Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Trưởng đoàn chính đảng các nước nhân dịp sang Việt Nam dự Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 29/4. (Nguồn: TTXVN)
Đây cũng là Đại hội đầu tiên của Đảng bộ mới được thành lập sau khi Bộ Ngoại giao hợp nhất với Ban Đối ngoại Trung ương và tiếp nhận một phần chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội.
Đại hội diễn ra trong bối cảnh cả nước đang tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV - Đại hội đánh dấu khởi điểm lịch sử của kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Vì vậy, Đại hội Đảng bộ Bộ Ngoại giao lần này có ý nghĩa trọng đại.
Đặc biệt, Đại hội sẽ đề ra phương hướng, chủ trương, giải pháp để triển khai đồng bộ, hiệu quả nền ngoại giao toàn diện, hiện đại trên cả ba trụ cột đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân, thực hiện sứ mệnh cao cả là góp phần đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Sự phối hợp chặt chẽ ba trụ cột đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc
Trong thực tiễn cách mạng nước ta, đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân đã hình thành, phát triển và có sự phối hợp chặt chẽ, khăng khít với nhau suốt cả một thế kỷ qua, đồng hành cùng quá trình đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước, phá bao vây, đổi mới và hội nhập quốc tế.
Ngay những ngày đầu rời bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những hoạt động tiếp xúc, trao đổi phong phú, tranh thủ sự ủng hộ, kinh nghiệm của bạn bè quốc tế với cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam, hình thành nên những nét cơ bản của đối ngoại nhân dân trong hành trình đi qua gần 30 quốc gia và bốn châu lục.
Với việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930 và sau đó là nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945, đối ngoại đảng và ngoại giao nhà nước đã có những bước phát triển mạnh mẽ, tiếp tục gắn bó chặt chẽ với đối ngoại nhân dân, hình thành nên thế trận kiềng ba chân, tranh thủ được tối đa sự ủng hộ của quốc tế, trở thành một sức mạnh quan trọng cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đồng thời cũng tạo nên bản sắc riêng, rất độc đáo của nền ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh.
Việc phối hợp nhuần nhuyễn, đồng bộ của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân vừa là truyền thống quý báu, vừa là nghệ thuật đặc sắc của ngoại giao Việt Nam. Trong đó, mỗi trụ cột đều có vai trò, lực lượng, cách thức, công cụ triển khai, lợi thế so sánh riêng, tạo nên sức mạnh tổng hợp cho nền ngoại giao toàn diện, hiện đại.
Trong triển khai hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước, đối ngoại đảng là công tác của toàn Đảng, cả hệ thống chính trị, các cấp ủy Đảng và đảng viên; ngoại giao nhà nước là công tác của các cơ quan trong hệ thống Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội; đối ngoại nhân dân là công tác của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và tổ chức nhân dân với các đối tác nước ngoài.
Nhờ có sự phối hợp chặt chẽ giữa cả ba trụ cột đối ngoại, trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước, chúng ta đã huy động được sự ủng hộ to lớn và rộng khắp của các nước, các đảng anh em và nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc.
Sau khi đất nước được thống nhất, sự triển khai đồng đều cả ba trụ cột đóng vai trò quan trọng trong phá thế bao vây, cấm vận, từng bước xây dựng cục diện quan hệ đối ngoại thuận lợi cho công cuộc tái thiết, phát triển đất nước. Trong thời kỳ Đổi mới, sự phối hợp của cả ba trụ cột đã giúp ngoại giao Việt Nam là một trong những lực lượng tiên phong, đi trước mở đường đưa đất nước hội nhập vào khu vực và thế giới.
Dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, tùy vào tình hình, hoàn cảnh, có lúc ta đẩy mạnh trụ cột này, có vấn đề ta phải triển khai ở trụ cột khác… nhưng ở bất cứ giai đoạn nào, sự phối kết hợp của cả ba trụ cột luôn là một điều kiện tiên quyết để đảm bảo thành công của công tác đối ngoại, vì mục tiêu cao nhất là bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc, vì độc lập, hòa bình, ổn định và phát triển.
