và nông thôn bằng con mắt xã hội; vượt qua những ràng buộc của định hướng lo tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn của mọi địa phương, thay vào đó là chuyển hẳn sang phát triển bền vững các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung…
Đồng thời, Luật Thủ đô năm 2024 đã trao cơ chế, chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND, UBND thành phố Hà Nội. Theo đó, UBND thành phố Hà Nội có quyền cho phép xây dựng trên đất nông nghiệp các công trình phụ trợ bán kiên cố để phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp, chế biến, bảo quản, trưng bày giới thiệu sản phẩm, cảnh quan du lịch tại các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung. Chính quyền thành phố được quyết định việc góp quyền sử dụng đất, cho thuê quyền sử dụng đất trong các trường hợp tập trung đất để thu hút cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
HĐND thành phố quy định phạm vi, đối tượng, nội dung, mức hỗ trợ cao hơn mức quy định hoặc chưa được quy định trong văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên đối với các lĩnh vực giống, chuyển giao công nghệ trong sản xuất giống; công nghệ bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp...
Luật cũng cho phép áp dụng các ưu đãi về miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước, về thuế suất và miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các dự án sử dụng công nghệ cao, tiên tiến trong lĩnh vực môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, xử lý chất thải, nước thải; dự án xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dự án phát triển làng nghề truyền thống.
Theo chương trình của UBND thành phố Hà Nội triển khai thi hành Luật Thủ đô, Sở NN&PTNT chủ trì 4 nội dung xây dựng văn bản quy phạm pháp luật là: Nghị quyết của HĐND thành phố; rà soát đề xuất bổ sung quy hoạch chung Thủ đô; đề xuất điều chỉnh cục bộ quy hoạch đê điều, quy hoạch phòng, chống lũ các tuyến sông có đê, về việc xây dựng các tuyến đê mới; việc sử dụng bãi sông, bãi nổi (theo quy định của Luật Thủ đô thuộc Điều 32, Khoản 2 Điều 17, Khoản 7 Điều 21).
Để từng bước đưa Luật Thủ đô năm 2024 vào cuộc sống, Tiến sĩ Đặng Kim Sơn cho rằng, Hà Nội cần nghiên cứu, đề xuất được các chính sách cụ thể hóa rõ nét và mạnh mẽ. Trong nông nghiệp, Hà Nội phải phát triển khoa học - công nghệ nhằm tạo ra hệ thống sản phẩm có giá trị đặc biệt cao phục vụ nhu cầu cả ở trong nước và quốc tế, đồng thời bảo đảm môi trường sinh thái xanh, sạch, đẹp, an toàn. Hà Nội cũng cần có những cơ chế hữu hiệu nhằm thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa nông thôn và thành thị, tạo môi trường phát triển nông thôn hài hòa, lấy đô thị hóa làm trọng tâm.
Hồ Bách