Triển khai thực hiện Nghị định 168 - Bài 1: Từ lo lắng chuyển sang yên tâm

Triển khai thực hiện Nghị định 168 - Bài 1: Từ lo lắng chuyển sang yên tâm
3 giờ trướcBài gốc
Trật tự giao thông ở Hà Nội trong những ngày đầu thực hiện Nghị định 168. Ảnh: TTXVN
Rôm rả từ nhà ra phố chuyện "phạt" vi phạm giao thông
"Chấp hành nghiêm chỉnh luật an toàn giao thông" trở thành câu cửa miệng được chị Nguyễn Thùy Linh nhắc đi nhắc lại trong cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nam. Những ngày qua, trong bữa cơm gia đình, chồng chị Linh không quên dặn vợ và các con khi ra đường phải tuân thủ luật, để ý đèn tín hiệu giao thông, không đi xe trên vỉa hè, đã ngồi lên xe gắn máy là nhớ đội mũ bảo hiểm, mang đầy đủ giấy tờ xe...
"Trường của con tôi chỉ cách nhà 500 mét nhưng tôi vẫn đội mũ bảo hiểm. Xe cũng đã được thay chiếc gương mới, giấy tờ xe tôi luôn mang theo bên người. Đến trường đón con, mấy phụ huynh nhìn nhau cũng bật cười vì ai cũng mũ nón đầy đủ, khác với trước đây.
Ra chợ, thấy người mua nào đi xe máy mà chưa đội mũ bảo hiểm, mấy chị bán hàng đã nhắc nhở. Trên nhóm chung của tòa nhà, lời nhắc nhở chấp hành luật an toàn giao thông cũng được trưởng tòa nhà "ghim" lại. Tôi nhận thấy có nhiều chuyển biến từ khi có Nghị định 168", chị Linh cho hay.
Không chỉ trong bữa cơm gia đình, việc tăng mức phạt vi phạm giao thông cũng là chủ đề "nóng" ở nhiều góc phố hơn một tuần qua.
"Mới đầu nghe đến mức phạt đối với một số hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, tôi thấy choáng. Không chấp hành tín hiệu giao thông sẽ bị phạt tiền từ 18 - 20 triệu đồng đối với ô tô, trước đây là từ 4 - 6 triệu đồng và từ 4 - 6 triệu đồng đối với xe máy, trước đây là từ 800.000 - 1 triệu đồng.
Hàng ngày, tôi đi làm bằng chiếc xe máy Wave cũ. Nếu tôi vượt đèn đỏ thì mức phạt gần bằng giá trị chiếc xe, cũng bằng nửa tháng lương của tôi", anh Nguyễn Mạnh Hà ngồi tại quán cà phê ở góc phố Hàng Chuối (phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết.
Anh Hà cũng thừa nhận, trước đây, gặp cảnh tắc đường, vì sợ muộn giờ làm nên nhiều lần anh đã leo xe lên vỉa hè để di chuyển. Thế nhưng, kể từ khi Nghị định 168/2024/NĐ-CP có hiệu lực, anh Hà đã chấp hành nghiêm chỉnh.
Lực lượng Cảnh sát giao thông Thành phố Hà Nội triển khai trên nhiều tuyến đường, xử lý các hành vi vi phạm giao thông - Ảnh: TTXVN
"Mức phạt nặng đối với các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ theo Nghị định 168 mới nghe rất sốc nhưng sẽ không bị phạt nếu chấp hành tốt. Thậm chí điều này còn hình thành thói quen tham gia giao thông đúng luật, văn minh", anh Hà nói.
Cũng từng mang tâm trạng đầy lo lắng khi Nghị định 168 mới có hiệu lực, anh Nguyễn Đình Nguyên, một tài xế ô tô công nghệ, cho biết, anh luôn có cảm giác e sợ chỉ một phút sơ sểnh là có thể mất cả tháng thu nhập.
"Do tính chất công việc nên tài xế phải chạy nhiều tiếng ở trên đường. Mới đầu anh em tài xế cũng hay hỏi đùa nhau rằng chưa bán xe à, đã sắp đổi nghề chưa? Tuy nhiên, anh em cũng nhắc nhở nhau phải tập trung cao độ khi lái xe, để ý hơn đến tín hiệu giao thông, biển báo. Tôi thường chạy ca đêm.
