Theo báo QĐND, ngày 16/12, nhiều đơn vị vũ khí, khí tài quân sự hiện đại của Việt Nam đã được triển khai tại khu trưng bày ngoài trời của Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024 (Vietnam Defence Expo 2024).
Trong đó có nhiều loại khí tài quân sự mới do ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam tự phát triển, sản xuất, lần đầu tiên được trưng bày tại triển lãm.
Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024 diễn ra từ ngày 19 đến 22/12
Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024 diễn ra từ ngày 19 đến 22/12 tại Sân bay Gia Lâm (Hà Nội).
Thời gian mở cửa cho nhân dân tham quan triển lãm là từ 13 giờ 30 phút ngày 21/12 cho đến hết ngày 22/12. Người dân được miễn phí toàn bộ khi tham quan.
Triển lãm nhằm tăng cường, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, đối ngoại quốc phòng, tạo dựng lòng tin giữa Việt Nam và các nước trên thế giới; chia sẻ chính sách, đường lối đối ngoại quốc phòng; chủ trương xây dựng quân đội và phát triển nền công nghiệp quốc phòng.
Tạo điều kiện để các quốc gia, các công ty, doanh nghiệp trong nước, quốc tế giới thiệu, trưng bày sản phẩm, tìm kiếm cơ hội mở rộng hợp tác.
Cùng với đó, triển lãm góp phần tăng cường hợp tác quốc tế về Công nghiệp quốc phòng, đa dạng hóa các kênh hợp tác mua sắm, tiếp nhận, chuyển giao công nghệ để sản xuất trang bị kỹ thuật, trang bị hậu cần đáp ứng yêu cầu của các lực lượng vũ trang.
Triển lãm cũng là dịp để tìm hiểu xu hướng phát triển của vũ khí, trang bị kỹ thuật trên thế giới để đề xuất, lựa chọn mua sắm, sản xuất, cải tiến vũ khí trang bị cho quân đội; quảng bá, tuyên truyền năng lực, tiềm lực công nghệ, vũ khí trang bị do Công nghiệp quốc phòng Việt Nam sản xuất đến bạn bè quốc tế và nhân dân trong nước; tìm kiếm cơ hội xuất khẩu các sản phẩm Công nghiệp quốc phòng.
Bên lề sự kiện sẽ có các hoạt động tiếp xúc song phương, biểu diễn văn hóa, nghệ thuật theo chương trình, đặc biệt sẽ có chương trình giao lưu Quân nhạc các nước ASEAN.
Dự kiến, trong khuôn khổ triển lãm sẽ có chương trình hội thảo về các chủ đề: “Vũ khí, trang bị công nghệ cao; thiết bị không người lái - Ứng dụng trong các hoạt động quân sự hiện tại và tương lai”; Hợp tác công nghiệp quốc phòng, Việt Nam và các nước (Việt Nam - Vương quốc Anh, Việt Nam - Hoa Kỳ, Việt Nam - Liên bang Nga, Việt Nam - Nhật Bản, Việt Nam - Hàn Quốc, Việt Nam - Ấn Độ).
Tại hội thảo về “Vũ khí, trang bị công nghệ cao; thiết bị không người lái - Ứng dụng trong các hoạt động quân sự hiện tại và tương lai”, các thành phần tham gia sẽ thảo luận về phương pháp trinh sát, phát hiện các phương tiện bay không người lái và xu thế phát triển các vũ khí dạng hỏa lực mềm phòng, chống phương tiện bay không người lái; Xu hướng công nghệ hiện tại và tương lai của tiện không người lái. Hội thảo sẽ có phần thuyết trình của các doanh nghiệp.
Danh mục vũ khí, trang bị kỹ thuật do Việt Nam chế tạo, sản xuất sẽ có những vượt trội
Tại triển lãm, các doanh nghiệp quốc phòng trong nước và quốc tế sẽ trưng bày, giới thiệu các phương tiện chiến đấu, giải pháp công nghệ, vũ khí, trang bị sử dụng cho lực lượng Hải quân, Lục quân, Phòng không - Không quân, tác chiến không gian mạng và các trang thiết bị hậu cần, kỹ thuật.
Các sản phẩm của Việt Nam trưng bày, giới thiệu tại triển lãm gồm các sản phẩm do các cơ quan, đơn vị của Bộ Quốc phòng (Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, Quân chủng Phòng không - Không quân, Quân chủng Hải quân, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, Binh chủng Tăng thiết giáp, Binh chủng Hóa học, Viện Khoa học và Công nghệ quân sự, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội) và các công ty thương mại, dịch vụ của Bộ Quốc phòng nghiên cứu, chế tạo.
Theo Thiếu tướng Lê Quang Tuyến, danh mục vũ khí, trang bị kỹ thuật do ngành Công nghiệp quốc phòng Việt Nam chế tạo, sản xuất sẽ có những vượt trội so với Triển lãm Quốc phòng Quốc tế năm 2022.
