Triển lãm ảnh nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh GS, NGND Đinh Xuân Lâm.
Triển lãm trưng bày tại sảnh nhà E của Trường 127 bức ảnh khắc họa sự nghiệp và cuộc đời của Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Đinh Xuân Lâm, chia làm 4 nội dung. Cụ thể, Phần một: Chân dung GS, NGND Đinh Xuân Lâm, đặc tả chân dung một nhân cách sử học qua từng giai đoạn khác nhau, từ khi là nhà sử học trẻ với nhiều hoài bão cho đến khi trở thành một cây đại thụ của nền sử học Việt Nam hiện đại.
Phần hai: Những đóng góp của Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Đinh Xuân Lâm với sử học Việt Nam, mô tả những đóng góp tiêu biểu của một nhà sử học nghiêm cẩn; đồng thời phản ánh tính quốc tế trong cộng đồng học thuật của Giáo sư. Những bức ảnh cũng lưu dấu chân điền dã của nhà sử học thực chứng Đinh Xuân Lâm ở khắp mọi miền đất nước và quốc tế.
Phần ba: Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Đinh Xuân Lâm trong ký ức thầy cô, đồng nghiệp và học khắc họa hình ảnh thân thương và đầy cảm xúc giữa Thầy và học giới. Trong đó có sự hiện diện của các bậc danh sư thuộc thế hệ “Tam Anh” Đào Duy Anh, Trần Văn Giàu... và thế hệ “Tứ kiệt” huyền thoại Lâm - Lê - Tấn - Vượng cùng các thế hệ đồng nghiệp, học trò trong và ngoài nước.
Phần bốn: Hoạt động của Quỹ Sử học Đinh Xuân Lâm thể hiện một chặng đường 8 năm qua 8 mùa trao giải cho 152 sinh viên, thạc sĩ, tiến sĩ, nhà khoa học trẻ của 12 đơn vị đào tạo và nghiên cứu sử học trong cả nước.
Ngoài ra, triển lãm cũng giới thiệu những hình ảnh, ấn phẩm, công trình nghiên cứu tiêu biểu của Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Đinh Xuân Lâm trong nửa thế kỷ nghiêm cẩn, nhiệt huyết và cống hiến cho sử học nước nhà, từ những tác phẩm đầu tay của gần nửa thế kỷ trước như Lịch sử Việt Nam thời kỳ 1897-1914 cho đến tác phẩm được trao giải thưởng Nhà nước về Khoa học Công nghệ Phong trào chống chủ nghĩa thực dân ở Việt Nam gần đây.
Phát biểu tại buổi khai mạc triển lãm, PGS,TS Đặng Hồng Sơn, Trưởng Khoa Lịch sử, Giám đốc Bảo tàng Nhân học (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn) cho biết, những bức ảnh trong triển lãm được lựa chọn từ hàng nghìn bức ảnh khác nhau từ các lưu trữ của gia đình và nhiều tổ chức, cá nhân.
Tọa đàm khoa học gồm 2 phiên “Cuộc đời và sự nghiệp Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Đinh Xuân Lâm” và “Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Nhân dân Đinh Xuân Lâm trong ký ức của đồng nghiệp và học trò” bao gồm tham luận, ý kiến của đông đảo các chuyên gia, các nhà sử học và nhiều thế hệ học trò của Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Đinh Xuân Lâm.
Đông đảo các chuyên gia, nhà nghiên cứu, học trò của Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Đinh Xuân Lâm tham dự tọa đàm.
GS, TS Nguyễn Văn Khánh đưa ra những nét chính quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp của GS Đinh Xuân Lâm, và những đánh giá về những đóng góp của GS trong sự nghiệp nghiên cứu sử học nước nhà.
GS, TS Tạ Thị Thúy đưa ra những đóng góp của Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Đinh Xuân Lâm trong nghiên cứu sử hồi đầu thế kỷ 20, đặc biệt khi nhấn mạnh GS là người đầu tiên đề cập đến các đặc điểm của thực dân Pháp tại Việt Nam thời kỳ này…
PGS, TS Nguyễn Văn Nhật đề cao vai trò của Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Đinh Xuân Lâm với Viện Sử học cả trong nghiên cứu và giảng dạy, cũng như những tình cảm yêu quý mà học trò dành cho ông, chỗ dựa tinh thần lớn về nghiên cứu khoa học.
PGS, TS Đỗ Bang đề cập đến thời kỳ Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Đinh Xuân Lâm là một thầy giáo trung học và sau đó trở thành giảng viên, có những giáo trình từ rất sớm và có nhiều công trình nghiên cứu có giá trị cao, trở thành người thầy của nhiều nhà nghiên cứu, GS, TS của Việt Nam…
Triển lãm và tọa đàm là dịp quy tụ những nhà khoa học, những cơ quan, đơn vị đào tạo, nghiên cứu và hiệp hội được Giáo sư Đinh Xuân Lâm sáng lập, phát triển để cùng tập trung nghiên cứu, tổng kết, tri ân và tôn vinh di sản của Giáo sư. Từ đó, tiếp tục khẳng định một nhân cách, một sự nghiệp Đinh Xuân Lâm trong dòng chảy sử học, khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam đương đại và tương lai.
Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Đinh Xuân Lâm sinh ngày 4/2/1925 tại xã Sơn Tân (nay là xã Tân Mỹ Hà), huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Kế cận thế hệ khai sáng nền sử học của nước Việt Nam độc lập như các giáo sư Đào Duy Anh, Trần Văn Giàu, Trần Đức Thảo…
Giáo sư Đinh Xuân Lâm cùng với Giáo sư Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng được biết đến là “Tứ trụ” của trường phái Sử học Tổng hợp Hà Nội nói riêng và Sử học Việt Nam đương đại nói chung.
Những đóng góp của Giáo sư Đinh Xuân Lâm được thể hiện qua nhiều công trình nghiên cứu tổng kết và chuyên sâu; nhiều giải thưởng khoa học trong và ngoài nước danh giá; các hoạt động xã hội có uy tín; và những hoạt động phát triển các hiệp hội, trung tâm nghiên cứu có tính chất tiên phong, đổi mới.
NGỌC LINH