Lao động nữ tại công ty Samsung
"Ngôi sao tăng trưởng" Đông Nam Á
Năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đã chứng tỏ sức mạnh vượt trội khi đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Trong đó, tăng trưởng kinh tế cả năm ước đạt trên 7%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra là 6-6,5%, thuộc nhóm ít các nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới.
Đáng chú ý, với mức tăng trưởng trên 7% năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đã vượt ngoài mọi dự báo từ các tổ chức tài chính quốc tế trước đó.
Trong báo cáo đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô 2024, HSBC gọi Việt Nam là "ngôi sao tăng trưởng" Đông Nam Á. Con số 7% là mức tăng trưởng cao nhất trong 6 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á (cùng với Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan).
Báo cáo tổng kết năm 2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, nền kinh tế nước ta đã có một năm tăng trưởng ấn tượng, không chỉ phản ánh sự ổn định của nền kinh tế mà còn cho thấy khả năng chống chọi của Việt Nam trước những biến động toàn cầu.
"Việt Nam tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng sủa của nền kinh tế thế giới", Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Trí Dũng khẳng định.
Cụ thể, xuất khẩu tiếp tục là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2024 cả nước ước đạt 782,33 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Cả nước ghi nhận xuất siêu ước đạt 23,53 tỷ USD.
Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng thu hút FDI 11 tháng năm 2024 ước gần 31,4 tỷ USD; vốn FDI thực hiện ước khoảng 21,7 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ.
Mục tiêu và quyết tâm cao của Chính phủ
Năm 2025 mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng với kinh tế Việt Nam vì sẽ kết thúc giai đoạn kế hoạch 5 năm 2021-2025. Đây là thời điểm đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu đề ra, đồng thời tạo đà cho giai đoạn phát triển tiếp theo.
Lao động nữ tại Sam Sung
Hiện Quốc hội đã giao mục tiêu tăng trưởng cho Chính phủ năm 2025 khoảng 6,5-7%, phấn đấu đạt mức 7-7,5%. Tuy nhiên, tại Hội nghị toàn quốc tổng kết Nghị quyết số 18, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đặt ra chỉ tiêu đầy tham vọng với mức tăng trưởng GDP đạt trên 8% trong năm 2025, mở ra lộ trình cho giai đoạn bứt phá tăng trưởng mạnh mẽ 2 con số giai đoạn 2026-2030.
Lãnh đạo Chính phủ thừa nhận, mục tiêu tăng trưởng 2 con số là thách thức. Song việc này sẽ tạo tiền đề bứt tốc cho giai đoạn 2026 - 2030, để đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
"Các bộ ngành, địa phương phải quyết liệt để hoàn thành các mục tiêu đề ra", Thủ tướng nhấn mạnh rằng, mỗi đơn vị phải là "hạt nhân tiên phong khơi dậy mọi tiềm năng đưa đất nước vững bước đi lên".
Để đạt được các mục tiêu trên, Chính phủ đã đề ra một loạt nhiệm vụ quan trọng năm 2025 như duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát ở mức dưới 4%; tăng trưởng tín dụng duy trì trên 15% với dòng vốn hướng vào các lĩnh vực ưu tiên, sản xuất kinh doanh…
Các địa phương được giao mục tiêu tăng trưởng GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) tối thiểu 8-10%, trong đó các khu vực thuộc cực tăng trưởng như Hà Nội, TPHCM, hay các vùng trọng điểm kinh tế cần đặt mục tiêu cao hơn, nhằm khẳng định vai trò dẫn dắt.
Thủ tướng cũng chỉ đạo giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án trọng điểm quốc gia sẽ được đẩy mạnh ngay từ đầu năm 2025. Thu ngân sách dự kiến cao hơn khoảng 10% so với năm 2024 và tiết kiệm triệt để chi thường xuyên.
Riêng nguồn tăng thu ngân sách Nhà nước năm 2024 sẽ được bố trí ưu tiên cho các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và một số dự án khác có nhu cầu trong năm tới.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đặt mục tiêu phát triển mạnh mẽ thị trường tài chính, thị trường vốn để huy động nguồn lực cho nền kinh tế, trong đó phấn đấu nâng hạng thị trường chứng khoán. Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về pháp lý cho thị trường bất động sản.
Nhiiều tín hiệu tốt cho thị trường lao động nữ
Với những kết quả ấn tượng năm 2024 cùng với sự quyết tâm cao của Chính phủ, các chuyên gia đều lạc quan về khả năng duy trì đà tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam trong năm 2025.
