Động thái này nhanh chóng thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, đồng thời tạo ra kỳ vọng nhất định trong khu vực. Tại Iran, thị trường tài chính đã ghi nhận những tín hiệu tích cực ban đầu. Chỉ số chứng khoán và giá vàng tại Tehran biến động theo chiều hướng phản ánh kỳ vọng về một môi trường kinh tế ổn định hơn nếu đàm phán mang lại kết quả tích cực.
Giới quan sát cho rằng, tiến trình đàm phán có thể tác động đáng kể đến cục diện an ninh tại Trung Đông, đặc biệt với các quốc gia Vùng Vịnh. Các kịch bản có thể bao gồm thỏa thuận từng phần, nối lại hợp tác kinh tế - nhân đạo, hoặc tiến tới một cơ chế kiểm soát hạt nhân thay thế JCPOA. Bên cạnh các yếu tố đối ngoại, tiến trình đàm phán lần này cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc từ các động thái chính trị nội bộ ở cả Washington và Tehran, cũng như sức ép từ các tác nhân khu vực và quốc tế. Việc khởi động đối thoại được xem là bước ngoặt trong quan hệ Mỹ - Iran, mở ra hy vọng về một lộ trình ngoại giao mới nhằm tháo gỡ bế tắc kéo dài nhiều năm qua.
Áp lực kinh tế và cơ hội chiến lược
Việc Mỹ và Iran nối lại đàm phán không xuất phát từ sự cải thiện đột ngột quan hệ song phương, mà là kết quả của sự hội tụ giữa áp lực bắt buộc và tính toán chiến lược của cả hai phía.
Iran hy vọng vòng đàm phán về hạt nhân tiếp theo sớm được diễn ra.
Về phía Iran, quyết định này được thúc đẩy mạnh mẽ bởi tình trạng suy kiệt kinh tế kéo dài do các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt của Mỹ. Tác động của các biện pháp cấm vận đã thể hiện rõ qua việc đồng rial mất giá nghiêm trọng, lạm phát tăng vọt và đời sống người dân ngày càng khó khăn. Bối cảnh này đã tạo ra động lực nội tại lớn buộc Tehran phải tìm kiếm giải pháp giảm nhẹ trừng phạt, trong đó, đàm phán trực tiếp với Mỹ trở thành lựa chọn ưu tiên.
Áp lực này càng gia tăng sau khi xuất khẩu dầu của Iran sang Trung Quốc - đối tác kinh tế chủ chốt - sụt giảm hồi đầu năm, làm lung lay nguồn tài chính chủ lực của Iran. Diễn biến này không chỉ làm trầm trọng thêm khủng hoảng kinh tế, mà còn khiến việc đạt được một thỏa thuận mang tính nới lỏng trừng phạt trở nên cần thiết hơn bao giờ hết đối với chính quyền Tehran.
Trong khi đó, phía Mỹ - dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Donald Trump - có thể nhìn nhận các cuộc đàm phán như một cơ hội ngoại giao chiến lược nhằm đạt được kết quả cụ thể phục vụ chính sách “Nước Mỹ trên hết”. Đáng chú ý, vai trò trung gian của Oman - một quốc gia từ lâu được cả Washington và Tehran tin cậy - tiếp tục là yếu tố then chốt. Với lịch sử làm cầu nối giữa hai bên, Oman đã kiên trì thúc đẩy một thỏa thuận tối thiểu có thể chấp nhận được, giúp giảm thiểu ngờ vực và đưa hai đối thủ lâu năm quay trở lại bàn đàm phán. Tổng hòa các yếu tố cho thấy cả Mỹ và Iran đã đến thời điểm then chốt cho việc kết nối lại các cuộc đàm phán.
Lối thoát ngắn hạn hay bước đệm chiến lược
Sau khi JCPOA sụp đổ, quan hệ Mỹ - Iran rơi vào vòng xoáy căng thẳng kéo dài, với việc Tehran từng bước rút khỏi các cam kết hạt nhân. Dù những bất đồng cốt lõi vẫn còn, áp lực nội bộ và động lực từ bên ngoài đã tạo ra một cơ hội hẹp nhưng có ý nghĩa cho việc khởi động lại hoạt động ngoại giao. Trong bối cảnh hoài nghi đan xen kỳ vọng thận trọng, việc phân tích các kịch bản có thể xảy ra tại vòng đàm phán trở nên đặc biệt quan trọng. Những kịch bản này phản ánh sự tương tác phức tạp giữa chính trị nội bộ, sự cạnh tranh của các bên trong khu vực và quốc tế, cũng như bối cảnh dẫn đến khả năng khôi phục đối thoại.
Việc tiếp xúc các đoàn cấp cao giữa Iran và EU thể hiện thiện chí của cả hai bên về những bất đồng liên quan.
