Hoạt động dạy học tại Trường THCS Yên Khê (Con Cuông, Nghệ An) được duy trì ổn định. Ảnh: NTCC
Qua đó, nhằm đảm bảo học trò tiếp thu đầy đủ kiến thức, kỹ năng và chuẩn bị sẵn sàng cho các kỳ thi quan trọng.
Không để trò “đứt gãy” việc học
Sau dịp Tết Nguyên đán, cô Nguyễn Thị Cúc - một trong số giáo viên chủ động đề nghị Ban giám hiệu Trường THCS Yên Khê (Con Cuông, Nghệ An) được tiếp tục dạy thêm nhưng không thu phí học sinh. Phụ trách môn Khoa học tự nhiên, cô Cúc nhận thấy đây là môn mới trong Chương trình GDPT 2018 nên việc tiếp nhận của học sinh, đặc biệt những em dân tộc thiểu số còn chậm. Nếu chỉ học chính khóa trên lớp, không củng cố, phụ đạo thêm thì khi học bài tiếp theo các em đã “rơi rụng” kiến thức bài trước.
Cô Hoàng Thị Tú Nga - giáo viên Ngữ văn Trường THCS Yên Khê năm nay phụ trách môn Ngữ văn của lớp 9 - lớp cuối cấp và chuẩn bị thi vào lớp 10. Đề thi tham khảo theo Chương trình GDPT 2018 có nhiều điểm mới, nhất là sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa cho bài thi nghị luận văn học.
“Thực tế, học sinh nhà trường do năng lực hạn chế nên việc tiếp cận, phân tích đoạn văn, thơ gặp nhiều khó khăn. Trước khi Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT (Thông tư 29) có hiệu lực, tôi đã mượn nhà trường lớp học để dạy thêm miễn phí, củng cố kiến thức, rèn luyện kỹ năng cho học sinh. Tôi thấy vui vì các em đi học đầy đủ, có ý thức lo lắng học bài”, cô Tú Nga chia sẻ.
Trường THCS Yên Khê nằm ở vùng thuận lợi huyện Con Cuông nhưng còn nhiều khó khăn trong dạy và học. Năm học này, trường có 11 lớp, với gần 400 học sinh, phần lớn là con em đồng bào dân tộc thiểu số (trong đó một số em người Đan Lai). Không phải trường dân tộc bán trú nên học sinh nhà trường không được hưởng chế độ chính sách, kinh phí dạy học 2 buổi/ngày.
Theo thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Hào, trước khi Thông tư 29 có hiệu lực, nhiều giáo viên đã chủ động đề nghị mượn cơ sở vật chất nhà trường để dạy phụ đạo kiến thức cho học sinh, không thu tiền. Trên cơ sở ý tưởng này, trong buổi sinh hoạt chi bộ và họp cơ quan, ban giám hiệu nhà trường động viên các thầy, cô giáo dạy thêm miễn phí và nhận được sự nhất trí 100%. Theo đó, giáo viên viết đơn tình nguyện dạy thêm không thu tiền và bố trí dạy kèm học sinh lớp mình được phân công từ 1 - 2 buổi/tuần.
“Hiện có 14/16 thầy, cô giáo của trường (trừ 2 giáo viên môn Thể dục) dạy phụ đạo kiến thức miễn phí cho học sinh ở các môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lý… Đặc biệt, 2 giáo viên tăng cường môn Tiếng Anh dù không thuộc biên chế nhà trường nhưng cũng tham gia dạy thêm tình nguyện”, thầy Nguyễn Văn Hào cho biết.
Trường THCS Yên Khê đã tổ chức họp phụ huynh, thông báo về tinh thần Thông tư 29 và điều chỉnh kế hoạch giảng dạy. Nhà trường mong muốn phụ huynh phối hợp, quan tâm quản lý, rèn luyện cho con em tự học ở nhà. Về phía nhà trường đã chỉ đạo giáo viên tăng cường giao bài tập về nhà để học trò rèn luyện. Đồng thời, thầy cô thường xuyên đến nhà thăm góc học tập của học sinh, trao đổi thêm với phụ huynh, nhắc nhở con em hoàn thành bài thầy cô giao.