Hiện nay, Nhà nước Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia, có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với 37 nước. Đảng Cộng sản Việt Nam có quan hệ với 259 chính đảng ở 119 quốc gia, trong đó có gần 100 Đảng Cộng sản, trên 60 đảng cầm quyền và khoảng 40 đảng tham chính.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các nhà lãnh đạo tham dự Phiên toàn thể Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 46 tại Kuala Lumpur, Malaysia ngày 26/5. (Nguồn: TTXVN)
Các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức nhân dân Việt Nam cũng đã thiết lập quan hệ hữu nghị, hợp tác với hàng nghìn tổ chức đối tác trên thế giới. Thời gian qua, rất nhiều hoạt động đối ngoại quan trọng của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước được triển khai với công thức “3 trong 1”, qua đó tăng cường tin cậy chính trị, hợp tác nhiều mặt với các chính đảng, các nước và nhân dân các nước.
Với bối cảnh này, ngoại giao Việt Nam đã tạo dựng được cục diện đối ngoại thuận lợi, góp phần quan trọng vào việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định phục vụ phát triển, cùng quốc phòng - an ninh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, không ngừng nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế.
Tăng cường hơn nữa sức mạnh tổng hợp của ba trụ cột trong giai đoạn mới
Việc Bộ Ngoại giao hợp nhất Ban Đối ngoại Trung ương và tiếp nhận một phần chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước về xây dựng bộ máy tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả, cũng là hiện thực hóa thêm một bước sự phối kết hợp đã có bề dày lịch sử của ba trụ cột đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân.
Theo đó, Đảng ủy Bộ Ngoại giao, Bộ Ngoại giao đã trở thành cơ quan đầu mối duy nhất tham mưu đối ngoại cho Đảng và Nhà nước, và cũng là cơ quan chịu trách nhiệm tổ chức triển khai và quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, kịp thời và toàn diện của Đảng ủy Bộ, Bộ Ngoại giao đã thực hiện nghiêm túc quá trình triển khai sắp xếp lại bộ máy, tiếp nhận và triển khai các chức năng nhiệm vụ mới, qua đó phát huy vai trò, chức năng, nhiệm vụ mới, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa ba trụ cột đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân.
Nhìn lại lịch sử, có thể thấy trong từng giai đoạn của Cách mạng, nền ngoại giao Việt Nam đều có những đóng góp quý báu, kịp thời, đã hoàn thành xuất sắc các yêu cầu, nhiệm vụ và sứ mệnh ở mỗi thời kỳ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Ngày nay, trong hành trình của toàn dân tộc chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới, nền ngoại giao toàn diện Việt Nam mang trong mình sứ mệnh vinh quang.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn hội đàm với Quyền trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lào Bounleua Phandanouvong tại Hà Nội, ngày 2/6. (Ảnh: Quang Hòa)
Đó là góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược của đất nước, đặc biệt là chủ động, tích cực duy trì môi trường hòa bình, ổn định; kiến tạo không gian chiến lược và các điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030 và 2045, góp phần đưa đất nước vươn mình, sánh vai với các cường quốc năm châu như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong mỏi. Với trọng trách và sứ mệnh đó, nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả triển khai và phối hợp giữa ba trụ cột đối ngoại, Đảng ủy Bộ Ngoại giao xác định cần tập trung vào các định hướng lớn như sau:
Một là, nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của cả ba trụ cột đối ngoại trong nền ngoại giao toàn diện, hiện đại Việt Nam. Việc hợp nhất Ban Đối ngoại Trung ương với Bộ Ngoại giao là để thống nhất chỉ đạo, quản lý và tổ chức thực hiện, làm cho đối ngoại đảng và đối ngoại nhân dân ngày càng gắn bó chặt chẽ, đồng hành với ngoại giao nhà nước. Nhận thức này cần được quán triệt sâu rộng trong toàn bộ hệ thống chính trị, từ Trung ương tới địa phương, người dân, doanh nghiệp, và đặc biệt là toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác đối ngoại.