Kịch bản đầu tiên hướng tới một thỏa thuận giới hạn với mục tiêu ngắn hạn, được thúc đẩy thông qua vai trò trung gian của Oman. Nội dung thỏa thuận có thể bao gồm các nhượng bộ cụ thể từ Iran, chẳng hạn như cho phép Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tăng cường giám sát hoặc tạm thời giới hạn mức độ làm giàu uranium. Đổi lại, Mỹ có thể nới lỏng một phần các biện pháp trừng phạt - tập trung vào các lĩnh vực nhân đạo hoặc hàng hóa phi dầu mỏ - như một tín hiệu ngoại giao tích cực. Đây có thể là một “chiến thắng” chính trị ngắn hạn đối với ông Trump, trong khi vẫn giữ nguyên cấu trúc cứng rắn của chính sách “Nước Mỹ trước tiên”.
Về phía Iran, việc đồng ý với các bước đi có thể đảo ngược liên quan đến chương trình hạt nhân không đồng nghĩa với từ bỏ tham vọng dài hạn trong lĩnh vực này. Mục tiêu trước mắt là ổn định đồng rial và tạo ra sức sống mới cho nền kinh tế vốn đang trong tình trạng kiệt quệ.
Oman được kỳ vọng tiếp tục giữ vai trò trung gian đáng tin cậy, bảo đảm sự tuân thủ thỏa thuận và là kênh liên lạc liên tục giữa hai bên. Các quốc gia Vùng Vịnh có thể sẽ nhìn nhận thỏa thuận này với tâm thế lạc quan thận trọng, hy vọng đây là bước đầu giúp giảm căng thẳng khu vực. Tuy nhiên, họ vẫn dè chừng trước chiến lược dài hạn của Iran.
Phiên bản JCPOA mở rộng
Kịch bản 2 hướng tới một thỏa thuận toàn diện hơn so với phương án tối giản, nhằm từng bước khôi phục khuôn khổ của JCPOA, nhưng vẫn chưa thể giải quyết triệt để tất cả các điểm mấu chốt trong quan hệ Mỹ - Iran. Theo đó, Iran sẽ phải chấp nhận các ràng buộc sâu rộng và dài hạn hơn đối với chương trình hạt nhân, bao gồm cam kết không làm giàu uranium vượt quá mức cho phép trong một thời gian xác định, mở rộng quyền tiếp cận của thanh tra IAEA đến toàn bộ các cơ sở liên quan và giới hạn phát triển công nghệ máy ly tâm tiên tiến. Tuy nhiên, các chủ đề nhạy cảm như chương trình tên lửa đạn đạo hay vai trò của Iran trong khu vực có thể sẽ bị loại khỏi khuôn khổ đàm phán để tránh phá vỡ tiến trình ngoại giao.
Nếu đàm phán Mỹ - Iran sụp đổ sẽ kéo theo sự leo thang nhanh chóng của căng thẳng song phương và gia tăng nguy cơ đối đầu quân sự trực tiếp tại Trung Đông.
Về phía Iran, động lực chính vẫn là nhu cầu giải tỏa áp lực kinh tế - lần này ở quy mô lớn hơn. Do đó, Tehran có thể yêu cầu Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt chủ chốt và giải phóng một phần tài sản bị đóng băng ở nước ngoài. Những biện pháp này, nếu được triển khai, có thể tạo ra tác động kinh tế mạnh mẽ và bền vững hơn so với kịch bản tối giản trước đó.
Với Tổng thống Trump, thỏa thuận này - dù phức tạp hơn về chính trị - có thể mang lại một thành tựu chính sách đối ngoại rõ nét trước công chúng và đồng minh quốc tế. Dưới áp lực từ châu Âu và nhu cầu thể hiện sự cứng rắn nhưng thực dụng, ông có thể lựa chọn một thỏa thuận kiểm soát hạt nhân chặt chẽ để chứng minh tính hiệu quả của chiến lược “đàm phán trên thế mạnh”.
Tuy nhiên, phản ứng từ Israel về kế hoạch này được dự đoán sẽ quyết liệt. Tel Aviv có thể lập luận rằng, ngay cả với các giới hạn nghiêm ngặt hơn, thỏa thuận vẫn để Iran duy trì nền tảng kỹ thuật cần thiết để tái khởi động chương trình hạt nhân khi các điều khoản hết hiệu lực. Điều này có thể dẫn đến các nỗ lực vận động hành lang tại Washington nhằm trì hoãn hoặc vô hiệu hóa thỏa thuận hoặc yêu cầu thêm các đảm bảo an ninh từ Mỹ.
So với kịch bản trước, phương án này có tác động kinh tế lớn hơn đối với Iran, đồng thời được cộng đồng quốc tế nhìn nhận như một bước tiến đáng kể trong nỗ lực chống phổ biến vũ khí hạt nhân. Tuy vậy, việc tránh né các vấn đề như tên lửa đạn đạo hay vai trò khu vực của Iran đồng nghĩa với việc các nguyên nhân gây bất ổn sâu xa vẫn tồn tại và sẽ là một điều khó chấp nhận đối với phương Tây, đặc biệt là Israel.
