Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024 là sự kiện lần thứ 2 do Bộ Quốc phòng chủ trì tổ chức với mục đích chia sẻ thành tựu, kinh nghiệm nghiên cứu, sản xuất, sử dụng vũ khí trang bị và thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng giữa các nước tham dự triển lãm.
Triển lãm năm nay có hơn 200 khách trưng bày với tổng diện tích 25.000m2 trong nhà và ngoài trời. Tại khu vực ngoài trời, một phần lớn diện tích dành cho trưng bày các loại khí tài quân sự mới do ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam tự phát triển, sản xuất, trong đó có trang thiết bị, khí tài lần đầu tiên được trưng bày tại triển lãm.
Khối trưng bày phương tiện, vũ khí phòng không và radar cảnh giới do Viettel phát triển.
Các thành phần của tổ hợp tên lửa phòng không đất đối không Spyder phản ứng nhanh, cơ động, phát hiện và tiêu diệt mục tiêu trên không tầm ngắn như máy bay chiến đấu, trực thăng, tên lửa hành trình, thiết bị bay không người lái... bảo vệ khu vực có đường kính 120km.
Hệ thống tên lửa đạn đạo Scud-B do Liên Xô chế tạo có trong biên chế pháo binh Việt Nam. R-17E là tên gọi đạn tên lửa thuộc tổ hợp tên lửa đạn đạo chiến dịch - chiến thuật xuất khẩu 9K72E Elbrus. Tuy nhiên, thông thường vẫn gọi chung cho cả hệ thống tên lửa đạn đạo Scud. Tên lửa R-17E có chiều dài 11,1m, đường kính thân 0,88m, trọng lượng phóng 5,9 tấn. Tầm bắn xa nhất có thể đạt 300km.
Tổ hợp tên lửa Redut-M là một hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển di động, được triển khai trên xe phóng SPU. Một tổ hợp Redut-M có xe phóng, xe chỉ huy, xe radar, các xe chở và tiếp đạn; tác dụng nhằm tiêu diệt tàu mặt nước, các phương tiện vận tải trên biển và công trình trên đảo, ven bờ biển.
Phương tiện chở đạn của tổ hợp tên lửa Redut.
Hệ thống rada cảnh giới là sản phẩm do Việt Nam nghiên cứu, sản xuất; có thể phát hiện các mục tiêu tầm bay thấp, UAV, trực thăng, tên lửa có cánh...
Hệ thống trinh sát điện tử siêu cao tần thông minh V-Elint 18 do Việt Nam nghiên cứu, thiết kế, chế tạo; có khả năng phát hiện, phân tích, định vị và nhận dạng mục tiêu trên không, trên biển và trên bộ theo thời gian thực mà không bị đối phương phát hiện, định vị mục tiêu lên đến hàng trăm kilomet. Ngoài ra, còn có khả năng phát hiện máy bay tàng hình. Hệ thống gồm: 1 trạm thu trung tâm và trạm xử lý, 3 trạm thu biên.
Trung tâm của khu trưng bày vũ khí lục quân với các tổ hợp pháo tự hành 152mm và xe tăng chiến đấu T-62, T-90S và T-90SK đều là các dòng xe tăng chiến đấu chủ lực của Việt Nam.
Xe tăng T-90S do một kíp 3 người điều khiển, có khối lượng hơn 46 tấn, có thể đạt vận tốc 60km/h. Xe gồm pháo 125mm, nòng trơn có thể nạp đạn tự động hoặc bằng tay, với cơ số đạn 42 viên. Ngoài ra xe còn có súng máy PKTM 7,62mm đặt song song với pháo, với cơ số đạn 2.000 viên; súng máy phòng không 12,7mm.
Xe tăng T-62 với kíp điều khiển gồm 4 người, trọng lượng khi chiến đấu đạt hơn 37 tấn, vận tốc có thể đạt 50km/h. Tổ hợp vũ khí gồm pháo 2A20, súng máy IIKT.
Tổ hợp pháo tự hành 130M-46 do Việt Nam chế tạo trên khung gầm xe tải việt dã. Pháo M46 sở hữu cỡ nòng 130mm; trọng lượng 7,7 tấn; góc nâng hạ từ -3 độ đến 45 độ; góc xoay ngang 50 độ; có thể bắn những viên đạn nặng 33,4kg với sơ tốc 930 m/s đi xa khoảng 27km.
