Sáng 12/12, đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị triển khai Nghị quyết của HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và Dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2025.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Nghị chủ trì hội nghị.
Tham dự hội nghị có các đồng chí Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể, các sở, các đơn vị như Cục Thuế, Cục Thống kê, Kho bạc Nhà nước tỉnh, Chi cục Hải quan Nam Định, cùng lãnh đạo các huyện, thành phố trong tỉnh.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Nghị phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Hội nghị đã nghe báo cáo khái quát kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2024 và các chỉ tiêu kế hoạch, nhiệm vụ, giải pháp phát triển KT-XH năm 2025; Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 điều chỉnh, phân bổ vốn đầu tư công năm 2025; tổ chức thực hiện Dự toán NSNN năm 2025.
Về nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2025, các cấp chính quyền, ngành chức năng cần tập trung thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để đạt 14 chỉ tiêu kinh tế, xã hội, môi trường. Tỉnh phấn đấu năm 2025 đạt: Tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP (giá so sánh) tăng từ 10,5% trở lên; Cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp và thủy sản ≤ 15,0%, Công nghiệp, xây dựng, dịch vụ ≥ 85,0%; Chỉ số sản xuất công nghiệp (UP) tăng từ 15,0% trở lên; Giá trị xuất khẩu đạt từ 4 tỷ USD trở lên; Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng từ 18,0% trở lên; Thu NSNN trên địa bàn đạt 15.500 tỷ đồng; Tạo việc làm cho khoảng 33 nghìn lượt người; Tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 80% trở lên; Tỷ lệ hộ nghèo (gồm tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo) theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 giảm từ 0,1-0,5%; Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt từ 95% trở lên. Phấn đấu, 100% xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao; có thêm 6-7 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 4 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; huyện Giao Thủy được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu lĩnh vực giáo dục; Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100% (trong đó được sử dụng nước sạch đạt từ 98% trở lên); Tỷ lệ chất thải y tế nguy hại được xử lý đạt từ 95,3% trở lên; Tỷ lệ chất thải rắn được thu gom ở đô thị đạt từ 96,2% trở lên; ở nông thôn đạt từ 91% trở lên. Kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của tỉnh điều chỉnh với tổng số 44.263,670 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương 6.587,507 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 37.676,163 tỷ đồng. Kế hoạch đầu tư công năm 2025 với tổng vốn 12.141,644 tỷ đồng; trong đó Trung ương giao 8.041,644 tỷ đồng, tỉnh giao tăng 4.100 tỷ đồng.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Nghị yêu cầu các cấp chính quyền, ngành chức năng cần tập trung cao độ hoàn thành các nhiệm vụ còn lại của năm 2024: Hoàn thiện công tác thu NSNN; sáp nhập đơn vị hành chính; giải phóng mặt bằng các dự án giao thông trọng điểm và chuẩn bị chu đáo các hoạt động Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.
Đồng chí Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Mai Văn Quyết phát biểu tại hội nghị.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Năm 2025, là năm cuối thực hiện Kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu phát triển KT-XH, tài chính, NSNN của nhiệm kỳ, hướng tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải quyết tâm hơn nữa vượt qua mọi khó khăn, thách thức, xử lý tốt các vấn đề phát sinh, tận dụng mọi thời cơ, động lực để phát triển. Các mục tiêu, định hướng và giải pháp đề ra phải mạnh mẽ, hiệu quả hơn, phù hợp khả năng thực hiện của địa phương nhằm tạo ra chuyển biến mạnh mẽ, thực chất.
Trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH các cấp chính quyền, ngành chức năng phải: Bám sát quy định pháp luật và chỉ đạo cấp trên, chú trọng quy hoạch và sắp xếp bộ máy hành chính. Các ngành, các địa phương phải đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm, thúc đẩy phát triển các lĩnh vực trọng điểm. Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, xuất khẩu và xúc tiến thương mại. Thực hiện tốt công tác thu, chi ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công; hạn chế tối đa công tác điều chỉnh giá trong đầu tư công; tuân thủ tuyệt đối quy định quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, chống lợi ích nhóm. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu và bảo đảm thực hiện hiệu quả công tác giải phóng mặt bằng phục vụ đầu tư các dự án, nhất là các dự án trọng điểm của tỉnh. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông trọng điểm; các dự án xây dựng cải tạo hạ tầng thủy lợi; khuyến khích đầu tư xây dựng các khu đô thị, khu dân cư tập trung đồng bộ, hiện đại. Phấn đấu trong năm 2025 tối thiểu mỗi huyện phải phát triển, xây dựng một CCN; hỗ trợ tối đa trong giải quyết các thủ tục hành chính để thúc đẩy đầu tư xây dựng các KCN. Tạo điều kiện tối đa để ngành điện đầu tư hạ tầng cung ứng điện, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh ngày càng phát triển mạnh. Tăng cường thúc đẩy việc tạo các nguồn thu ngân sách; tích cực cải cách hành chính; bảo đảm thực hiện công tác sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương.
Bảo đảm công tác phòng, chống thiên tai bão lũ, phát triển sản phẩm OCOP, đẩy mạnh xây dựng NTM kiểu mẫu, nâng cao. Tăng cường quản lý đất đai, bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả xử lý chất thải. Giữ vững chất lượng giáo dục đào tạo, tích cực nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề theo hướng đáp ứng nhu cầu, chất lượng nguồn nhân lực chất lượng phục vụ phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao. Nâng cấp chất lượng hoạt động của ngành y tế, nhất là y tế dự phòng và chất lượng các bệnh viện; tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo hiểm y tế. Thực hiện tốt công tác chăm lo các đối tượng chế độ chính sách, người có công. Thúc đẩy du lịch phát triển, tạo điểm nhấn về chất lượng dịch vụ mới, duy trì thành tích lĩnh vực thể thao; tăng cường các hoạt động văn hóa phục vụ người dân, du khách. Quan tâm phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội; củng cố quốc phòng, an ninh; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông./.
Tin: Thanh Thúy, Ảnh: Viết Dư