Phóng viên (PV): Đây là lần thứ hai Việt Nam tổ chức Triển lãm Quốc phòng quốc tế. Theo ông, việc tổ chức một triển lãm quốc phòng quốc tế có ý nghĩa gì đối với Việt Nam?
Giám đốc FSMTC D.E. Shugaev:Theo tôi, Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 không chỉ là sân chơi lớn cho các quốc gia, doanh nghiệp trong lĩnh vực quốc phòng mà còn là cơ hội để Việt Nam thể hiện năng lực tổ chức và khẳng định vai trò ngày càng tăng của mình trên trường quốc tế.
Năm nay, Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 được tổ chức lần thứ hai và là một trong những sự kiện chính trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.
Giống như bất kỳ sự kiện tương tự nào, đối với nước đăng cai tổ chức, triển lãm là nơi các nhà đầu tư nước ngoài, đại diện các bộ, tổ chức, doanh nghiệp quốc phòng có thể tăng cường quan hệ để cùng hợp tác với các đối tác và thảo luận các biện pháp thúc đẩy hợp tác hơn nữa.
Đây là cơ hội tốt để các chuyên gia trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh gặp gỡ và trao đổi quan điểm. Đây cũng là cơ hội tốt để ghi nhận đóng góp to lớn của quân đội trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, đồng thời khẳng định vai trò quan trọng của Việt Nam trong việc thúc đẩy hợp tác quốc phòng quốc tế.
Ông D.E. Shugaev, Giám đốc Cơ quan liên bang về hợp tác kỹ thuật - quân sự (FSMTC) của Nga. Ảnh: FSMTC cung cấp
PV: Ban tổ chức cho biết, Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 sẽ có quy mô lớn hơn lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2022, điều đó chứng tỏ sức hấp dẫn ngày càng tăng của sự kiện. Ông có thể nói gì về điều này?
Giám đốc FSMTC D.E. Shugaev:Bất kỳ nhà tổ chức triển lãm nào cũng cố gắng tính đến bài học của các sự kiện trước đó và nỗ lực hết sức để làm cho triển lãm tiếp theo có quy mô lớn hơn và hấp dẫn hơn đối với những người tham gia.
Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024không chỉ là nơi trình diễn khí tài quân sự mà còn là cơ hội quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với tư cách là nhà tổ chức một sự kiện lớn. Triển lãm chắc chắn sẽ góp phần vào sự phát triển hợp tác giữa Việt Nam và các nước trong lĩnh vực quốc phòng.
Chúng tôi đánh giá rất tích cực về triển lãm. Đặc điểm chính của triển lãm là các đơn vị, doanh nghiệp tham gia trưng bày có cơ hội tuyệt vời để thảo luận về các khía cạnh công nghệ trong việc sản xuất và vận hành các sản phẩm quân sự ở Đông Nam Á, cũng như để quảng bá các sản phẩm mới nhất của họ và dịch vụ cần thiết cho tất cả các nước trong khu vực.
Công ty Rosoboronexport trưng bày vũ khí tại triển lãm. Ảnh: TRUNG THÀNH
Tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022, gian trưng bày của Nga đã trở thành một trong những gian trưng bày lớn nhất. Gian hàng giới thiệu những sản phẩm đổi mới của các nhà sản xuất Nga trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh, rất phù hợp để giải quyết các vấn đề hiện tại và tương lai của khu vực. Gian hàng trưng bày của Nga tại triển lãm năm nay sẽ không phải là một ngoại lệ. Các mẫu thiết bị quân sự sẽ được các nhà sản xuất Nga trưng bày là những sản phẩm quốc phòng hiện đại, đáng tin cậy và hiệu quả nhất để trang bị cho quân đội và lực lượng an ninh. Thiết bị quân sự này đã được phát triển dựa trên kinh nghiệm sử dụng trong điều kiện chiến đấu hiện đại và có thể chiếm một vị trí xứng đáng trong trang bị của Quân đội nhân dân Việt Nam.
PV: Ông nghĩ như thế nào về tiềm lực công nghiệp quốc phòng Việt Nam và đóng góp của ngành công nghiệp quốc phòng vào sự nghiệp hiện đại hóa Quân đội nhân dân Việt Nam?
Giám đốc FSMTC D.E. Shugaev:Việt Nam được coi là một trong những quốc gia phát triển nhanh nhất và quan trọng nhất, hiệu quả nhất trên thế giới.
Hệ thống tên lửa chống tăng Kornet-EM được trưng bày tại triển lãm. Ảnh: TRUNG THÀNH
Chiến lược quốc phòng Việt Nam hướng tới việc thiết lập và tăng cường mối quan hệ hiệu quả, tin cậy lẫn nhau với các nước, đặc biệt là các đối tác chiến lược, với mục tiêu xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh và hiện đại. Chúng tôi nhận thấy Việt Nam quyết tâm phát triển ngành công nghiệp quốc phòng để đáp ứng yêu cầu tự chủ, từng bước tăng cường vai trò trong phát triển công nghiệp quốc gia.