Đàm phán kéo dài hoặc căng thẳng leo thang
Theo kịch bản này, hai bên có thể vẫn duy trì thảo luận nhưng khoảng cách về mục tiêu chiến lược và các “lằn ranh đỏ” cố hữu sẽ khiến không có thỏa thuận nào khả thi. Tiến trình đàm phán trong kịch bản này có thể trở nên rời rạc, với các phiên thảo luận ngắt quãng, xen kẽ bởi các giai đoạn trì hoãn và gián đoạn, mà không xác lập được lộ trình cụ thể tiến tới giải pháp toàn diện. Phía Iran có thể tham gia đàm phán chủ yếu với mục tiêu chiến thuật: thể hiện ý chí ngoại giao hời hợt để xoa dịu áp lực quốc tế, đồng thời tranh thủ thời gian tiếp tục củng cố chương trình hạt nhân. Về phần mình, chính quyền Tổng thống Trump có thể bước vào đàm phán nhằm thể hiện sự hiện diện ngoại giao, đáp ứng cam kết trong nước hoặc yêu cầu từ đồng minh, mà không thực sự sẵn sàng đưa ra các nhượng bộ phù hợp với yêu cầu của Iran.
Sự trì trệ trong tiến trình đàm phán này sẽ làm dấy lên lo ngại trong khu vực. Các quốc gia Vùng Vịnh, vốn mong đợi sự ổn định, có thể bày tỏ lo ngại ngày càng sâu sắc về nguy cơ đối đầu gia tăng. Căng thẳng kéo dài không chỉ khiến các sáng kiến hòa giải bị đình trệ, mà còn làm gia tăng nguy cơ tính toán sai lầm, xung đột ngoài ý muốn hoặc thậm chí leo thang quân sự có chủ đích. Về phần mình, Israel thì lại có thể sẽ coi bế tắc là lựa chọn “ít tồi tệ nhất”, hơn là chấp nhận một thỏa thuận họ cho là yếu kém.
Trong kịch bản bi quan nhất, tiến trình đàm phán Mỹ - Iran có thể sụp đổ hoàn toàn, kéo theo sự leo thang nhanh chóng của căng thẳng song phương và gia tăng nguy cơ đối đầu quân sự trực tiếp tại Trung Đông. Sự thất bại này có thể xuất phát từ một động thái “kích hoạt” cụ thể, như Iran đẩy mạnh hoạt động làm giàu uranium vượt ngưỡng cho phép, một hành động gây bất ổn của lực lượng ủy nhiệm trọng khu vực, hoặc sự cứng rắn gia tăng trong phát ngôn và lập trường từ cả Washington lẫn Tehran. Trong bối cảnh đó, Iran có thể rút khỏi bàn đàm phán nếu nhận thấy các yêu cầu từ phía Mỹ không thể chấp nhận được hoặc tin rằng việc đẩy nhanh chương trình hạt nhân sẽ tạo ra đòn bẩy chiến lược hiệu quả hơn.
Đây sẽ là kịch bản mà các quốc gia Vùng Vịnh và cộng đồng quốc tế đặc biệt lo ngại. Việc mất đi kênh đối thoại duy nhất giữa hai bên thù địch có thể đẩy khu vực vào tình trạng đối đầu nguy hiểm. Nếu kịch bản này xảy ra, Iran có thể đẩy mạnh làm giàu uranium đến mức tiệm cận khả năng sản xuất vũ khí hạt nhân. Đáp lại, Mỹ và các đồng minh có thể áp dụng các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt hơn hoặc tăng cường triển khai lực lượng quân sự như một tín hiệu răn đe.
4 kịch bản được phân tích - từ một thỏa thuận tối giản đến một thỏa thuận toàn diện chưa đầy đủ, một tiến trình kéo dài không lối thoát và sự sụp đổ hoàn toàn của đối thoại - cho thấy độ rộng của các kết cục có thể xảy ra. Trong số này, kịch bản “Thỏa thuận tối giản” (đầu tiên) hiện được xem là có khả năng nhất, do đáp ứng nhu cầu cấp bách về cứu trợ kinh tế của Iran mà không đòi hỏi nhượng bộ quá sâu từ cả hai phía. Tuy nhiên, tính chất tạm thời và mong manh của nó cũng đồng nghĩa với nguy cơ căng thẳng tái bùng phát bất cứ lúc nào.
Thành công của tiến trình này phụ thuộc vào thiện chí chính trị từ cả Washington và Tehran trong việc chấp nhận thỏa hiệp, ưu tiên kiềm chế leo thang hơn là duy trì lập trường cực đoan. Đồng thời, vai trò trung gian của Oman cùng sự hỗ trợ từ các quốc gia có ảnh hưởng, đặc biệt là tại châu Âu và châu Á, sẽ có ý nghĩa quyết định trong việc điều hướng tiến trình đàm phán đến một giải pháp ổn định, lâu dài và đáng tin cậy.
Huy Thông