Triển khai Nghị quyết 68: Cần nhìn 'trực diện' vào khó khăn của doanh nghiệp

Triển khai Nghị quyết 68: Cần nhìn 'trực diện' vào khó khăn của doanh nghiệp
7 giờ trướcBài gốc
Nghị quyết 68-NQ/TW về thúc đẩy kinh tế tư nhân đã mở ra một chương mới cho kinh tế tư nhân Việt Nam, khẳng định khu vực này là "động lực quan trọng nhất" của nền kinh tế. Nhưng từ nghị quyết đến thực tiễn là một hành trình dài, đòi hỏi những giải pháp cụ thể, quyết liệt và sự đồng hành của cả hệ thống chính trị lẫn cộng đồng doanh nghiệp
Để Nghị quyết 68 thực sự đi vào cuộc sống, Nhà nước cần nhanh chóng thiết lập một môi trường kinh doanh minh bạch và công bằng.
Minh bạch và công bằng là điều kiện tiên quyết
Dưới góc nhìn của một doanh nghiệp tư nhân, điều kiện tiên quyết để Nghị quyết 68 thực sự đi vào cuộc sống và tạo ra những tác động thiết thực là cần nhanh chóng thiết lập một môi trường kinh doanh minh bạch và công bằng. Đây không chỉ là nền tảng để bảo vệ các doanh nghiệp làm ăn chân chính, mà còn là yếu tố tạo dựng niềm tin từ người tiêu dùng và đối tác.
Cụ thể, bà Lâm Thúy Ái, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Mebi Group, nhấn mạnh rằng để Nghị quyết 68 thực sự đi vào cuộc sống, yếu tố quan trọng nhất là tạo ra một môi trường kinh doanh minh bạch. Theo bà Ái, công ty của bà luôn chú trọng phát triển sản phẩm xanh, sạch, và thực hiện các tiêu chuẩn chuyển đổi số, áp dụng công nghệ cao vào quy trình sản xuất. Tuy nhiên, bà cũng chỉ ra một thực tế đáng lo ngại: mặc dù nhiều doanh nghiệp không đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm hay các tiêu chuẩn khắt khe khác, họ vẫn có thể đưa hàng hóa ra thị trường. Điều này làm cho môi trường kinh doanh thiếu công bằng, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh.
"Chúng tôi mong muốn một môi trường kinh doanh công bằng và minh bạch cho tất cả doanh nghiệp, đó cũng chính là tinh thần mà Nghị quyết 68 hướng tới và tôi hy vọng sẽ sớm được triển khai và thực thi," bà Lâm Thúy Ái chia sẻ.
Song hành với việc thiết lập môi trường minh bạch là yêu cầu cấp thiết trong việc cải cách thủ tục hành chính và hệ thống pháp lý và khả năng tiếp cận vốn vay theo hướng đơn giản, hiệu quả và thân thiện với doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, doanh nghiệp nhỏ và vừa, còn gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn.
Bà Võ Thị Liên Hương, Tổng Giám đốc Công ty Secoin, cho rằng một vấn đề sống còn khác mà các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), luôn đối mặt là khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn. Việc vay vốn tại các tổ chức tín dụng hiện nay vẫn đòi hỏi điều kiện chặt chẽ, trong khi nhiều doanh nghiệp chưa đủ hồ sơ tài chính minh bạch hoặc không có tài sản thế chấp. Chính phủ cần khẩn trương hoàn thiện và triển khai hiệu quả các cơ chế hỗ trợ tài chính phù hợp, bao gồm các chương trình tín dụng ưu đãi, quỹ đầu tư mạo hiểm, các kênh gọi vốn cộng đồng, và đặc biệt là nâng cao hiệu quả của các quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ.
Việc tiếp cận vốn dễ dàng hơn không chỉ giúp doanh nghiệp tăng năng lực sản xuất, mở rộng quy mô mà còn tạo điều kiện để họ đầu tư vào nghiên cứu, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh. "Đơn cử, Nhà nước đang ưu tiên cho doanh nghiệp sản xuất xanh, như khi chúng tôi liên hệ với các ngân hàng để tiếp cận nguồn tín dụng xanh cho công ty, thì đều nhận câu trả lời là không có," bà Liên Hương nói. Vì vậy, để Nghị quyết 68 sớm đi vào cuộc sống, Nhà nước cần có những hướng dẫn cụ thể hơn.
Các thủ tục như đăng ký kinh doanh, kê khai và nộp thuế, xin cấp phép sản xuất hay kiểm tra chất lượng vẫn còn rườm rà, kéo dài, gây tốn kém cả về thời gian lẫn chi phí. Do đó, rất cần sự vào cuộc quyết liệt từ các cơ quan quản lý nhà nước trong việc ban hành cơ chế hành chính rõ ràng, minh bạch, với quy trình đơn giản, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và thực hiện các thủ tục một cách nhanh chóng, thuận tiện và chính xác, từ đó giảm gánh nặng chi phí không chính thức cho doanh nghiệp.
Cải cách từ thực tiễn..
Để Nghị quyết 68 có thể đi vào thực tiễn một cách hiệu quả, nhiều chuyên gia cho rằng Nhà nước cần nhìn vào thực tế, lấy những khó khăn cụ thể của doanh nghiệp để để ra những quyết sách phù hợp.
