Triển vọng bứt phá từ quy hoạch TP.HCM

Triển vọng bứt phá từ quy hoạch TP.HCM
3 ngày trướcBài gốc
Chiều 4/1, UBND TPHCM tổ chức hội nghị công bố Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình trao quyết định phê duyệt quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho lãnh đạo TPHCM
Mong sự ủng hộ từ nhà đầu tư
Phát biểu mở đầu hội nghị, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP.HCM - đã công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cảm ơn Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo cơ quan, nhân dân đã đồng hành cùng TP trong quá trình xây dựng và phát triển; cùng chung tay xây dựng, triển khai thực hiện quy hoạch để góp phần phát triển TP.HCM trở thành đô thị toàn cầu văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên dự Hội nghị công bố quy hoạch TPHCM
Thành phố cam kết tạo điều kiện tốt nhất, thuận lợi nhất cho nhà đầu tư trong quá trình tìm hiểu, tiến hành thủ tục đầu tư
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi
Theo ông Mãi, TP.HCM đang khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành Trung ương để sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đồ án quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Thành phố cũng chủ động triển khai công tác lập quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết. Trong quá trình triển khai thực hiện, Thành phố mong nhận được sự hỗ trợ của Thủ tướng, lãnh đạo các cơ quan Trung ương và địa phương; sự quan tâm, ủng hộ của nhà đầu tư.
Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu tại hội nghị công bố qui hoạch
Phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch
Theo Quy hoạch, TP.HCM phát triển công nghiệp - xây dựng theo hướng phát triển công nghệ cao, sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, lựa chọn sản phẩm, công đoạn có giá trị gia tăng cao tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu; chuyển đổi hoạt động các khu công nghiệp, khu chế xuất hiện hữu sang mô hình khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ.
Trong định hướng phát triển, TP.HCM sẽ trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ lớn của cả nước và khu vực. Thành phố sẽ phát triển các ngành dịch vụ cao cấp, hiện đại. Phát triển thương mại theo hướng hiện đại, văn minh, đồng bộ với sự phát triển của công nghiệp hóa, khai thác tối đa lợi ích từ toàn cầu hóa.
Đáng chú ý, trong thời gian tới, phát triển du lịch TP.HCM sẽ gắn với khu vực động lực phát triển du lịch của Vùng Đông Nam Bộ. Phát triển các thị trường du lịch trong nước và quốc tế với các sản phẩm du lịch chất lượng cao, có lợi thế, mang bản sắc riêng của Thành phố.
Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển TPHCM theo định hướng “bám sông, hướng biển”. Quy hoạch hệ thống đường ven sông Sài Gòn mở ra hướng mới để phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ. Quy hoạch sẽ tạo điểm nhấn về cảnh quan sông nước, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Với định hướng “bám sông, hướng biển” sẽ tạo nhiều trục giao thông mới, tăng liên kết vùng.
Lấy người dân làm trung tâm phát triển
Quy hoạch TPHCM lấy người dân làm chủ thể trung tâm phát triển, tập trung nâng cao chất lượng sống. Quy hoạch cụ thể xác định tạo môi trường sống xanh, bền vững. Giải quyết các vấn đề về ô nhiễm môi trường, ngập lụt, ùn tắc giao thông. TPHCM phát triển các đô thị sinh thái, khuyến khích chuyển đổi sang năng lượng sạch, phương tiện xanh.
Ngoài ra, TPHCM định hướng nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe và tinh thần cho người dân. Cụ thể là hoàn thiện các hạ tầng xã hội về y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội.
Trích Báo cáo tóm tắt Quy hoạch TP.HCM của Ban Quản lý dự án quy hoạch
Nâng cấp và xây dựng chợ đầu mối thứ 4
Theo Quy hoạch, Khu vực nội thành và Thành phố Thủ Đức sẽ phát triển nông nghiệp đô thị, trong đó quy hoạch khu đổi mới, sáng tạo, đô thị tri thức, khoa học, công nghệ tại Long Phước - Tam Đa, gắn với hoạt động du lịch, đô thị tri thức... nâng cấp chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức thành trung tâm logistics nông nghiệp.
Khu vực các huyện Củ Chi, Hóc Môn sẽ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, vùng cây ăn trái kết hợp với du lịch khu ven sông Sài Gòn; xây dựng chợ đầu mối thứ 4 tại huyện Hóc Môn.
Khu vực huyện Bình Chánh: phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với du lịch; phát triển trung tâm logistics nông nghiệp tại chợ đầu mối Bình Điền.
Khu vực các huyện Nhà Bè, Cần Giờ: phát triển nuôi trồng thủy sản mặn lợ nội địa, trên biển và sản xuất muối ứng dụng công nghệ cao, phát triển các làng nghề gắn với các sản phẩm OCOP. Ngoài ra, phát triển vùng nuôi chim yến tại một số phường, xã có điều kiện tự nhiên thuận lợi trên địa bàn thành phố Thủ Đức, các huyện Hóc Môn, Củ Chi và Cần Giờ.
Bản đồ quy hoạch TP.HCM
Mục tiêu kinh tế đến năm 2030
Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt khoảng 8,5-9,0%/năm trong giai đoạn 2021-2030. Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt 385-405 triệu đồng, tương đương 14.800-15.400 USD.
Tỷ trọng bình quân trong GRDP của khu vực dịch vụ trên 60%, khu vực công nghiệp - xây dựng khoảng 27% (trong đó công nghiệp chế biến chế tạo khoảng 22%). Khu vực nông, lâm, thủy sản khoảng 0,4%.
Phấn đấu tỷ trọng kinh tế số đạt trên 40% GRDP.
Trích Quyết định 1711/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
HẢI LY
Nguồn DNSG : https://doanhnhansaigon.vn/trien-vong-but-pha-tu-quy-hoach-tp-hcm-315472.html