Bộ Xây dựng vừa có Quyết định 110/QĐ-BXD về việc ban hành kế hoạch triển khai các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhằm lành mạnh hóa thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.
Đây là kế hoạch góp phần thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân khu công nghiệp và thực hiện có hiệu quả Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng công nhân khu công nghiệp, thu nhập thấp giai đoạn 2021-2030.
Bộ Xây dựng họp lấy ý kiến triển khai mô hình Trung tâm giao dịch BĐS và quyền sử dụng đất do Nhà nước quản lý.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, thực hiện triển khai mô hình Trung tâm giao dịch BĐS và quyền sử dụng đất do Nhà nước quản lý cần nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá thận trọng hơn, nhìn nhận vấn đề toàn diện hơn đối với mô hình này.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh đánh giá, Hội Môi giới BĐS rất tích cực, chủ động trong việc đề xuất xây dựng mô hình, chủ động khảo sát thực tế các mô hình nước ngoài để có dự thảo báo cáo tóm tắt cho đề án. Đồng thời, Thứ trưởng nhấn mạnh, việc quan trọng phải hoàn thành đề án, trên cơ sở đó để trình Bộ Chính trị cho chủ trương để ban hành Nghị quyết thí điểm mô hình Trung tâm giao dịch BĐS và quyền sử dụng đất do Nhà nước quản lý.
Bên cạnh đó, Thứ Trưởng Nguyễn Văn Sinh yêu cầu, cần đánh giá đầy đủ nhận diện giao dịch BĐS hiện nay, những bất cập, hệ lụy những hạn chế tồn tại. Cơ bản đề án đáp ứng được như dự kiến, cần các đơn vị nghiên cứu thêm để hoàn chỉnh mô hình này.
Ông Vương Duy Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS cho biết, hiện nay Cục cùng với Hội Môi giới BĐS và các đơn vị liên quan phối hợp và đã thống nhất sơ bộ nội dung đề cương, bám sát theo đề cương, đánh giá những thực trạng và áp dụng bài học kinh nghiệm quốc tế.
Ông Vương Duy Dũng cho rằng, nội dung đề án cơ bản đầy đủ cụ thể, đúc kết các bài học kinh nghiệm, trọng tâm nghiên cứu theo mô hình Trung Quốc. Cần nghiên cứu sâu thêm mô hình bản chất của quốc gia này về việc số hóa toàn bộ quy trình giúp hạ chi phí vận hành, minh bạch dữ liệu và khả năng giám sát.
Đồng thời, đại diện Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS nêu rõ, dự thảo đưa ra 6 nhóm cơ chế, chính sách thí điểm mô hình Trung tâm giao dịch BĐS và quyền sử dụng đất do Nhà nước quản lý gồm: Nhóm chính sách về thành lập Trung tâm giao dịch BĐS và giao dịch quyền sử dụng đất do Nhà nước quản lý; Nhóm chính sách về chức năng nhiệm vụ của Trung tâm giao dịch quyền sử dụng đất do Nhà nước quản lý; Nhóm chính sách về quy trình, thủ tục giao dịch BĐS, quyền sử dụng đất; Nhóm chính sách về kết nối chia sẻ cơ sở dữ liệu phục vụ hoạt động các Trung tâm giao dịch BĐS, quyền sử dụng đất; Nhóm chính sách về xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác cơ sở dữ liệu về giao dịch BĐS và quyền sử dụng đất; Nhóm chính sách về cơ sở vật chất, nguồn lực và tổ chức thực hiện.
"Sau khi Đoàn khảo sát đã thống nhất các thông tin ghi nhận tại Trung Quốc, sẽ tiếp tục hoàn thiện nội dung đề án này, rất nhiều nội dung tiếp tục cần hoàn thiện trong 6 nhóm chính sách thành lập Trung tâm giao dịch BĐS và quyền sử dụng đất do Nhà nước quản lý", ông Vương Duy Dũng nhấn mạnh.
TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS cho rằng, tính cấp thiết và cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý của đề án với mô hình cần phải quản lý chặt chẽ thống nhất. Cần xác định rõ cơ sở khoa học đề tài, phạm vi nghiên cứu đảm bảo tính đúng và trúng đối với đề tài này, thực trạng hoạt động công phu tỉ mỉ, thu thập thông tin, đánh giá kỹ lưỡng, các thực trạng ứng dụng số quản lý Nhà nước. Phân tích mô hình quốc tế, phát hiện các ưu điểm làm bài học ứng dụng cho việc nghiên cứu và một số sàn giao dịch do Nhà nước quản lý.
Ông Nguyễn Văn Đính cho biết thêm, hiện nay với mô hình này, cốt lõi là hệ thống dữ liệu, giá trị cao nhất của trung tâm là dữ liệu, cần phải được định danh, có mã số. Cho nên chúng ta phải hướng việc xây dựng trung tâm dữ liệu là trọng tâm. Để sau này có thể kiểm soát việc mua bán, mà không có định danh sẽ được coi là bất hợp pháp.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh chỉ đạo, cần bổ sung phạm vi loại hình BĐS thực hiện qua trung tâm này, tổng hợp kinh nghiệm thực tế thông tin từ các trung tâm hành chính của các địa phương, cần đổi mới quan điểm, giao dịch liên thông không có ranh giới vùng miền, bất cứ địa phương nào cũng có thể giao dịch BĐS.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh đánh giá, đề án nhiều thông tin cơ bản, cần tiếp tục cập nhật hoàn thiện, xác định nhiệm vụ sẽ khó khăn, hay còn được gọi là cuộc cách mạng trong lĩnh vực BĐS. Đây là sản phẩm trong chương trình phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số của Bộ Xây dựng.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh giao cho Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS phối hợp cùng các đơn vị rà soát lộ trình văn bản, nêu rõ sự cần thiết, căn cứ chính trị, pháp lý, thực tiễn; Đánh giá thêm thực trạng giao dịch BĐS Việt Nam hiện nay, gia cố thêm hạn chế, hệ lụy, cần cập nhật kinh nghiệm quốc tế.
Tuy nhiên, cần cập nhật trọng tâm một mô hình, cần có báo cáo riêng mô hình quốc tế kèm theo, nghiên cứu và đánh giá văn bản pháp luật, thực tiễn, mô hình, cơ sở và cách thức giao dịch; Đề xuất nêu quan điểm giải quyết các vấn đề, hoạt động mục tiêu như thế nào, trên cơ sở nguyên tắc quan điểm thì mới đề xuất các nhiệm vụ. Cần xây dựng quy trình phân công nhiệm vụ đối với từng nhóm cụ thể. Lưu ý, cần phải có tính hành động không mang tính chất lý thuyết.
Nguyễn Linh