Trước đây, khoảng sau 12h đêm là có tình trạng xe máy vượt đèn đỏ, rất nguy hiểm. Còn hiện tại, tất cả đều chấp hành nghiêm chỉnh. Từ tâm trạng lo lắng, giờ đây, tôi lại thấy yên tâm hơn. Nghị định 168 đã tạo ra nhiều chuyển biến trong ý thức chấp hành giao thông của người dân. Tôi mong thời gian tới, hạ tầng giao thông sẽ được cải thiện, hạn chế tình trạng đèn giao thông bị lỗi, biển khuất", nam tài xế tâm sự.
Sự nghiêm khắc cần thiết
Theo dõi các tranh luận trên mạng xã hội những ngày qua xung quanh chủ đề tăng mức xử phạt vi phạm giao thông, anh Lê Hoàng Mai, một tài xế xe tải, cho rằng, các ý kiến dường như đang tập trung về tín hiệu đèn giao thông, biển báo mà quên mức phạt đối với các vi phạm khác cũng rất cao.
Từ hình ảnh của hệ thống camera giám sát, Cảnh sát giao thông đã phát hiện, xử lý nhiều trường hợp vượt đèn đỏ - Ảnh: TTXVN
Đơn cử như lỗi "vận chuyển hàng hóa chằng buộc không chắc chắn" có mức phạt từ 18 triệu đến 22 triệu đồng, tăng 30 lần so với mức phạt cũ (từ 600.000 đến 800.000 đồng). Anh Mai chuyên vận chuyển chè búp cho các nhà máy gần nhà. Chè nhẹ nhưng cồng kềnh, mỗi lần vận chuyển, anh Mai đều chằng buộc cẩn thận nhưng đã mấy lần anh bị cơ quan chức năng xử phạt.
Sau khi Nghị định 168 có hiệu lực, lo bị xử phạt nên mới đây anh Mai đã bán chiếc xe ben cũ, đổi sang chiếc xe thùng khổ lớn. "Tôi đã gặp nhiều tình huống và không thể kiểm soát được lỗi chằng buộc, không còn cách nào khác là phải đổi xe", anh nói.
Theo luật sư Lê Hồng Hiển (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), Nghị định 168 đã tạo ra chuyển biến tích cực của bộ mặt giao thông. Về việc nâng cao mức phạt, theo luật sư Hiển, là cần thiết. Mục tiêu của mức xử phạt nghiêm khắc là giảm thiểu tai nạn giao thông, bảo vệ cộng đồng và an toàn cho xã hội.
Luật sư Lê Hồng Hiển nhấn mạnh, nếu người dân chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông, không uống rượu, bia khi lái xe, không vượt quá tốc độ, không lạng lách thì sẽ không bị xử phạt. Những vi phạm do yếu tố bất khả kháng như đèn tín hiệu lỗi hoặc biển báo bị che khuất sẽ được xem xét và không bị xử lý khi có căn cứ rõ ràng.
"Tuy nhiên, tôi cho rằng, chỉ khi có sự đồng bộ giữa cải thiện hạ tầng giao thông, tuyên truyền hiệu quả và áp dụng pháp luật phù hợp, chúng ta mới có thể xây dựng một môi trường giao thông an toàn và văn minh", ông Hiển nói.
Theo Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), qua những ngày đầu thực hiện Nghị định 168/2024/NĐ-CP, số tiền phạt vi phạm giao thông đã tăng lên đáng kể. Số tiền phạt ngày 1/1/2025 ước tính là gần 28 tỷ đồng. Những ngày tiếp theo, số tiền phạt còn cao hơn. Cụ thể, ngày 2/1 là hơn 33 tỷ đồng, ngày 3/1 là hơn 32,5 tỷ đồng và ngày 4/1 là hơn 33,6 tỷ đồng…
Bài sau: Để ý thức tuân thủ luật giao thông thành thói quen
PV
Nguồn Phụ Nữ VN : https://phunuvietnam.vn/trien-khai-thuc-hien-nghi-dinh-168-bai-1-tu-lo-lang-chuyen-sang-yen-tam-20250110131932605.htm