Triển khai vận hành mô hình công an hai cấp

Triển khai vận hành mô hình công an hai cấp
12 giờ trướcBài gốc
Công an xã A Vương (thành phố Đà Nẵng) trực tiếp thăm, nắm tình hình an ninh trật tự tại thôn Aréc.
Sau thời gian triển khai thực hiện sắp xếp tổ chức theo , Công an thành phố Đà Nẵng đã triển khai đồng bộ các giải pháp về thông tin liên lạc, chỉ đạo điều hành, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, góp phần giữ vững an ninh trật tự trên toàn thành phố.
Duy trì hệ thống thông tin thông suốt
Tại phường Hải Vân, thành phố Đà Nẵng, là phường được sáp nhập từ hai phường Hòa Hiệp Bắc, Hòa Hiệp Nam, xã Hòa Bắc, một phần của xã Hòa Liên với diện tích khoảng 45km² và dân số ước tính hơn 35.000 người.
Hiện nay, Công an phường Hải Vân đang trưng dụng ba cơ sở là trụ sở của các phường, xã trước để bố trí cán bộ, chiến sĩ phụ trách từng khu vực nhằm bảo đảm duy trì thông tin thông suốt.
Ngay từ ngày đầu vận hành theo mô hình mới, Công an phường Hải Vân nhanh chóng ổn định tổ chức, triển khai kế hoạch tổng rà soát địa bàn, nắm chắc tình hình an ninh trật tự, tiếp cận và đồng bộ dữ liệu dân cư, dữ liệu nghiệp vụ, cập nhật hồ sơ địa bàn, sơ đồ tổ chức và các điểm nóng có nguy cơ phát sinh tội phạm, tệ nạn xã hội để xây dựng phương án phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả.
Lãnh đạo công an phường cũng yêu cầu từng tổ công tác bám sát nhiệm vụ, lập công từ những ngày đầu ngay sau khi thực hiện việc sáp nhập.
Xã A Vương mới được sáp nhập từ hai xã A Vương và Bhalêê, có diện tích tự nhiên 225,3km2, số dân là 5.463 người; trung tâm hành chính đặt tại xã Bhalêê. Hiện nay, để bảo đảm hoạt động thông suốt, công an xã vận hành cùng lúc hai trụ sở, trong đó lấy trụ sở chính đặt tại Công an xã A Vương (cũ) và bố trí 5 cán bộ, chiến sĩ phụ trách tại cơ sở 2.
Do địa bàn rộng, lại là xã biên giới, vì vậy công tác tuần tra, kiểm soát phải bảo đảm khép kín, hiệu quả, các cán bộ, chiến sĩ đều phải nỗ lực hết sức để giải quyết một khối lượng công việc khá lớn.
Cùng các cán bộ, chiến sĩ Công an xã A Vương, thành phố Đà Nẵng về thôn Aréc, xã A Vương mới thăm đồng bào dân tộc Cơ Tu, mới cảm nhận hết vai trò nòng cốt của cán bộ công an cấp xã trong công tác duy trì, xây dựng hệ thống an ninh vững mạnh từ cơ sở.
Già làng Chrốch, 79 tuổi, trưởng thôn Aréc, chia sẻ: “Để bản làng bình yên mỗi ngày, bà con trong thôn tuyệt đối tin tưởng và luôn nêu cao ý thức trách nhiệm, thực hiện đúng các quy định của pháp luật, nhất là trong phong trào gìn giữ, bảo vệ rừng. Hiện nay, khi vận hành mô hình công an 2 cấp, bà con phấn khởi hơn vì được rút ngắn khoảng cách với cán bộ, có việc gì báo cáo ngay”.
Anh Alăng Sinh, sinh năm 1986, Tổ trưởng Tổ bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở tại thôn Aréc cho biết, được lựa chọn và tham gia vào lực lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở từ ngày 1/7, thường xuyên tham gia tuần tra, kiểm soát địa bàn cùng công an xã, anh thấy rất tự hào.
“Mình là con của thôn bản, được tuyển dụng và tham gia lực lượng nòng cốt tại cơ sở, bà con rất tin tưởng. Mình tuyên truyền, vận động bà con trong thôn chủ động trình báo khi có vấn đề nổi cộm để kịp thời nắm bắt, giải quyết”, anh Alăng Sinh chia sẻ.
