Hoạt động nghiên cứu khoa học tại Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Ảnh: NTCC
Mới đây, ba đại học hàng đầu của Việt Nam ký kết hợp tác triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (Nghị quyết 57). Từ việc ký kết, mỗi đơn vị cần nhìn lại, đề ra phương hướng phát triển cho giai đoạn mới để có thể đạt mục tiêu đề ra.
Từng bước hiện thực hóa mục tiêu
PGS.TS Huỳnh Đăng Chính - Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội nhìn nhận, việc ký kết không chỉ đánh dấu bước tiến quan trọng trong hợp tác, mà còn khẳng định vai trò chiến lược của kết nối ba nhà: Nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp.
Với tiềm lực mạnh mẽ về đào tạo, nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo, liên kết và phát huy sức mạnh chung sẽ giúp ba đại học đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, đưa khoa học và công nghệ vào thực tiễn, từng bước hiện thực hóa mục tiêu Nghị quyết 57.
Ngoài ra, sự phối hợp chặt chẽ của ba đại học không chỉ giúp tối ưu hóa nguồn lực, thể hiện rõ vai trò “hạt nhân”, mà còn đảm bảo những thành tựu khoa học và công nghệ không nằm trên giấy, thực sự đi vào đời sống.
Trên hết là, xây dựng ba đại học trở thành các trung tâm xuất sắc về nghiên cứu khoa học, đào tạo tài năng, thu hút nhân tài. Từ đó có thể phát triển các lĩnh vực công nghệ chiến lược và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam cũng như khu vực, với sự đồng hành hỗ trợ của doanh nghiệp. Đồng thời, nâng cao hiệu quả đầu tư cơ sở vật chất, khai thác và sử dụng nguồn lực của ba đại học.
Muốn vậy, PGS.TS Huỳnh Đăng Chính cho rằng, Nhà nước cần đóng vai trò kiến tạo chính sách, cung cấp nguồn lực và định hướng chiến lược. Nhà trường là nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thực hiện nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo. Còn doanh nghiệp là cầu nối giữa nghiên cứu và ứng dụng đưa các nghiên cứu vào thực tiễn, thương mại hóa sản phẩm công nghệ và thúc đẩy ứng dụng trong sản xuất.
Từ thực tiễn của đơn vị, Đại học Bách khoa Hà Nội định hướng phát triển theo mô hình: Tổ hợp trung tâm xuất sắc về công nghệ chiến lược gắn với thu hút, phát triển nhân tài và đào tạo sau đại học, nằm trong hệ sinh thái nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đào tạo tài năng của nhà trường.
Từ đây sẽ tạo ra những công nghệ lõi, các giải pháp công nghệ có giá trị vượt trội trong các mảng công nghệ chiến lược bao gồm: Dữ liệu và trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng, chuỗi khối, điện tử, bán dẫn, chip, công nghệ số, robot và tự động hóa, IoT, 5G/6G, năng lượng mới và tái tạo, môi trường, công nghệ sinh học, vật liệu tiên tiến, vũ trụ…
Để đạt được các mục tiêu trên, Đại học Bách khoa Hà Nội xác định, cần thực hiện khẩn trương, quyết liệt Nghị quyết 57.
“Thông qua hợp tác với Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, sẽ giúp chúng tôi mở rộng quy mô và phạm vi nghiên cứu, ứng dụng công nghệ vào thực tiễn, hướng đến các thành tựu mang tính đột phá”, PGS.TS Huỳnh Đăng Chính bày tỏ và tin tưởng, việc hợp tác giữa ba đại học không chỉ mang lại lợi ích cho từng đơn vị, mà còn góp phần nâng cao, lan tỏa năng lực nghiên cứu, đào tạo và ứng dụng khoa học công nghệ trong mạng lưới các cơ sở giáo dục, đào tạo của Việt Nam.
Đại học Bách khoa Hà Nội cam kết tiếp tục phối hợp với doanh nghiệp để xây dựng các chương trình đào tạo theo nhu cầu thị trường, đảm bảo sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc ngay; đồng thời kết nối các nhóm nghiên cứu mạnh với doanh nghiệp để phát triển sản phẩm có tính ứng dụng cao. Cùng đó, thúc đẩy mô hình đại học - doanh nghiệp, tạo môi trường hợp tác chặt chẽ trong nghiên cứu, phát triển công nghệ và thương mại hóa sản phẩm.
“Với sự chung tay của “3 nhà”: Nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp, chúng ta sẽ xây dựng được hệ sinh thái khoa học công nghệ mạnh mẽ, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia tiên tiến về khoa học, công nghệ và chuyển đổi số”, PGS.TS Huỳnh Đăng Chính tin tưởng.
