Các thương hiệu ô tô bán chạy hàng đầu Trung Quốc như BYD và Geely dự kiến sẽ là tâm điểm của triển lãm diễn ra từ ngày 23.4 đến 2.5. Các hãng ô tô nước ngoài như Volkswagen (Đức), Nissan và Toyota (Nhật Bản) cùng thương hiệu Cadillac của General Motors (Mỹ) cũng sẽ cố gắng thu hút sự chú ý.
Khi cuộc chiến giá cả kéo dài nhiều năm tại Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, các tính năng lái xe tự động thế hệ tiếp theo đã trở thành "chiến trường" mới trong cuộc đua giành doanh số và lợi nhuận.
Tuy nhiên, kế hoạch của các hãng ô tô trong việc quảng bá hệ thống hỗ trợ lái xe tự động tại Thượng Hải đã bị gián đoạn bởi động thái từ chính phủ Trung Quốc, cấm các tuyên bố tiếp thị sử dụng thuật ngữ như "lái xe thông minh" hoặc "tự lái", sau vụ tai nạn của chiếc Xiaomi SU7 hôm 29.3 tại tỉnh An Huy, miền đông Trung Quốc.
SU7, chiếc sedan thể thao chạy điện của hãng Xiaomi, đã tông vào cột xi măng và bốc cháy khiến ba người thiệt mạng, ngay sau khi tài xế cố giành quyền điều khiển từ hệ thống hỗ trợ lái xe.
Hôm 1.4, Xiaomi cho biết chiếc SU7 này đang chạy với tốc độ 116km/giờ trên đường cao tốc với hệ thống hỗ trợ lái được kích hoạt. Hệ thống đã cảnh báo tài xế giành quyền kiểm soát trước khi xe đâm vào rào chắn bê tông.
Theo dữ liệu được gửi đến cảnh sát địa phương và đăng trên tài khoản Weibo của Xiaomi, hệ thống lái tự động đã phát cảnh báo về chướng ngại vật phía trước. Tài xế bên trong SU7 đã cố gắng giảm tốc độ, nhưng xe vẫn va chạm với trụ bê tông ở tốc độ 97km/giờ.
Các chuyên gia cho rằng bi kịch này không nên được xem xét một cách đơn lẻ. Việc sử dụng rộng rãi công nghệ tự lái sơ bộ, còn được gọi là điều hướng trên chế độ lái tự động (NOA), mang lại rủi ro an toàn cao vì tài xế chưa hiểu rõ vai trò của hệ thống cũng như các quy định liên quan.
"Hàng triệu tài xế cần được đào tạo để sử dụng hệ thống NOA đúng cách. Họ phải luôn cảnh giác khi hệ thống được kích hoạt, và tài xế vẫn chịu trách nhiệm về sự an toàn của bản thân lẫn hành khách", David Zhang, Tổng thư ký Hiệp hội Kỹ thuật xe thông minh quốc tế, nhận định.
Tháng 3.2024, việc Xiaomi ra mắt SU7 ngay trước Triển lãm ô tô Quốc tế Bắc Kinh đã tạo nên cơn sốt. Trong riêng tháng 12.2024, Xiaomi đã bán được 25.815 chiếc SU7, vượt qua doanh số Tesla Model 3 (21.046).
Khách tham quan ngắm Xiaomi SU7 tại Triển lãm ô tô Quốc tế Bắc Kinh vào tháng 4.2024 - Ảnh: Reuters
Điều chỉnh lại chiến lược tiếp thị
Sự giám sát chặt chẽ của chính phủ đã buộc các hãng ô tô Trung Quốc như BYD và Zeekr phải điều chỉnh lại chiến lược tiếp thị, tránh xa những lời quảng cáo về khả năng lái xe tự động và thay vào đó nhấn mạnh vào sự thận trọng của tài xế.
Hệ thống hỗ trợ lái đã trở thành công cụ quan trọng để các hãng ô tô tạo sự khác biệt trên thị trường xe điện đông đúc của Trung Quốc. BYD (nhà sản xuất ô tô điện và xe lai hàng đầu Trung Quốc) đã thổi bùng cuộc đua khi tuyên bố vào tháng 2 rằng sẽ trang bị miễn phí hệ thống hỗ trợ lái God's Eye cho toàn bộ dòng ô tô, gồm cả những mẫu xe cơ bản có giá chỉ khoảng 10.000 USD.
BYD đang áp dụng chiến lược tương tự với công nghệ hỗ trợ lái như từng làm cho ô tô điện: Tận dụng quy mô sản xuất lớn để hạ giá thành và gây áp lực lên đối thủ, theo nhà phân tích Bo Yu.
"Nhiều hãng xe chỉ trích BYD vì cuộc chiến giá cả. Giờ BYD lại tiếp tục chiến lược đó với God's Eye, khiến các hãng khác phải khó chịu", bà Bo Yu (thuộc hãng nghiên cứu ngành ô tô Jato Dynamics) nhấn mạnh.