Với số lượng lớn vũ khí, trang bị kỹ thuật cùng chủng loại đa dạng, triển lãm hứa hẹn sẽ có nhiều bất ngờ, thu hút nhiều sự quan tâm của các đối tác cũng như khách tham quan.
Dàn vũ khí hiện đại của Việt Nam tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế 2024
Khu trưng bày vũ khí lục quân với các tổ hợp pháo tự hành 152mm và xe tăng chiến đấu chủ lực T-90S/SK và T-54.
Tổ hợp tên lửa đạn đạo Scud-B.
Xe chiến đấu bộ binh XCB-01 do Việt Nam nghiên cứu, chế tạo.
Xe chiến đấu bộ binh XCB-01 được trưng bày ở vị trí nổi bật.
Máy bay vận tải quân sự C-295 và trực thăng lưỡng dụng.
Khối trưng bày của lực lượng công an nhân dân.
Khối trưng bày phương tiện, vũ khí phòng không và radar cảnh giới do Viettel phát triển.
Phương tiện chở đạn của tổ hợp tên lửa bờ Redut.
Các thành phần của tổ hợp tên lửa phòng không Spyder.
Dàn phương tiện chiến đấu lục quân hùng hậu nằm trong biên chế Quân đội nhân dân Việt Nam.
Các khối trưng bày đã sẵn sàng chuẩn bị cho Vietnam Defence Expo 2024.
Lực lượng kiểm soát quân sự và quân khuyển biên phòng làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh tại triển lãm.
Việt Nam sẽ trưng bày hệ thống phòng không Spyder tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế 2024
Báo QĐND cho biết, tiếp theo Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam lần thứ nhất năm 2022, Quân chủng Phòng không - Không quân tiếp tục mang đến triển lãm lần này hệ thống tên lửa phòng không Spyder do nhà thầu Rafale (Israel) phát triển, sản xuất.
Theo kế hoạch, Quân chủng Phòng không - Không quân sẽ trưng bày một tổ hợp gồm xe chỉ huy (CCU), xe chiến đấu tầm ngắn Spyder-SR, xe chiến đấu tầm trung Spyder-MR, cùng đạn tập.
Hệ thống tên lửa phòng không Spyder có khả năng tác chiến cơ động, phản ứng nhanh, có thể hoạt động ngày/đêm trong mọi điều kiện thời tiết.
Trong tác chiến, nó có thể nhanh chóng phát hiện và tiêu diệt các mục tiêu trên không ở tầm gần và tầm trung như: Máy bay, trực thăng, mục tiêu bay tầm thấp, tên lửa hành trình, thiết bị bay tấn công không người lái và các loại vũ khí điều khiển chính xác từ xa.
Hệ thống tên lửa phòng không Spyder trưng bày tại sân bay Gia Lâm. Ảnh QĐND
Trong đó, xe Spyder-SR mang theo 4 tên lửa đất đối không tầm ngắn, có thể đánh chặn các mục tiêu trên không từ khoảng cách 20km ở độ cao 9.000m, còn Spyder-MR mang theo 8 đạn tên lửa đất đối không tầm trung, có tầm bắn tối đa lên đến 50km ở độ cao 16.000m.
Đạn tên lửa của hệ thống tên lửa phòng không Spyder được thiết kế để có thể miễn nhiễm với nhiễu điện tử, với các đạn có đầu tự dẫn ảnh nhiệt hồng ngoại 2 băng sóng và đạn có đầu tự dẫn radar chủ động.
Như vậy, với các tên lửa Spyder-SR và Spyder-MR, một kíp Spyder có thể bảo vệ một mục tiêu có đường kính lên đến 120km. Không những thế, thiết kế mở của hệ thống tên lửa phòng không Spyder còn cho phép hiệp đồng tác chiến với các hệ thống phòng không khác trong cùng lưới phòng không.
Xe chiến đấu tầm ngắn Spyder-SR (trước) và xe chiến đấu tầm trung Spyder-MR (sau) của hệ thống tên lửa phòng không Spyder. Ảnh QĐND
Bên cạnh đó, cũng phải kể đến radar cảnh giới cho các xe phóng, bao gồm ELM-2016 cho Spyder-SR và ELM-2084 cho Spyder-MR.
Đây là các loại radar 3D đa năng hiện đại, có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau gồm cảnh giới nhìn vòng trên không; điều khiển hỏa lực tên lửa phòng không hoặc đánh chặn tên lửa; phát hiện các loại đạn pháo, cối, pháo phản lực và định vị trận địa của chúng.
Cuối cùng, xe CCU có nhiệm vụ kết nối các xe phóng di động và radar ELM-2084. Thời gian triển khai tác chiến của hệ thống tên lửa phòng không Spyder chỉ khoảng 15 phút với kíp 4 người trên mỗi xe phóng.
Các xe phóng di động và xe thành phần chiến đấu của hệ thống tên lửa phòng không Spyder trong biên chế Quân chủng Phòng không - Không quân đều được đặt trên khung gầm xe tải việt dã bánh lốp HX58 (6x6) và HX77 (8x8) do hãng MAN (Đức) chế tạo, có độ cơ động cao.