Các chuyên gia giới thiệu với Thủ tướng Phạm Minh Chính về Hệ sinh thái Đại học số của Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: HUST
Tăng cường hợp tác, liên kết
Cho rằng, Nghị quyết 57 mang đến cơ hội lớn và cũng đặt ra những yêu cầu, thách thức không nhỏ đối với các trường đại học, PGS.TS Phạm Bảo Sơn - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội nhìn nhận, để đáp ứng những yêu cầu này, việc tăng cường hợp tác, liên kết giữa các trường đại học, đặc biệt với doanh nghiệp quan trọng và cần thiết.
“Với định hướng đó, chúng tôi thành lập Công viên Công nghệ cao và Đổi mới sáng tạo. Đây là bước đi quan trọng, thể hiện sự chủ động và quyết tâm trong việc triển khai Nghị quyết 57”, PGS.TS Phạm Bảo Sơn nhấn mạnh.
Công viên được xây dựng với mục tiêu trở thành trung tâm khoa học công nghệ thông minh, hiện đại, nơi hội tụ các nhà khoa học, doanh nghiệp và các tổ chức khoa học công nghệ. Từ đó, tạo ra sản phẩm khoa học công nghệ có giá trị cao, mang thương hiệu quốc gia. Đại học Quốc gia Hà Nội đặc biệt chú trọng xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp, tạo ra chu trình khép kín “Từ lab đến thị trường”, từ nghiên cứu cơ bản đến ứng dụng thực tiễn và thương mại hóa sản phẩm.
Đề xuất một số cơ chế hợp tác, PGS.TS Phạm Bảo Sơn nhấn mạnh 3 nội dung quan trọng:
Thứ nhất, cùng nhau xây dựng và khai thác hạ tầng khoa học công nghệ. Trên cơ sở đó chia sẻ và sử dụng chung cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu hiện có của mỗi trường, đồng thời phối hợp đầu tư xây dựng các trung tâm nghiên cứu dùng chung quy mô lớn, hiện đại.
Thứ hai, cùng nhau thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ lớn. Muốn vậy, các bên cần phối hợp triển khai chương trình, đề tài nghiên cứu liên ngành, liên vùng, có sự tham gia của nhà khoa học hàng đầu và các doanh nghiệp, tập trung vào lĩnh vực công nghệ trọng điểm như: Trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, công nghệ sinh học…
Thứ ba, cùng nhau hợp tác với doanh nghiệp. Xây dựng cơ chế để doanh nghiệp tham gia sâu vào quá trình đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, từ việc đặt hàng đề tài nghiên cứu, cùng khai thác các phòng thí nghiệm, đến đầu tư vào các dự án khởi nghiệp...
PGS.TS Phạm Bảo Sơn cho hay, thời gian tới Đại học Quốc gia Hà Nội tập trung vào 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm thuộc Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 57, gồm: Thúc đẩy các sản phẩm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; phát triển mạnh hệ sinh thái đổi mới sáng tạo; chính sách đột phá phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện.
Qua đó, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Đại học Quốc gia Hà Nội trong việc đóng góp vào sự phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, khẳng định vị thế là đại học nghiên cứu hàng đầu của Việt Nam.
Từ việc thỏa thuận hợp tác giữa ba đại học lớn, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tiếp tục tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao. PGS.TS Trần Cao Vinh - Phó Giám đốc cho hay, cả ba đơn vị sẽ phối hợp xây dựng các chương trình đào tạo tài năng, chất lượng cao, đặc biệt đào tạo sau đại học các ngành trọng điểm, mũi nhọn theo hướng cùng tổ chức đào tạo và nghiên cứu đề xuất cơ chế để học viên tốt nghiệp có thể nhận văn bằng của cả ba đại học.
“Chúng tôi sẽ xây dựng chương trình trao đổi giảng viên, nghiên cứu viên. Hợp tác nghiên cứu công nghệ lõi, phát triển sản phẩm công nghệ chiến lược; hợp tác xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và tài nguyên dùng chung…”, PGS.TS Trần Cao Vinh nhấn mạnh và đề xuất Chính phủ, các bộ, ngành cần mạnh dạn trong đầu tư, bởi nếu không có đầu tư lớn thì khó có đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Đồng thời, cần có chính sách đột phá thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc tế, thu hút nhân tài là người Việt Nam ở nước ngoài về nước làm việc, biến Việt Nam thành môi trường sống và làm việc tốt nhất.
