Nhà điêu khắc Constantin Brâncuşi.
Triển lãm bao gồm 35 bức ảnh về những tác phẩm của nhà điêu khắc nổi tiếng Brâncuşi, do nhiếp ảnh gia Sorin Vasilescu ghi lại.
Constantin Brâncuşi sinh ngày 19/2/1876 là nhà điêu khắc người Rumani, được đánh giá là một trong những nhà điêu khắc có ảnh hưởng nhất thế kỷ XX. Là người tiên phong của chủ nghĩa hiện đại, Brâncuși được mệnh danh là cha đẻ của nghệ thuật điêu khắc hiện đại.
Sự thông tuệ của Trái Đất (Đá, 1907) - Bộ sưu tập cá nhân.
Làm việc trực tiếp với gỗ và đá cẩm thạch, không sử dụng khuôn, Brâncuși đã khởi xướng cho một phương pháp điêu khắc mới mang tính đột phá nhằm tinh chế các hình dáng con người thành những hình dạng trừu tượng.
Khi các nhà phê bình nghệ thuật coi nghệ thuật của ông là “trừu tượng”, ông đã nói rằng: “Điều mà họ gọi là “trừu tượng” thì lại là thực tế nhất, bởi vì thực tế không phải là bên ngoài mà là ý tưởng, bản chất của sự vật.”
Con chim trĩ (đồng đánh bóng, 1935). Bảo tàng nghệ thuật đương đại quốc gia, Paris.
Các nguồn cảm hứng của Brâncuși rất đa dạng: từ người thầy và nhà điêu khắc huyền thoại người Pháp Auguste Rodin đến kiến trúc Rumani, truyền thống nghệ thuật châu Phi và châu Á.
Danaide (đồng mạ vàng 1 phần), Bộ sưu tập cá nhân.
Một trong những nhóm tác phẩm chính của ông là nhóm tác phẩm "Bird in Space" (Chim trong không gian) - những khối trừu tượng đơn giản mô tả một con chim đang bay. Các tác phẩm này dựa trên loạt tác phẩm "Măiastra" trước đó của ông. Trong văn hóa dân gian Rumani, Măiastra là một con chim vàng xinh đẹp có khả năng tiên đoán tương lai và chữa lành người khiếm thị.
Quý Cô Pogany (đồng được đánh bóng, 1913) - Bảo tàng Nghệ thuật đương đại, New York.
Ông thường giản lược các hình tượng thành những biểu đạt trực quan đơn giản nhất, như tác phẩm điêu khắc “Bird in Space,” đã gây tiếng vang lớn làm thay đổi định nghĩa về nghệ thuật tại Hoa Kỳ. Năm 1927 - 1928, Văn phòng Hải quan Hoa Kỳ đã đưa nhà điêu khắc ra tòa vì họ từ chối phân loại tác phẩm này là một tác phẩm nghệ thuật, cho rằng nó là một bộ phận công nghiệp làm bằng kim loại. Brâncuși đã thắng kiện.
Cái cột của sự vô tận ( sắt), Quần thể tượng đài Târgu Jiu, Romania 1937 - 1938.
Brâncuși qua đời vào ngày 16/3/1957, thọ 81 tuổi. Ông được chôn cất tại Nghĩa trang Montparnasse ở Paris, nơi này cũng trưng bày các bức tượng mà Brâncuși đã tạc cho những nghệ sĩ đã khuất khác. Khi mất, Brâncuși để lại 1200 bức ảnh và 215 tác phẩm điêu khắc. Năm 2015, Quốc hội Rumani đã tuyên bố ngày 19/ 2 là Ngày Brâncuși.
Lê Giang