Triển khai thực hiện tốt các quy tắc ứng xử, đạo đức kinh doanh

Triển khai thực hiện tốt các quy tắc ứng xử, đạo đức kinh doanh
2 ngày trướcBài gốc
Theo kế hoạch công tác PCTN, LP, TC năm 2025 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh (Kế hoạch số 09/KH-UBND, ngày 03/02/2025 của UBND tỉnh), công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN, LP, TC; thực hiện đồng bộ các chủ trương, chính sách, pháp luật, giải pháp phòng ngừa TN, LP, TC tiếp tục được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để PCTN, LP, TC.
Riêng đối với các DN, tổ chức khu vực ngoài nhà nước, UBND tỉnh yêu cầu tiếp tục tăng cường phổ biến, triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về PCTN, LP, TC theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Nghị định số 59/2019/NĐ-CP, ngày 01/7/2019; tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động của DN, tổ chức khu vực ngoài nhà nước, từng bước nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước, góp phần nâng cao hiệu quả công tác PCTN, LP, TC trong toàn hệ thống chính trị của tỉnh.
Theo đó, các DN, tổ chức khu vực ngoài nhà nước tiếp tục triển khai thực hiện tốt các quy tắc đạo đức nghề nghiệp, đạo đức kinh doanh, quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát nội bộ… nhằm phòng ngừa tham nhũng. Các DN, tổ chức khu vực ngoài nhà nước có trách nhiệm nghiên cứu, tổ chức thực hiện đúng theo quy định của Đảng, quy định của pháp luật về PCTN, LP, TC. Khuyến khích DN, hiệp hội DN, hiệp hội ngành nghề, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp ban hành quy tắc đạo đức kinh doanh, quy tắc đạo đức nghề nghiệp đối với người lao động, thành viên, hội viên của mình. Tổ chức, động viên, khuyến khích thành viên, hội viên xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, không tham nhũng. Đồng thời, giám sát việc chấp hành pháp luật về PCTN, LP, TC của thành viên, hội viên, tích cực tham gia vào việc hoàn thiện chính sách, pháp luật, thực hiện quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát nội bộ nhằm phòng ngừa xung đột lợi ích, ngăn chặn hành vi tham nhũng, xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh, không tham nhũng.
Tập trung thực hiện các biện pháp PCTN, LP, TC trong khu vực ngoài nhà nước đối với các công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, tổ chức xã hội do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ có huy động các khoản đóng góp của Nhân dân để hoạt động từ thiện. Cụ thể, phải đảm bảo công khai, minh bạch trong tổ chức, hoạt động. Trên cơ sở phù hợp với đặc thù của từng đơn vị, tổ chức, quy định cụ thể hình thức, nội dung, trách nhiệm thực hiện việc công khai, minh bạch, bao gồm việc thực hiện chính sách, pháp luật có nội dung liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, của thành viên; chế độ lương, thưởng; thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, các chế độ phúc lợi xã hội khác; quy tắc ứng xử, điều lệ DN; công tác tổ chức, bố trí nhân sự và các nội dung khác phải công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật có liên quan.
Công khai, minh bạch về quy chế huy động, quản lý, sử dụng các khoản đóng góp để hoạt động từ thiện; quyền lợi và nghĩa vụ của người đóng góp, người được hưởng lợi; mục đích huy động các khoản đóng góp để hoạt động từ thiện; đối tượng, hình thức, mức huy động các khoản đóng góp. Kết quả huy động, bao gồm danh sách các đối tượng đóng góp, tài trợ, hình thức, mức đóng góp, tài trợ của từng đối tượng; kết quả quản lý, sử dụng các khoản huy động vào mục đích từ thiện.
Quy định cụ thể các trường hợp xung đột lợi ích, trách nhiệm thông tin, báo cáo về các trường hợp xung đột lợi ích và công khai, phổ biến, tập huấn cho toàn thể người lao động, thành viên của DN, tổ chức. Quy định và thiết lập cơ chế tiếp nhận, xử lý thông tin, báo cáo về xung đột lợi ích trong DN, tổ chức, bao gồm việc giám sát và áp dụng các biện pháp phù hợp theo thẩm quyền để kiểm soát xung đột lợi ích. Có biện pháp bảo vệ kịp thời quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động đã thông tin, báo cáo về xung đột lợi ích trong DN, tổ chức khi bị thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại. Báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật trong trường hợp xung đột lợi ích dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật cần phải ngăn chặn, xử lý kịp thời.
Được biết trong năm 2024, UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt công tác phòng ngừa tham nhũng trong DN, tổ chức, khu vực ngoài nhà nước. Trong đó, bao gồm các mặt công tác như ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện công tác phòng ngừa tham nhũng; xây dựng, thực hiện quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm tra nội bộ; thực hiện các biện pháp công khai, minh bạch; kiểm soát xung đột lợi ích và thực hiện chế độ trách nhiệm của người đứng đầu trong DN, tổ chức khu vực ngoài nhà nước. Trong kỳ, chưa phát hiện tham nhũng trong DN, tổ chức khu vực ngoài nhà nước.
Năm 2025, theo kế hoạch công tác PCTN, LP, TC trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh tiếp tục quan tâm tăng cường trách nhiệm, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu trong DN, tổ chức khu vực ngoài nhà nước khi để xảy ra tham nhũng. Trong đó, có việc quy định cụ thể hình thức xử lý trách nhiệm, các trường hợp được xem xét đối với cấp phó của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong DN, tổ chức để loại trừ, trừ, miễn, giảm hoặc bị tăng nặng trách nhiệm đối với người đứng đầu, cấp do mình quản lý. Quy định trình tự, thủ tục xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng.
HÀ THANH
Nguồn Trà Vinh : https://www.baotravinh.vn/phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc/trien-khai-thuc-hien-tot-cac-quy-tac-ung-xu-dao-duc-kinh-doanh-44639.html