Đúng như tên gọi: “Thiên Quang” với ý nghĩa “Nơi ánh sáng của trời”, cuộc triển lãm có sức cuốn hút đặc biệt với đông đảo du khách tham quan bởi sự phối hợp hài hòa giữa chất liệu tạo nên tác phẩm nghệ thuật sắp đặt và ánh sáng. Ánh sáng được khai thác làm yếu tố trung tâm, tạo nên không gian triển lãm tự do, phóng khoáng, tương tác với mọi chiều không gian.
Khai mạc triển lãm Thiên Quang tại Văn Miếu Quốc Tử Giám
Sau khi dạo một vòng quanh triển lãm, khán giả Phạm Thanh Tuyên ở Minh Khai, Hà Nội nhận xét: "Ở đây tôi thấy không gian trưng bày rất là tuyệt vời, các nghệ sĩ đưa các hình khối và đưa ánh sáng vào các tác phẩm rất đẹp và rất nghệ thuật. Tôi rất ấn tượng về cách sắp đặt và cách trình bày của các chất liệu. Sự sáng tạo của các tác phẩm rất là tốt, mỗi người có một nét độc đáo riêng".
Điều đặc biệt ở cuộc triển lãm này, đó là các nghệ sĩ thỏa sức sáng tạo trên nhiều chất liệu khác nhau nhưng vẫn truyền tải được nét đẹp truyền thống trên từng tác phẩm, thể hiện qua những đường nét, hoa văn sinh động và đầy lôi cuốn.
Đây cũng là điều gây ấn tượng đặc biệt với chị Nguyễn Thị Duyên ở Đông Anh, Hà Nội: "Ngay khi đi vào mình thấy hình ảnh vẽ trên các khay giống như mâm nhôm, sau đến cái khung cửi, rồi đến hệ thống giống như đèn treo, đèn led nhưng được làm bằng chất liệu nhựa composit trên ốp điện thoại, ipad các kiểu nên mình thấy khá là mới mẻ và sáng tạo. Mình rất là ấn tượng. Đúng là nghệ thuật có nét mới nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp truyền thống".
Tác phẩm Giọt Hạnh - Tơ Vàng của hai nghệ sĩ Phan Minh Bạch và Hà Phạm
Triển lãm năm nay quy tụ các tác phẩm được thể hiện bằng chất liệu truyền thống như: Sơn mài, lụa, gốm, giấy dó… kết hợp các kỹ thuật hiện đại như: Sắt, inox, mica, kính, các loại đèn led hiện đại, cùng các chất liệu sơn dầu, acrylyc, tổng hợp. Thông qua triển lãm, các họa sĩ mong muốn kể câu chuyện về ánh sáng thiêng liêng của trời và đất, soi chiếu khắp Thăng Long, cùng những câu chuyện xoay quanh các làng nghề và nghề thủ công truyền thống. Với ý tưởng sáng tạo được bồi đắp từ mong muốn tôn vinh phẩm hạnh của người phụ nữ Việt Nam qua biểu tượng thuyền lụa và kén tơ vàng, hai nghệ sĩ Phan Minh Bạch và Hà Phạm đã có sự phối hợp nhịp nhàng, để tạo nên tác phẩm nghệ thuật mang tên “Giọt Hạnh - Tơ Vàng”.
Những hoa văn truyền thống phối hợp hài hòa với nghệ thuật sắp đặt hiện đại
Theo họa sĩ Phan Minh Bạch, hình tượng ánh trăng và con thuyền đầy lụa vàng lấp lánh, chính là lời ngợi ca giá trị văn hóa từ các làng nghề cổ xưa mà chị và họa sĩ Hà Phạm muốn truyền tải đến công chúng và du khách tham quan: "Tác phẩm này đặt tên là “Giọt hạnh Tơ vàng” có 2 ý. “Giọt hạnh” muốn nói đến sự chăm chỉ, bền bỉ cần cù lao động, đức hạnh của người phụ nữ với nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải, ươm tơ cho đến dệt lụa. Câu đằng sau “tơ vàng” muốn nói đến giá trị của lụa truyền thống. Và tác phẩm được ảnh xạ trên một con thuyền chở một dòng sông lụa. Con thuyền chính là chiếc khung cửi được làm mộc hoàn toàn và làm bằng sơn mài truyền thống Việt Nam, do họa sĩ Hà Phạm làm, chở một dòng sông lụa như một ánh trăng lụa chảy dài cùng con thuyền".
Lấy ý tưởng từ sự phát triển mạnh mẽ của làng gốm thủ công, tác phẩm “Thiên đăng” của Kiến trúc sư – Nhà điêu khắc Nguyễn Trường Giang được tạo hình từ hơn 40 chiếc đèn gốm nhỏ, hợp lại thành vòng vô cực có sự chuyển động uyển chuyển đầu cuối, dính liền và không có kết thúc. Đây là biểu hiện ánh sáng tự nhiên của bầu trời, thông qua sự vận hành của vũ trụ với trời đất, ngày đêm.
Khán giả và các đại biểu tham quan triển lãm
Kiến trúc sư – Nhà điêu khắc Nguyễn Trường Giang chia sẻ: "Tác phẩm là “Thiên đăng” nên mình dựa trên những câu chuyện của truyền thống Việt Nam. Mình lấy ý tứ tạo hình từ đốt tre. Việt Nam có cây tre trăm đốt trong truyện cổ tích. Đấy cũng là ý tứ mình dùng điều đấy để làm, mình phát triển tác phẩm lên theo chiều cao và trong tương lai, bởi vì nó là trăm đốt, khắc xuất khắc nhập thì nó có thể phát triển lên rất cao và có thể mix được với nhiều chất liệu hay những câu chuyện có đặc, có rỗng để làm toát lên câu chuyện ánh sáng của nó".
Đặc biệt, triển lãm năm nay giới thiệu tác phẩm chung, là sự kết hợp sáng tạo của 9 họa sĩ mang tên “Giếng Thiên Quang”. Lấy cảm hứng từ di sản “Giếng Thiên Quang” tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, tác phẩm được thiết kế dưới dạng đèn tròn với các mảnh ghép nghệ thuật, thể hiện những nghề truyền thống nổi tiếng của Thăng Long, truyền tải ý nghĩa về ánh sáng tri thức, văn hóa và lịch sử lâu đời.
Triển lãm “Thiên Quang” đang mở cửa phục vụ công chúng và du khách tham quan tại nhà Tiền đường, khu Thái Học – Văn Miếu Quốc Tử Giám đến ngày 25/3/2025.
Huyền Trang/VOV1