Robot vào bếp là ngày không còn xa
Năm 2017, Raghav Gupta bắt đầu giải quyết một vấn đề cá nhân: anh muốn có thể dễ dàng thưởng thức các bữa ăn nấu tại nhà. Yêu cầu của Gupta là phải được nấu những món ăn mà anh đã ăn từ thời thơ ấu mà không phải tốn thời gian nấu nướng, chi tiền cho đồ ăn mang về, hay thuê đầu bếp riêng. Gupta đã tìm đến robot và từ đó sáng lập nên startup Posha.
Posha, từng là một công ty tham gia đấu trường khởi nghiệp TechCrunch Startup Battlefield, phát triển robot nấu ăn để bàn sử dụng thị giác máy tính. Người dùng chỉ cần lướt chọn món ăn từ danh sách công thức, thêm lượng nguyên liệu được yêu cầu vào máy và robot sẽ đảm nhiệm phần còn lại để nấu bữa ăn.
Theo Gupta, quy trình của Posha được thiết kế linh hoạt và dễ thích nghi: máy cho phép người dùng thay thế nguyên liệu và vẫn hoạt động bình thường ngay cả khi nguyên liệu được đo không hoàn toàn chính xác.
Gupta nói: “Nó giống như một chiếc máy pha cà phê, nhưng dành cho món ăn. Bạn muốn uống cà phê, bạn chọn loại cà phê trên máy, cho hạt, đường, sữa vào từng ngăn. Bấm nút pha và ly cà phê ra đời. Posha cũng làm điều tương tự, nhưng với thức ăn”.
Tuy vậy, so sánh với máy pha cà phê chỉ tương đối, vì Posha vẫn đòi hỏi người dùng phải thực hiện một số công đoạn thủ công. Dù Posha đảm nhận phần lớn việc nấu nướng, người dùng vẫn phải mua nguyên liệu và sơ chế, đặc biệt là khâu cắt gọt, vốn có thể tiêu tốn phần lớn thời gian trong một công thức nấu ăn.
Gupta thừa nhận rằng không phải ai cũng hứng thú với một giải pháp vẫn yêu cầu phải động tay vào bếp. Tuy nhiên, theo tác giả, Posha đang ghi nhận thành công lớn nhất từ nhóm người dùng đã quen nấu ăn từ 2 - 6 lần mỗi tuần, và đang tìm cách giảm tải cho một vài buổi trong tuần.
Gupta nói: “Những người này đã dành khoảng một tiếng mỗi ngày trong bếp, để quyết định món ăn, đi chợ, nấu nướng, rồi dọn dẹp. Chúng tôi giúp họ tiết kiệm ít nhất 70% thời gian, nên mỗi ngày họ chỉ còn mất khoảng 10 - 20 phút”.
Trước đây, Posha (khi đó còn tên là Nymble) từng bắt đầu với mô hình cánh tay robot, nhưng sau khi tham gia chương trình tăng tốc của Bosch, công ty đã thay đổi hướng đi. Họ nhận ra người tiêu dùng không muốn thiết bị gây vướng víu trong bếp hay khó vệ sinh. Kể từ đó, Posha luôn duy trì sự kết nối chặt chẽ với nhóm khách hàng đầu tiên của mình.
Gupta chia sẻ: “Chúng tôi luôn tập trung tối đa và bị ám ảnh bởi khách hàng từ ngày đầu tiên. Chúng tôi không dùng Zendesk để giao tiếp – chúng tôi trò chuyện trực tiếp qua WhatsApp với hơn 100 khách hàng. Hầu hết khách hàng đều biết tôi là ai. Tôi đã chuyển đến Mỹ giữa đại dịch, chỉ để gần gũi hơn với khách hàng”. Dù phương pháp này không thể mở rộng quy mô mãi, hiện tại nó vẫn đang phát huy hiệu quả.
Tính đến thời điểm hiện tại, chiến lược marketing chính của Posha là truyền miệng, với thiết bị để bàn bán trực tiếp cho người tiêu dùng có giá 1.750 USD. Gần đây, Posha đã huy động được 8 triệu USD trong vòng gọi vốn Series A, do Accel dẫn đầu, cùng các nhà đầu tư hiện tại như Xeed Ventures, Waterbridge Ventures, và Binny Bansal – đồng sáng lập của Flipkart – cùng tham gia.
Gupta cho biết Posha sẽ dùng nguồn vốn này để tiếp tục phát triển sản phẩm, đặc biệt là mở rộng số lượng công thức nấu ăn, đồng thời bổ sung khả năng để người dùng đề xuất ý tưởng món ăn. Hệ thống AI tạo sinh sẽ tự động chuyển những ý tưởng đó thành hướng dẫn nấu rồi cập nhật vào thiết bị. Công ty đã chính thức ra mắt robot Posha vào tháng 1.2025 và hiện đã bán hết lô sản phẩm đầu tiên, đang nhận đơn đặt hàng trước cho đợt hai.
Gupta nói: “Nếu nhìn lại lò vi sóng, máy rửa chén, hay tủ lạnh – từng có thời những thiết bị này cũng chỉ là đồ để bàn. Nhưng rồi theo thời gian, chúng trở thành vật dụng không thể thiếu trong mỗi gia đình, đến mức các nhà xây dựng bắt đầu tích hợp sẵn vào nhà ở. Chúng tôi tin rằng Posha cũng sẽ sớm có vị thế tương tự”.
Anh Tú