Thầy Hồ Quang Đạo ôn tập miễn phí cho nhóm học sinh học lực yếu tại Trường THPT Trần Hưng Đạo (Krông Bông, Đắk Lắk). Ảnh: TT
Thay đổi từ người thầy
Trường THPT Trần Hưng Đạo, xã Cư Đrăm (Krông Bông, Đắk Lắk) đóng ở vùng sâu, cách trung tâm thị trấn gần 40km, phần lớn học sinh có hoàn cảnh khó khăn, 1 buổi đi học, 1 buổi về nhà phụ giúp gia đình. Số lượng học sinh đăng ký học thêm tại trường không nhiều nhưng khi Thông tư 29 có hiệu lực, một số phụ huynh lo lắng thầy cô sẽ nghỉ dạy, con em không được học.
Thầy Hồ Quang Đạo - giáo viên môn Hóa, tham gia dạy thêm miễn phí chia sẻ: “Học sinh có học lực khá, giỏi có thể tự ôn tập, nhưng các em học lực yếu, có nguy cơ trượt tốt nghiệp cần phải duy trì mức độ rèn luyện kỹ năng làm bài và cập nhật kiến thức. Lớp tôi có 2 học sinh xếp vào diện này. Cả thầy và trò phải nỗ lực liên tục để đạt mức yêu cầu cơ bản của môn Hóa. Các môn khác, thầy cô đang cố gắng bổ trợ kiến thức”.
Tương tự, cô Phạm Thị Khuê - giáo viên môn Giáo dục pháp luật, Trường THPT Ea Rốk (Ea Súp, Đắk Lắk) tự nguyện dạy miễn phí. Theo cô Khuê, ở khu vực biên giới, việc học sinh chăm chỉ đến trường đã là điều hết sức ý nghĩa, trở thành động lực để thầy cô dạy học. Ở thành phố hay trung tâm huyện, học sinh có nhiều lựa chọn bởi số lượng lớn trường THPT tập trung ở đây.
Còn vùng sâu, xa trong bán kính 40 - 50km chỉ có 1 trường, thậm chí mỗi môn có 1 giáo viên. Vì vậy, lãnh đạo trường thường xuyên động viên thầy cô giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học lực yếu. “Trước mắt, tôi tập trung giảng dạy trên lớp, ngoài giờ tranh thủ hướng dẫn học sinh lớp 12 làm các bài tập cơ bản và nâng cao theo phân loại”, cô Khuê nói.
Cô trò Trường THCS Trung Hạ (Quan Sơn, Thanh Hóa). Ảnh: NTCC
Trường THPT Đào Duy Từ (TP Thanh Hóa, Thanh Hóa) đã dừng dạy thêm, học thêm đối với khối 10 và 11. Tuy nhiên, công tác bồi dưỡng đội tuyển dự thi học sinh giỏi vẫn duy trì miễn phí. Bên cạnh đó, nhà trường động viên các thầy, cô giáo bộ môn thực hiện đúng thời khóa biểu dạy ôn tập cho học sinh khối 12, với mỗi môn 2 tiết/tuần.
Thầy Chu Anh Văn - Hiệu trưởng Trường THPT Đào Duy Từ, bày tỏ, dù trường ở thành phố, nhưng tinh thần tự giác học tập của nhiều học sinh chưa tốt, phải có thầy cô kèm cặp, sát sao mới chịu học. Trong khi đó, Kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới khá áp lực đối với học sinh và giáo viên. Cũng may, các thầy, cô giáo đều nhiệt tình, tự nguyện dạy miễn phí cho học sinh.
Để thực hiện tốt chương trình giảng dạy trong nhà trường theo tinh thần Thông tư 29, thầy Chu Anh Văn cho biết thêm, trường chủ động xây dựng kế hoạch, đưa ra các giải pháp như: Động viên thầy, cô giáo nâng cao trách nhiệm; tăng cường bổ sung tài liệu, học liệu… để học sinh về nhà tự giác ôn tập; tích cực tương tác với học sinh. Đặc biệt, Đoàn Thanh niên nhà trường cũng nỗ lực phối hợp với giáo viên thành lập các nhóm học tốt thành “nhóm bạn cùng tiến” để hỗ trợ, khích lệ nhau cùng học.