Vào tháng 2, các cơ quan quản lý Trung Quốc cũng cấm các hãng ô tô cập nhật phần mềm hỗ trợ lái từ xa (OTA) nếu chưa được chính phủ phê duyệt. Điều này khiến Tesla phải dừng chương trình dùng thử miễn phí phần mềm Full Self Driving (FSD), vốn không hoàn toàn tự lái như tên gọi, tại Trung Quốc. Vài ngày sau, Tesla cũng bỏ tên FSD và đổi thành "hệ thống hỗ trợ lái thông minh".
Huawei (nhà cung cấp phần mềm ô tô) từng hợp tác với các hãng Trung Quốc để tung ra 8 mẫu xe. Gần đây, Huawei đã phát động một chiến dịch kêu gọi sự thận trọng khi sử dụng hệ thống hỗ trợ lái của mình.
Tại một sự kiện livestream tuần trước cho thương hiệu Luxeed, do Huawei và Chery đồng phát triển, nữ diễn viên nổi tiếng Lưu Diệc Phi (đại sứ thương hiệu) phát biểu: “Dù công nghệ này hỗ trợ chúng ta rất tốt, nhưng chúng ta cũng cần chú ý đến an toàn khi lái xe”.
Tại Triển lãm ô tô Thượng Hải, thương hiệu ô tô điện Zeekr của Geely có kế hoạch ra mắt mẫu xe đầu tiên được trang bị công nghệ hỗ trợ lái cấp độ 3 (cho phép lái xe rảnh tay trên đường cao tốc và trong thành phố, nhưng vẫn yêu cầu tài xế theo dõi đường đi). Tuy nhiên, Zeekr cho biết các buổi họp báo của họ giờ đây sẽ tập trung vào giới thiệu xe lai và công nghệ pin.
Các nhà quản lý Trung Quốc cũng đang siết chặt tiêu chuẩn pin ô tô điện, nhằm giảm nguy cơ cháy nổ.
Nhắm mục tiêu vào Tesla
Bất chấp những thách thức về quy định, ngành xe năng lượng mới của Trung Quốc, gồm xe điện hoàn toàn và ô tô lai xăng-điện, vẫn đang chứng kiến đợt tăng trưởng lịch sử về doanh số.
Xe điện hiện chiếm hơn một nửa doanh số ô tô mới tại Trung Quốc, cao hơn nhiều so với Mỹ, châu Âu và hầu hết các thị trường khác trên thế giới, đạt được mục tiêu mà quốc gia châu Á này đặt ra cho năm 2030.
Khoảng 12 mẫu ô tô điện crossover mới sẽ ra mắt tại Thượng Hải trong tuần này, có mức giá cạnh tranh trực tiếp với Tesla Model Y. Điều đó càng làm gia tăng áp lực lên Tesla, công ty do Elon Musk điều hành, tại thị trường Trung Quốc cũng như toàn cầu. Tesla không đưa ra bình luận.
Crossover là viết tắt của cụm từ crossover SUV, chỉ một loại xe lai giữa SUV (ô tô thể thao đa dụng) và xe du lịch thông thường như sedan hoặc hatchback.
Thị phần ô tô điện của Tesla tại Trung Quốc đã giảm từ đỉnh mức 15% vào năm 2020 xuống còn 9% trong quý 1/2025. Doanh số ô tô điện toàn cầu của Tesla lần đầu tiên sụt giảm trong năm 2024. Đà suy giảm này càng nhanh hơn tại châu Âu và Mỹ trong quý 1/2025, giữa làn sóng phản đối công khai về lập trường chính trị gây tranh cãi của Elon Musk (Giám đốc điều hành Tesla), cố vấn hàng đầu cho Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tesla đã không tham gia các triển lãm ô tô ở Trung Quốc kể từ năm 2021, sau một cuộc biểu tình của khách hàng không hài lòng tại sự kiện. Hãng ô tô điện Mỹ cũng phát hành các mẫu xe mới với tốc độ chậm hơn nhiều so với các đối thủ Trung Quốc.
Nhiều mẫu ô tô điện cạnh tranh với Tesla Model Y ra mắt tuần này cung cấp khả năng sạc pin tiên tiến hơn, hỗ trợ lái xe tốt hơn, hệ thống giải trí hiện đại hơn với mức giá thấp hơn, chẳng hạn Xpeng G6 và Zeekr E6.
Một số nhà phân tích kỳ vọng Xiaomi sẽ giới thiệu mẫu crossover YU7, được xem là mối đe dọa lớn nhất với Model Y, tại Triển lãm ô tô Thượng Hải. Thế nhưng, Xiaomi chỉ mang đến triển lãm hai mẫu SU7 và SU7 Ultra hiện có, đồng thời không lên kế hoạch tổ chức họp báo. Xiaomi không đưa ra lý do và cũng không phản hồi khi hãng tin Reuters đề nghị bình luận.
Lei Xing, nhà phân tích ô tô độc lập đã theo dõi sự trỗi dậy của ngành công nghiệp xe hơi Trung Quốc suốt hai thập kỷ, gọi những mẫu ô tô điện crossover mới đáng gờm này là "sát thủ với Model Y".
“Đây là ‘cơn sóng thần áp lực’ đổ dồn lên mẫu ô tô điện bán chạy nhất của Tesla. Sẽ không chỉ có một mẫu ô tô điện đánh bại Model Y mà là 12 hoặc 13 chiếc”, ông bình luận.
Sơn Vân