Pháo tự hành SU152 được thiết kế trên khung gầm tăng hạng nặng. Pháo tự hành SU152 được trang bị pháo cỡ nòng 152mm đạt tầm bắn 17,3km với đạn pháo thông thường. Khối lượng viên đạn nặng 51,5kg trong khi khối lượng đầu đạn nặng 43,5kg.
Mục tiêu ngầm AUV do Việt Nam nghiên cứu, sản xuất. Đây là sản phẩm của Hải quân Việt Nam nhằm mục tiêu thủy âm phục vụ huấn luyện, diễn tập săn, chống ngầm; có trọng lượng 320kg, độ sâu làm việc lớn nhất 100m, tốc độ hành trình lớn nhất có thể đạt 4nm/h.
Ngư lôi Set 40UE là loại ngư lôi điện chống ngầm kích thước nhỏ, được sử dụng từ tàu mặt nước chống ngầm hoặc tàu ngầm có trang bị ống phóng nhỏ. Hiện chúng được Quân đội sử dụng để thực hành, diễn tập. Chúng được thiết kế để thu hồi và tái sử dụng, không có đầu đạn chiến đấu.
Máy bay vận tải quân sự C-295 thuộc biên chế Quân chủng Phòng không - Không quân, dùng trong vận tải tầm trung và tầm ngắn. Tổ bay gồm 2 phi công, chở tối đa 71 người.
Trực thăng Aw189 hiện trong biên chế của Binh đoàn 18, thực hiện các nhiệm vụ bay chuyên cơ, cứu hộ, cứu nạn, vận tải hành khách, hàng hóa; có thể chờ từ 16-19 người, tốc độ tối đa đạt 270km/h, tầm bay 445-845km tùy vào điều kiện địa hình.
Một UAV trinh sát cỡ nhỏ có thể gấp gọn do công nghiệp quốc phòng Việt Nam phát triển.
Triển lãm trưng bày các thiết bị và công nghệ mới nhất bao gồm:
Hệ thống và thiết bị Phòng không - Không quân: Máy bay phản lực chiến đấu, máy bay trực thăng, máy bay huấn luyện, máy bay không người lái, tên lửa không đối không, tên lửa phòng không, tên lửa phòng không vác vai, tổ hợp pháo, tên lửa phòng không, trang thiết bị phòng không không quân khác.
Hệ thống và trang thiết bị Hải quân: Tàu ngầm, tàu chiến, tàu hỗ trợ, thiết bị trinh sát, quan sát ngầm, sonar; ngư lôi, thủy lôi; tên lửa đất đối hải.
Trang thiết bị Lục quân:Vũ khí; các loại đạn bộ binh, pháo binh, chống tăng,…; thiết bị quan sát, ngắm bắn ngày, đêm; pháo mặt đất; pháo tự hành; hệ thống pháo phản lực phóng loạt; pháo cao xạ; tên lửa đất đối đất; tên lửa chống tăng; xe tăng; xe thiết giáp; xe chở quân; xe vận tải quân sự; xe máy, thiết bị công binh.
Hệ thống trang thiết bị an ninh: Sinh trắc học; kiểm soát và an ninh biên giới; hệ thống và thiết bị phòng thủ dân sự; hải quan và di trú; chống khủng bố và hệ thống an ninh nhà nước nội bộ; hệ thống, thiết bị và dịch vụ cứu hộ và cứu trợ thảm họa, thiên tai; thực thi pháp luật; vũ khí phi sát thương...
Trang thiết bị thông tin liên lạc: Trang thiết bị phòng chống vũ khí hóa học; vũ khí, trang bị cho lực lượng đặc nhiệm; radar cảnh giới, điều khiển hỏa lực; các thiết bị tác chiến điện tử; robot trinh sát và chiến đấu trên không, mặt đất, mặt nước và dưới nước; các hệ thống C5I; hệ thống tác chiến không gian mạng; trang thiết bị hậu cần, bảo vệ người lính; hệ thống huấn luyện, mô phỏng; các loại trang thiết bị khác phục vụ quốc phòng; tên lửa hải đối hải...
Trần Thường
Phạm Hải