Hệ thống phòng thí nghiệm sạch của Khoa Vật lý, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) được trang bị thiết bị hiện đại, tiên tiến. Ảnh: VNU
Hình thành hệ sinh thái
Theo các chuyên gia, cần nhận diện công nghệ “lõi”, công nghệ ưu tiên, công nghệ chiến lược một cách phù hợp, theo định hướng của Nhà nước để đầu tư phù hợp. Do đó, việc hình thành hệ sinh thái viện - trường - doanh nghiệp rất quan trọng. GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - Chủ tịch Câu lạc bộ Mạng lưới đảm bảo chất lượng giáo dục đại học Việt Nam nhìn nhận, Nghị quyết 57 là kim chỉ nam cho hoạt động của các trường đại học, viện nghiên cứu.
Theo đó, các cơ sở giáo dục đại học cần điều chỉnh chiến lược phát triển của mình phù hợp với chiến lược và chính sách phát triển của quốc gia theo những nội dung và mục tiêu mà Nghị quyết 57 đã đề ra. Muốn vậy, cơ sở giáo dục đại học phải tiên phong trong chuyển đổi số. Hệ thống công nghệ, hạ tầng và dữ liệu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong trường đại học phải được đầu tư, xây dựng và vận hành chuẩn chỉnh và là hình mẫu cho việc chuyển đổi số của quốc gia.
Đồng thời, phải chuyển đổi các chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận giáo dục STEM. Các công nghệ cao, công nghệ lõi cũng đòi hỏi phải có nền tảng khoa học cơ bản vững chắc. Không có thế mạnh về khoa học cơ bản và không đẩy mạnh STEM trong giáo dục đại học, chúng ta sẽ không có được nguồn nhân lực công nghệ cao.
Chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo phải tiếp cận với khung năng lực, chuẩn đầu ra của khu vực và quốc tế. Bên cạnh đó, các trường đại học phải mạnh dạn đầu tư xây dựng nhóm nghiên cứu mạnh. Vì nhóm nghiên cứu là tế bào của hoạt động nghiên cứu, đào tạo và đổi mới sáng tạo trong nhà trường.
Cũng theo GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Nhà nước và nhà trường cần có chủ trương và quyết tâm thành lập mới, ưu tiên đầu tư xây dựng các nhóm nghiên cứu mới trong những lĩnh vực công nghệ cao, mũi nhọn và then chốt trong phát triển kinh tế, an ninh quốc gia. Các trường đại học, viện nghiên cứu là nơi tập trung nhà khoa học có trình độ cao nên là môi trường khả thi nhất để mạnh dạn đầu tư cho các nghiên cứu rủi ro.
Hơn nữa, đầu tư cho các nhóm nghiên cứu trong trường đại học phải dài hơi, tới tầm và xứng tầm cùng với việc quy hoạch và đầu tư cho các nhà khoa học đầu ngành, đầu đàn. Có như vậy mới mong đẩy mạnh chất lượng nghiên cứu, hợp tác quốc tế trong khoa học công nghệ và tạo nên các đột phá trong nghiên cứu, đổi mới sáng tạo của các trường đại học.
“Các trường đại học cần đẩy mạnh triển khai mô hình 4 nhà: Nhà nước, nhà trường, nhà khoa học và doanh nghiệp. Nhà nước và nhà trường cần xây dựng cơ chế để thúc đẩy hợp tác và chia sẻ nguồn lực, cũng như quyền lợi thỏa đáng và chính đáng của các bên tham gia. Có như vậy mới mong thúc đẩy chuyển giao kết quả nghiên cứu và hoạt động đổi mới sáng tạo của nhà trường”, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức khuyến nghị.
Nhận thấy tầm quan trọng của hợp tác giữa đại học và doanh nghiệp, ông Wee Sung Yun - Tổng Giám đốc LG Electronic R&D Vietnam cho rằng, việc này sẽ tận dụng được tối đa nguồn lực, phát triển nền tảng công nghệ chiến lược và chuyển đổi số, góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết 57.
“Trên tinh thần đó, chúng tôi sẽ phối hợp với các đại học hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, trình độ cao. Mặt khác, cùng phối hợp xây dựng các chương trình đào tạo tài năng, chất lượng cao, đặc biệt là đào tạo sau đại học các ngành trọng điểm, mũi nhọn”, ông Wee Sung Yun trao đổi.
Bộ GD&ĐT lựa chọn ít nhất 3 cơ sở giáo dục đại học để xây dựng mô hình nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ, gắn kết 3 nhà: Nhà nước, nhà trường và nhà doanh nghiệp.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh - 3 đại học hàng đầu Việt Nam về lĩnh vực khoa học công nghệ đã hợp tác chiến lược triển khai Nghị quyết 57, chia sẻ nguồn lực, hợp tác thực hiện chương trình đào tạo, thu hút nhân tài, giảng viên, nhà khoa học trong và ngoài nước.
Hải Minh