Nhà nước cần ban hành các Nghị định hỗ trợ và khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp, đồng thời xây dựng Luật về Kinh tế Tư Nhân. TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách của Thủ tướng, cho rằng cần triển khai các giải pháp trọng tâm như hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận đất đai, vốn, khoa học công nghệ, chuyển đổi số và xanh hóa. Đặc biệt, việc nâng cấp các hộ kinh doanh thành doanh nghiệp nhỏ hoặc siêu nhỏ và hỗ trợ các sáng kiến khởi nghiệp là rất quan trọng.
Chính phủ cũng cần tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp tư nhân và các đối tác nhà nước trong các dự án công và các dự án hợp tác công tư (PPP).
Một giải pháp khác là phát triển một thị trường tài chính cân bằng, bao gồm trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, quỹ đầu tư và sàn giao dịch gọi vốn cộng đồng. Nhà nước cần thành lập các quỹ tái bảo lãnh tín dụng, quỹ hỗ trợ chuyển đổi xanh và quỹ đầu tư mạo hiểm để nâng cao hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các quỹ bảo lãnh tín dụng cũng cần hoạt động hiệu quả hơn, thông qua sự phối hợp giữa các tổ chức tín dụng và các bên liên quan.
Ngoài ra, các chuyên gia đề xuất Chính phủ nên khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia vào các dự án quốc gia trọng điểm, và hỗ trợ họ phát triển thành doanh nghiệp dựa trên mức độ đóng góp chứ không chỉ dựa vào quy mô. Chính phủ cũng cần tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp tư nhân và các đối tác nhà nước trong các dự án công và các dự án hợp tác công tư (PPP). Các cơ chế hỗ trợ cho hoạt động đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân, cũng cần được quan tâm.
Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở dữ liệu về kinh tế tư nhân cần được hoàn thiện, bao gồm các chỉ tiêu đánh giá chất lượng như năng suất lao động và hệ số sử dụng vốn đầu tư (ICOR). Nhà nước cần thiết lập cơ chế chia sẻ và liên thông dữ liệu giữa các cơ quan, tạo ra cơ sở vững chắc để giám sát và phát triển kinh tế tư nhân.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực cũng nhấn mạnh việc các doanh nghiệp cần thay đổi tư duy kinh doanh theo hướng bền vững, tích hợp các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị (ESG) vào chiến lược phát triển. Điều này sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và phù hợp với xu thế chuyển đổi số và xanh hóa trong thời đại hiện nay.
Ông Phạm Bình An, Viện Phó Viện Kinh Tế TP.HCM, khuyến nghị doanh nghiệp tư nhân cần chú trọng đến "Bộ tứ trụ cột" trong các nghị quyết quan trọng như Nghị quyết 57 (chuyển đổi số), Nghị quyết 59 (hội nhập quốc tế), Nghị quyết 66 (cải cách thể chế pháp lý), và Nghị quyết 68 (kinh tế tư nhân). Cùng với đó, Chính phủ cần tập trung vào các chính sách hỗ trợ và khuyến khích chuyển đổi các hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Các nghị định cần nhanh chóng được ban hành để giúp các hộ kinh doanh tiếp cận nguồn lực và các chương trình đào tạo.
Quan trọng hơn hết, Chính phủ cần tạo ra một môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân phát triển, đảm bảo minh bạch trong thủ tục hành chính và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Điều này bao gồm việc thúc đẩy hệ thống tài chính cân bằng, phát triển mạnh mẽ các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, quỹ đầu tư và các sàn giao dịch gọi vốn cộng đồng, giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn tài chính dễ dàng hơn.
Việc thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân tham gia vào các dự án trọng điểm quốc gia là rất quan trọng. Chính phủ cần có cơ chế hỗ trợ để các doanh nghiệp này không chỉ nâng cao vị thế mà còn đóng góp vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế quốc gia.
Những ưu tiên để Nghị quyết 68 mang lại lợi ích cho doanh nghiệp
• Cải cách thể chế: Thành lập Cổng một cửa đầu tư quốc gia, giảm 30% điều kiện kinh doanh, ứng dụng công nghệ số để đơn giản hóa thủ tục hành chính.
• Tiếp cận vốn: Xây dựng quỹ hỗ trợ DNNVV với lãi suất ưu đãi 3-5%, phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp và sàn gọi vốn cộng đồng.
• Minh bạch và công bằng: Tăng cường giám sát, xử lý cạnh tranh không lành mạnh, đảm bảo sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp tuân thủ tiêu chuẩn xanh, sạch.
• Chuyển đổi số và R&D: Hỗ trợ 100.000 DNNVV chuyển đổi số vào 2027, triển khai “hộp cát pháp lý” cho công nghệ mới như AI, fintech.
• Tăng cường liên kết: Hiệp hội làm đầu tàu, xây dựng cụm ngành, kết nối doanh nghiệp tư nhân với FDI và chuỗi cung ứng toàn cầu.
• Giám sát và truyền thông: Thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia, công khai tiến độ thực thi, triển khai ứng dụng “Doanh nghiệp 4.0” và chiến dịch truyền thông đa nền tảng.
Sơn Nghĩa
Nguồn Người Đô Thị : https://nguoidothi.net.vn/trien-khai-nghi-quyet-68-can-nhin-truc-dien-vao-kho-khan-cua-doanh-nghiep-48345.html