Cô Hoàng Thị Tú Nga - giáo viên Ngữ văn Trường THCS Yên Khê, Con Cuông (Nghệ An) giảng dạy học sinh khối 9. Ảnh: NTCC
Đi vào ổn định
Thầy Nguyễn Văn Hào - Hiệu trưởng Trường THCS Yên Khê (Con Cuông, Nghệ An) thông tin, trước đây, ngoài dạy học chính khóa buổi sáng, nhà trường tổ chức dạy thêm, học thêm cho học sinh các môn văn hóa vào buổi chiều. Trong đó, khối 6, 7, 8 với thời lượng 2 buổi/tuần, riêng khối 9 tăng cường thêm một số buổi môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh để ôn tập cho học sinh thi vào lớp 10.
Về tiền học thêm theo thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh, thống nhất thu mỗi em 18 nghìn đồng/buổi. Số tiền này để chi trả điện nước, văn phòng phẩm và thù lao cho giáo viên dạy thêm. Tuy nhiên, khi Thông tư 29 ban hành, nhà trường chủ động dừng dạy thêm có thu tiền.
“Các thầy cô đều tự nguyện dạy miễn phí cho học sinh với tinh thần thoải mái, trách nhiệm, tâm huyết. Dạy học ở vùng cao, học sinh nhiều thiệt thòi thì thầy, cô giáo chính là người bù đắp cho các em. Với tinh thần đó, tôi tin rằng, dù kế hoạch năm học thay đổi, nhưng phong trào dạy học của giáo viên sẽ duy trì ổn định đến cuối năm” - thầy Hào cho biết.
Dạy học theo tinh thần Thông tư 29, Ban giám hiệu Trường THPT Ngọc Lặc (Ngọc Lặc, Thanh Hóa) đã động viên các thầy, cô giáo phát huy tinh thần tự nguyện ôn thi không thu tiền học sinh lớp 12 và đội tuyển học sinh giỏi.
“Dù giáo viên nhiệt tình với công tác ôn tập không thu tiền nhưng ban giám hiệu vẫn trăn trở, suy nghĩ việc hỗ trợ một phần nhỏ kinh phí để thầy cô bù vào xăng xe đi lại. Nhà trường dự kiến sẽ trích từ tiết kiệm chi thường xuyên để động viên các thầy, cô giáo”, thầy Hiệu trưởng Vũ Ngọc Liêm trao đổi.
Cũng như nhiều trường THPT khác, mức độ tiếp thu của học sinh Trường THPT Lang Chánh (Lang Chánh, Thanh Hóa) còn hạn chế, nếu chỉ dựa vào các tiết học chính khóa thì chắc chắn giáo viên không đủ thời lượng để truyền đạt kiến thức. Do đó, lâu nay hầu như giáo viên dạy thêm miễn phí cho học sinh.
Chia sẻ điều này, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Mạnh Tuấn bày tỏ quan điểm: “Một chính sách, thông tư mới được áp dụng vào cuộc sống, bước khởi đầu luôn có những trăn trở, lúng túng, khó khăn nhất định. Song chúng tôi tin, việc thực hiện Thông tư 29 sẽ dần đi vào quỹ đạo; ngành Giáo dục chắc chắn khẳng định được sự tôn nghiêm vốn có”.
“Đặc thù của trường miền núi có nhiều học sinh ở bản, làng xa xôi, ý thức tự giác học tập của các em còn nhiều hạn chế. Trong khi đó, đa số phụ huynh phó mặc việc học tập của con em cho thầy, cô giáo. Từ thực tế này, nhà trường phải sắp xếp việc dạy học hợp lý, phù hợp tinh thần Thông tư 29 để học sinh được tiếp nhận đầy đủ chương trình, vững kiến thức, kỹ năng vượt qua Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025”, thầy Vũ Ngọc Liêm - Hiệu trưởng Trường THPT Ngọc Lặc (Thanh Hóa) bày tỏ.
Nhóm phóng viên