Đánh giá sau thời gian triển khai , Thiếu tướng Nguyễn Hữu Hợp, Giám đốc Công an thành phố Đà Nẵng cho biết: Công an thành phố Đà Nẵng đã chủ động, quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp về thông tin liên lạc, chỉ đạo, điều hành, góp phần giữ vững an ninh trật tự trên toàn địa bàn thành phố. Trong đó, việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý vận hành công an hai cấp tại Đà Nẵng đã đạt được những kết quả bước đầu.
Thời gian tới, Công an thành phố Đà Nẵng tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức cho lực lượng công an cấp xã về vị trí, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng trong việc nắm tình hình, quản lý địa bàn, tiếp nhận, giải quyết các vấn đề phát sinh về an ninh trật tự ở cơ sở; chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền phát động phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Xây dựng hạt nhân nòng cốt từ cơ sở
Những năm qua, đội ngũ các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc đã thật sự trở thành cầu nối, góp phần quan trọng trong tuyên truyền, vận động, đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân.
Xã Trà Tập, thành phố Đà Nẵng là xã miền núi khó khăn, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số với 20 dân tộc, trong đó chủ yếu là dân tộc Xơ Đăng (4.690 nhân khẩu, chiếm 55,9%), Ca Dong (3.271 nhân khẩu, chiếm 38,9%)…, điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, hiện nay vẫn còn 657/1.840 hộ dân (tỷ lệ 35,7%) chưa có điện lưới sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày…
Trước khối lượng công việc khá lớn này, Công an xã Trà Tập đã bám sát địa bàn, vận động quần chúng nhân dân, nhất là những người có uy tín trong đồng bào dân tộc hiểu, nắm rõ và tuyên truyền cho cộng đồng những điểm mới và ưu việt của chính quyền địa phương hai cấp.
Trung tá Nguyễn Thanh Tuấn, Trưởng Công an xã Trà Tập, thành phố Đà Nẵng, cho biết: Ngay từ ngày 1/7, công an xã đã bắt tay ngay vào việc; phân công lực lượng đến tất cả các địa bàn để nắm tình hình an ninh trật tự, đời sống, những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.
“Với đặc thù dân số trên địa bàn xã có hơn 95% là người thì việc tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của các già làng, người có uy tín sẽ giúp ích rất nhiều cho lực lượng công an, nhất là công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, Trung tá Tuấn đúc kết.
Ở vùng “phên dậu” xa xôi, cơ sở hạ tầng điện đường trường trạm còn trăm bề khó khăn, nhiều năm qua, ông Hồ Thái Vinh, trú Thôn 3, xã Trà Vinh, tỉnh Quảng Nam (cũ), nay là xã Trà Vân, thành phố Đà Nẵng, là người có uy tín trong cộng đồng người Ca Dong.
Ông Vinh đã trở thành một trong những hạt nhân quan trọng, góp phần hỗ trợ lực lượng Công an tỉnh Quảng Nam (cũ) và chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác vận động quần chúng, góp phần giữ vững an ninh trật tự tại cơ sở.
Ông Vinh cho biết: “Trên địa bàn xã hiện nay có hơn 200 hộ dân, sống rải rác tại 7 thôn, nóc. Hiện tại khi cần thông báo với người dân thông tin, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước thì rất khó khăn vì ở đây không có sóng điện thoại, cho nên để đưa được thông tin tới bà con thì tôi và các thành viên trong tổ an ninh, cán bộ thôn, nóc phải trực tiếp đi đến tận nơi, có những nóc phải đi hết một ngày đường”.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Hữu Hợp, bài học kinh nghiệm là các ban, ngành chức năng và chính quyền địa phương liên quan phải thường xuyên phối hợp chặt chẽ trong việc xét chọn người có uy tín, có sự phân công, phân cấp cụ thể trong công tác vận động, tranh thủ. Định kỳ báo cáo và tổ chức sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm quá trình tổ chức và triển khai thực hiện để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác này. Kịp thời phát hiện, nhân rộng các điển hình tiên tiến, các cá nhân tiêu biểu, có thành tích xuất sắc trong đội ngũ người có uy tín để có các hình thức động viên, khen thưởng phù hợp.
“Công tác tranh thủ người có uy tín trong cộng đồng phải luôn đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng và huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị. Vai trò của người có uy tín phải luôn được coi trọng, đây là lực lượng nòng cốt, tiên phong trong việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tại địa phương”, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Hợp khẳng định.
Bài và ảnh: NGUYỄN THỊ ANH ĐÀO
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/trien-khai-van-hanh-mo-hinh-cong-an-hai-cap-post895614.html