Tại diễn đàn Nhịp đập kinh tế Việt Nam 2024, khi nhận định về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2025, ông Nguyễn Hữu Thọ, Trưởng ban Phân tích và Dự báo kinh tế thuộc Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự báo, khu vực doanh nghiệp sẽ khởi sắc vì các đơn hàng trong năm 2024 rất tốt so với năm 2023. Tiếp đà này, hoạt động sản xuất kinh doanh các doanh nghiệp sẽ tốt hơn.
Về thu hút các nguồn lực từ FDI, xu hướng dòng chảy FDI đổ về ASEAN, châu Á sẽ tiếp tục duy trì trong năm 2025. Thị trường trong nước năm 2025 được nhận định không có nhiều biến động về sức mua vì thu nhập của người Việt Nam chưa có đột phá.
Nguồn khách quốc tế đến Việt Nam xu hướng sẽ tăng mạnh nhưng mức tăng chưa đồng đều, cùng nhịp với mức đóng góp cho tăng trưởng GDP. Thị trường xuất khẩu năm 2025 được dự báo tiếp tục tăng trưởng khá như năm nay.
Ngoài ra, phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng số, cải cách thể chế,... tiếp tục được nhận định sẽ là điểm sáng trong bức tranh tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2025.
Ảnh minh họa
TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, nhận định, năm 2025, nền kinh tế Việt Nam có những yếu tố tích cực như Chính sách tiền tệ đang hỗ trợ tích cực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh với mức tăng trưởng tín dụng đến hết tháng 11/2024 đạt khoảng 12,5%.
Trong bối cảnh lãi suất huy động tăng nhưng lãi suất cho vay vẫn giảm 1 điểm % từ đầu năm là một thuận lợi, hỗ trợ cho nền kinh tế phục hồi.
GS.TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, chia sẻ, Việt Nam đang quay lại giai đoạn tăng trưởng mạnh như những năm 2016 - 2019. Bên cạnh động lực từ dòng vốn đầu tư nước ngoài và khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do FTA, các dự án luật được thông qua mới đây cũng sẽ tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo động lực cho phát triển.
Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động cao nhất thế giới, với tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ là 72% trong tổng số phụ nữ trong độ tuổi lao động.
Có thể thấy, trong những động lực tăng trưởng kinh tế năm 2025 thì lực lượng lao động nữ có vai trò quan trọng khi mà các doanh nghiệp FDI, các lĩnh vực xuất khẩu (dệt may, giày da...), nông, lâm, thủy sản có cơ cấu lao động nữ khá cao.
Chia sẻ về triển vọng thị trường năm 2025, ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) - đơn vị có đông lao động nữ - cho biết, hiện nay nhiều doanh nghiệp thành viên đã có đủ đơn hàng đến hết quý I/2025, cá biệt có những đơn vị có đơn hàng đến tháng 5/2025.
Vinatex đưa ra dự báo kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2025 sẽ tăng trưởng từ 5%-6% so với năm 2024, tương đương đạt 45,5 - 46 tỷ USD.
Tương tự, là lĩnh vực có đông lực lượng lao động nữ tham gia, liên tiếp nhiều năm qua, xuất khẩu nông sản năm sau luôn cao hơn năm trước. Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho biết, hiện đã tiếp tục phê duyệt đề án tái canh cà phê giai đoạn 2021 - 2025.
Mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 tái canh và ghép cải tạo gần 110.000ha, kim ngạch xuất khẩu dự kiến tăng trưởng 12%. Với rau quả Việt Nam xuất khẩu, Hiệp hội Rau quả Việt Nam dự đoán ngành hàng sẽ mang về khoảng 8 tỉ USD. Với thủy sản, năm 2025 Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam đặt triển vọng 11 - 12 tỉ USD...
Dự báo mới nhất từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết, nền kinh tế Việt Nam sẽ đạt quy mô 506 tỷ USD vào năm 2025, vươn lên đứng thứ 33 thế giới. Theo số liệu của Trung tâm Dự báo và Phân tích Kinh tế Độc lập (CEBR), GDP Việt Nam năm 2024 đã vượt mốc 450 tỷ USD, tăng 1 bậc so với năm 2023 lên vị trí thứ 34 trên thế giới. CEBR cho rằng, nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm tới, với mức tăng trưởng trung bình hàng năm đạt 5,8% cho giai đoạn 2025-2029.
Hải Yến