Hai là, khai thác tối đa, phát huy thế mạnh đặc thù của mỗi trụ cột, vì mục tiêu chung là bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc. Trong đó, đối ngoại đảng phát huy vai trò định hướng chiến lược, đặc biệt trong quan hệ với các nước láng giềng và các nước xã hội chủ nghĩa; ngoại giao nhà nước chủ công trong thể chế hóa và tổ chức triển khai; đối ngoại nhân dân củng cố vững chắc cơ sở xã hội của quan hệ với các đối tác.
Ba là, bên cạnh việc triển khai các hoạt động ngoại giao nhà nước, duy trì sự kế thừa, tiếp nối việc chỉ đạo và triển khai các hoạt động đối ngoại đảng và đối ngoại nhân dân, không để việc sắp xếp lại bộ máy làm gián đoạn hoặc tạo ra khoảng trống, nhất là trong quan hệ ở kênh đảng và kênh nhân dân với các đối tác.
Bốn là, khẩn trương ban hành, bổ sung, sửa đổi các quy định, quy chế quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại trong tình hình mới; hệ thống hóa, xây dựng lại các quy trình tổ chức triển khai, phối hợp giữa ba trụ cột đối ngoại cả ở cấp trung ương và địa phương trong bối cảnh các cơ quan trung ương đang tổ chức lại bộ máy, số tỉnh, thành đã giảm từ 63 xuống 34 và chính quyền địa phương chuyển từ ba cấp sang hai cấp.
Năm là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ ngoại giao cho các lực lượng làm công tác đối ngoại ở cả ba trụ cột đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân; xây dựng đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên” với ý thức sâu sắc về sứ mệnh, có động lực, kỹ năng và tâm huyết, sẵn sàng đóng góp, dấn thân vì mục tiêu chung của Ngành, của đất nước trong kỷ nguyên mới.
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cường chào Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S. Jaishankar nhân dịp đồng chủ trì Tham vấn chính trị lần thứ 13 và Đối thoại chiến lược lần thứ 10 giữa hai Bộ Ngoại giao Việt Nam và Ấn Độ tại New Delhi, ngày 25/6. (Nguồn: PTI)
Trọng trách mới trong kỷ nguyên mới
Tại cuộc làm việc với Bộ Ngoại giao ngày 29/8/2024, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo: “Ngoại giao Việt Nam phải vươn lên những tầm cao mới để hoàn thành những trọng trách vinh quang mới, xứng đáng là “đội quân tiên phong”, binh chủng hợp thành của cách mạng Việt Nam, đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”. Đồng chí Tổng Bí thư cũng khẳng định, ngoại giao cần góp phần lan tỏa mạnh mẽ một hình ảnh “Việt Nam độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác, hữu nghị, phát triển, phồn vinh, hạnh phúc”.
Thấm nhuần tinh thần đó, toàn thể cán bộ, đảng viên Bộ Ngoại giao quyết tâm xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, chuyên nghiệp trên cả ba trụ cột đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện và tuyệt đối của Đảng. Phối hợp chặt chẽ với quốc phòng-an ninh, ngoại giao sẽ phát huy vai trò “trọng yếu, thường xuyên” của đối ngoại, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, kiến tạo không gian chiến lược và các điều kiện thuận lợi để phục vụ các mục tiêu phát triển 2030 và 2045, không ngừng nâng cao vị thế đất nước, đóng góp xứng đáng vào nền chính trị thế giới, kinh tế toàn cầu và văn minh nhân loại.
Chúng ta hướng tới Đại hội lần thứ I Đảng bộ Bộ Ngoại giao với sứ mệnh mới, quyết tâm mới và động lực mới. Với phương châm “Đoàn kết, đổi mới, đột phá, trách nhiệm, kỷ cương”, chúng ta tin tưởng chắc chắn Đại hội sẽ thành công rực rỡ, mở đầu cho việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, triển khai đồng bộ, hiệu quả nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, chuyên nghiệp trên cả ba trụ cột của công tác đối ngoại, góp phần đắc lực vào việc đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Nguyễn Mạnh Cường