Cắt băng khai mạc Triển lãm.
Triển lãm “Văn hóa Phật giáo Việt Nam” tại Vesak 2025 do Ban Văn hóa Trung ương (Giáo hội Phật giáo Việt Nam) tổ chức là một điểm nhấn, mang ý nghĩa tôn vinh những giá trị lịch sử, văn hóa và tâm linh của Phật giáo Việt Nam qua hàng nghìn năm hình thành và phát triển.
Triển lãm giới thiệu những nét khái quát về văn hóa Phật giáo Việt Nam trên các khía cạnh ngôn ngữ, pháp phục, kiến trúc, di sản, qua đó thể hiện sự phong phú, đa dạng của văn hóa Phật giáo Việt Nam.
Đặc biệt, đây là lần đầu tiên công bố tới đại chúng thông tin, mô hình 87 bảo vật quốc gia của Phật giáo Việt Nam. Trong đó, có một số bảo vật được phục dựng công phu như tượng Phật A Di Đà chùa Phật Tích, ba pho tượng Phật Tam thế chùa Linh Ứng...
Hòa thượng Thích Bửu Chánh-Phó Tổng Thư ký Ủy ban Tổ chức Vesak 2025 cho biết, những giá trị bảo vật Phật giáo được giới thiệu đều gắn liền với một thời kỳ lịch sử, phản ánh sâu sắc sự hòa quyện giữa nghệ thuật, tín ngưỡng và tư tưởng triết lý nhà Phật.
Trước đó, đã diễn ra lễ thượng cờ ấn tượng, với lá cờ Phật giáo có diện tích 500m2. Đây được xem là kỷ lục thế giới về Đạo kỳ.
Lá cờ được may bằng vải siêu bền theo truyền thống quốc tế, có 5 màu xanh, vàng, đỏ, trắng, cam, được sắp xếp thứ tự theo mẫu chuẩn của cờ Phật giáo. Chiều dài 25,69m biểu tượng cho chiều dài lịch sử Phật giáo qua 2569 năm. Chiều ngang Đạo kỳ là 19,47m.
Lá cờ cũng là biểu tượng của sự gắn kết 5 châu, thể hiện khát vọng hòa bình thế giới, cũng là ước vọng của Phật giáo muốn lan tỏa lòng từ bi, đúng theo tinh thần chủ đề Vesak năm nay: “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì hòa bình thế giới và phát triển bền vững”.
VƯƠNG LÊ