Quyết định số 31 quy định rõ về vùng canh tác hữu cơ; về quản lý đất; quản lý nước; quản lý trang thiết bị; vật tư đầu vào gồm: giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; quản lý sinh vật gây hại; kỹ thuật trồng, chăm sóc cây trồng; thu hoạch, sơ chế, bảo quản…
Các nội dung khác gồm truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý sản phẩm hữu cơ không đảm bảo chất lượng; thu gom xử lý, sử dụng chất thải và phụ phẩm cây trồng… cũng được quy định rõ trong quyết định trên.
Vườn bưởi sản xuất theo hướng hữu cơ tại huyện Thống Nhất. Ảnh: B.Nguyên
Quyết định giao cho Sở Nông nghiệp và môi trường chủ trì triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định về canh tác trên vùng canh tác hữu cơ trên địa bàn tỉnh; các quy định về nông nghiệp hữu cơ có liên quan. Tổ chức đào tạo, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật về sản xuất nông nghiệp hữu cơ để nhân dân mở rộng sản xuất. Thực hiện quản lý nhà nước về việc tuân thủ quy định đối với các tổ chức, cá nhân trong hoạt động sản xuất, giám sát, cấp chứng nhận sản xuất trồng trọt hữu cơ theo quy định. Xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về canh tác trên vùng canh tác hữu cơ, kiểm tra cấp chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn đảm bảo theo đúng quy định.
Các sở, ngành, địa phương liên quan phối hợp với Sở Nông nghiệp và môi trường triển khai thực hiện nhiệm vụ trên. Đặc biệt, Sở Khoa học và công nghệ tập trung triển khai các chương trình, dự án, đề tài về nghiên cứu, ban hành các quy trình sản xuất hữu cơ cho cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh.
Bình Nguyên