Liên quan đến vấn đề hiện đại hóa công nghiệp, ưu tiên hàng đầu là những thành tựu tiên tiến của khoa học quân sự và công nghệ hiện đại, đặc biệt như trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng và hệ thống không người lái, cũng như nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, bảo trì và hiện đại hóa các thiết bị quân sự công nghệ cao.
Trong điều kiện hiện đại, chính sự tin cậy cao độ và tôn trọng lợi ích của nhau là nền tảng đáng tin cậy cho mối quan hệ đối tác lâu dài giữa Nga và Việt Nam trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật quân sự.
Xe chiến đấu bộ binh BMP-3 được trưng bày tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024. Ảnh: TRUNG THÀNH
Hợp tác công nghệ đang bắt đầu đóng một vai trò quan trọng trong điều kiện hiện nay. Trong vài năm qua, Nga và Việt Nam đã ký một số văn kiện hợp tác và bắt đầu triển khai các hoạt động đầy hứa hẹn trong lĩnh vực công nghệ.
Ngoài ra, chúng tôi đã đào tạo thành công quân nhân Việt Nam tại các cơ sở quân sự trong nhiều thập kỷ. Đây là một truyền thống không thay đổi, khẳng định tình hữu nghị giữa hai nước.
PV: Ban lãnh đạo FSMTC của Nga có kế hoạch tham dự Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 không, thưa ông? Xin ông cho biết quy mô tham gia của Nga tại Triển lãm năm nay như thế nào?
Giám đốc FSMTC D.E. Shugaev:Vâng, chắc chắn rồi. Một phái đoàn từ FSMTC của Nga do Phó giám đốc M.V. Babich dẫn đầu sẽ tham dự triển lãm. Quy mô tham gia của Nga cũng rất ấn tượng. Trong gian hàng và khu đất trống có tổng diện tích hơn 700m2 (con số này gấp hơn 3 lần so với năm 2022), 38 đơn vị của Nga có kế hoạch giới thiệu sản phẩm của họ, bao gồm các nhà xuất khẩu và sản xuất vũ khí, thiết bị quân sự cho lục quân, không quân, hải quân, lực lượng phòng không, cũng như các lực lượng đặc biệt và các cơ quan thực thi pháp luật. Trong số đó có các công ty Rosoboronexport, High precision systems, tập đoàn Almaz-Antey, tập đoàn Kalashnikov và một số đơn vị khác.
Tên lửa chống hạm chiến thuật Kh-35UE được trưng bày tại triển lãm. Ảnh: TRUNG THÀNH
Hầu như tất cả các mẫu sản phẩm quân sự của Nga trưng bày tại triển lãm đều khẳng định đặc tính của chúng trong điều kiện chiến đấu hiện đại. Lần đầu tiên, xe bọc thép Typhoon-K với bệ phóng tự động cho hệ thống tên lửa chống tăng Kornet-EM sẽ được trưng bày ở nước ngoài. Buổi ra mắt thế giới cũng sẽ có xe chiến đấu bộ binh BMP-3, được sửa đổi dựa trên kinh nghiệm sử dụng trong chiến đấu, với một bộ bảo vệ bổ sung. Lần đầu tiên, bộ tổ hợp Lancet-E sẽ được giới thiệu ở Đông Nam Á. Ngoài ra, Nga sẽ trưng bày hệ thống UAV trinh sát Orlan-10E và Orlan-30, bệ phóng tự hành thuộc hệ thống tên lửa bờ chiến thuật Rubezh-ME và tên lửa chống hạm chiến thuật Kh-35UE. Những mẫu trưng bày này đều là thành phẩm thật.
Ngoài ra, trong thời gian diễn ra triển lãm, các tổ hợp công nghiệp Nga có kế hoạch trưng bày hơn 800 thiết bị quân sự bao gồm thiết bị của không quân, phòng không, lực lượng hải quân, vũ khí nhỏ và thiết bị tác chiến điện tử dưới dạng mô hình, thiết kế và các hình thức quảng cáo khác.
PV: Nga kỳ vọng gì khi tham gia Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024, thưa ông?
Giám đốc FSMTC D.E. Shugaev:Tôi xin nhắc lại rằng chúng tôi đánh giá rất tích cực về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 và chúng tôi hy vọng rằng gian hàng của Nga cũng như các mẫu vũ khí, thiết bị quân sự được trưng bày tại triển lãm sẽ khơi dậy sự quan tâm lớn của cả giới chuyên môn và khách tham quan.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
THÙY LINH (thực hiện)