Những năm qua, mặc dù tỉnh đã quan tâm đầu tư, củng cố và phát triển hệ thống PHCN nhưng công tác PHCN dựa vào cộng đồng còn nhiều hạn chế. Thông tin, dữ liệu về người khuyết tật, người có nhu cầu tiếp cận dịch vụ PHCN chưa đầy đủ.
Bác sĩ Trạm Y tế phường Hội Hợp (Vĩnh Yên) hướng dẫn người bệnh tập phục hồi chức năng tại nhà.
Ảnh: Dương Chung
Hệ thống khám, chữa bệnh chuyên ngành PHCN của tỉnh còn thiếu cơ chế kết nối, phối hợp, kiểm soát chất lượng giữa các bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến cơ sở; nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu.
Khả năng cung cấp dụng cụ trợ giúp cũng như việc thực hiện các dịch vụ kỹ thuật PHCN tại các tuyến còn hạn chế, người khuyết tật gặp nhiều khó khăn trong việc chi trả kinh phí. Tại tuyến huyện, các trung tâm y tế vẫn gộp Khoa PHCN và Y học cổ truyền.
Năm 2024, tỉnh triển khai Chương trình Phát triển PHCN giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Là đơn vị chủ trì, đầu mối trong triển khai chương trình, Bệnh viện PHCN tỉnh đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu Sở Y tế ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện chương trình.
Bác sĩ Đoàn Thanh Bình, Giám đốc Bệnh viện PHCN tỉnh cho biết: “PHCN dựa vào cộng đồng được ngành Y tế xác định là chiến lược để giải quyết vấn đề khuyết tật với chi phí thấp, đem lại nhiều cơ hội hòa nhập cho người khuyết tật.
Thực hiện nhiệm vụ chương trình, Bệnh viện PHCN tỉnh tập trung triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển chuyên ngành PHCN và PHCN dựa vào cộng đồng; phối hợp với trung tâm y tế các huyện, thành phố, các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch triển khai công tác chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật.
Hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật để triển khai hoạt động PHCN dựa vào cộng đồng cho các đơn vị y tế tuyến cơ sở; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan hỗ trợ phương tiện, trang thiết bị PHCN, hướng dẫn để người khuyết tật và gia đình người khuyết tật hiểu và sử dụng được một số trang thiết bị PHCN thiết yếu.
Tổ chức khám sàng lọc cho người khuyết tật; tập huấn cho cán bộ y tế tuyến xã, y tế thôn, tổ dân phố, người thân của người khuyết tật cách chăm sóc, PHCN cho người khuyết tật tại nhà; hướng dẫn trung tâm y tế các huyện, thành phố tiến hành điều tra phát hiện sớm trẻ khuyết tật từ 0 - 6 tuổi tại các địa phương và trường học”.
Hiện, Bệnh viện PHCN tỉnh đã hoàn thành nhiệm vụ bước đầu là tổ chức đào tạo, tập huấn cho Ban điều hành và giảng viên tuyến tỉnh của Chương trình PHCN dựa vào cộng đồng về các nội dung: Giới thiệu về PHCN dựa vào cộng đồng, nhận thức về khuyết tật và PHCN dựa vào cộng đồng; khung pháp lý và chính sách liên quan đến PHCN; vai trò của từng ban, ngành đối với chương trình.
Đội ngũ giảng viên tuyến tỉnh đã được trang bị nội dung cơ bản PHCN dựa vào cộng đồng và phương pháp tập huấn, hướng dẫn đào tạo các cấp.
Năm 2025, Bệnh viện PHCN tỉnh tiếp tục tổ chức tập huấn cho Ban điều hành chương trình tuyến huyện, xã và đội ngũ cộng tác viên trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn trung tâm y tế các huyện, thành phố rà soát, thống kê số lượng người khuyết tật, người có nhu cầu tiếp cận PHCN và các hoạt động hỗ trợ về chuyên môn, kỹ thuật cho tuyến cơ sở.
Qua đó góp phần nâng cao năng lực chuyên môn và quản lý cho hệ thống y tế các tuyến về hỗ trợ phòng ngừa, phát hiện và can thiệp sớm khuyết tật; nâng cao nhận thức của cộng đồng về người khuyết tật, phòng ngừa khuyết tật; tăng cường sự tham gia của cộng đồng vào các hoạt động phòng ngừa khuyết tật; cải thiện chất lượng sức khỏe, chất lượng cuộc sống, giúp người khuyết tật có thể hòa nhập và bình đẳng trong xã hội.
Thùy Linh