Năm 2024 khép lại với những kết quả ấn tượng
Năm 2024 đã khép lại với những kết quả ấn tượng, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc nói tại Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam lần thứ 17. Sự kiện do Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, Tạp chí Kinh tế Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tổ chức với chủ đề “Cải cách - kiến tạo kỷ nguyên tăng trưởng và thịnh vượng: giải pháp đột phá đạt mục tiêu tăng trưởng cao và phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới”.
Điểm lại những kết quả ấn tượng, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết, Việt Nam hoàn thành 15/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, với tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,09%. Quy mô nền kinh tế đạt 476,3 tỷ USD, xếp thứ 33 trên thế giới. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đạt 3,63%, thấp hơn mức 4% mà Quốc hội đề ra. Đặc biệt, kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2024 đạt khoảng 800 tỷ USD, với xuất siêu lên tới 24 tỷ USD, phá vỡ mọi kỷ lục trước đây - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc phát biểu tại diễn đàn
Năm 2024 cũng là năm thứ 4 liên tiếp thu ngân sách vượt dự toán. Tổng thu ngân sách đạt hơn 2.030 nghìn tỷ đồng, tăng 19,8% so với dự toán, tương ứng với thu vượt dự toán 336,5 nghìn tỷ đồng. Bội chi ngân sách duy trì ở mức dưới 4% GDP. Tỷ lệ hộ nghèo tiếp tục giảm thêm 1 điểm phần trăm, đưa tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước xuống còn 1,93%.
Trong lĩnh vực hạ tầng, năm 2024, nước ta đã hoàn thành xây dựng 2.021km đường cao tốc và đang chuẩn bị cho các dự án trọng điểm như đường sắt cao tốc Bắc - Nam, các tuyến đường sắt kết nối liên vùng, cùng với hệ thống cảng biển và sân bay hiện đại.
Theo Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, Chính phủ đang tập trung thực hiện 3 giải pháp đột phá được Đại hội XIII của Đảng đề ra, đó là hoàn thiện thể chế, xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực. Trong đó, về hoàn thiện thể chế, thời gian qua, đặc biệt là những tháng cuối năm 2024, đã hoàn thiện sửa đổi một số luật, 1 luật sửa 4 luật thuộc lĩnh vực đầu tư, 1 luật sửa 7 luật thuộc lĩnh vực tài chính để tháo gỡ “điểm nghẽn”, phát huy nguồn lực. Chính phủ đang tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật để tạo bước đột phá lớn hơn, mạnh hơn.
Năm 2025, Chính phủ bố trí nguồn vốn đầu tư công khoảng 800 nghìn tỷ đồng cho phát triển cơ sở hạ tầng, tập trung vào các công trình trọng điểm như đường cao tốc, sân bay Long Thành, chuẩn bị triển khai các dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam (khởi công năm 2027), các tuyến đường sắt cao tốc từ Trung Quốc nối về Hạ Long, Hải Phòng, Hà Nội… Không chỉ tập trung vào cơ sở hạ tầng về đường sá, bến cảng, mà còn phát triển cơ sở hạ tầng về điện (điện hạt nhân, năng lượng tái tạo), khu công nghiệp, khu kinh tế…
Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ tập trung thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW đột phá về khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo; tập trung triển khai các giải pháp thúc đẩy, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực một cách mạnh mẽ nhất, sát hợp nhất, theo kịp với nguồn nhân lực chất lượng cao của thế giới.
“Trong 3 đột phá này sẽ có hàm lượng đột phá về khoa học công nghệ. Liên quan đến làm chủ công nghệ là phải có nguồn nhân lực chất lượng cao, đột phá về mặt công nghệ là phải có chuyển giao công nghệ. Cần làm sâu sắc hơn vấn đề công nghệ và chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực cho công nghệ. Đây là giải pháp cốt lõi để làm thay đổi về bản chất của tăng trưởng trong thời gian tới”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Hiệu quả cải cách phải nhanh chóng lan tỏa tới mọi lĩnh vực
Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Tim Evans, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam cho biết, các khách hàng nước ngoài mà HSBC tiếp xúc đều nói có nhu cầu mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Lý do là Việt Nam có lợi thế về nguồn nhân lực, chính sách cởi mở cũng như vị trí địa lý thuận lợi. Việt Nam cũng có nhiều cam kết, hiệp định thương mại ký kết với đối tác nước ngoài. “Trong bối cảnh đó, Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút thêm đầu tư trực tiếp nước ngoài và đóng vai trò là trung tâm sản xuất. Theo tôi, Việt Nam đang trên đà trở thành ngôi sao đang lên của thương mại toàn cầu", ông Tim Evans chia sẻ.
Tương tự, ông Andrea Coppola, chuyên gia Kinh tế trưởng Quản lý chương trình Tăng trưởng công bằng, Tài chính và Thể chế của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Lào và Campuchia, cũng tin rằng triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2025 là tích cực. Theo ông, để duy trì đà tăng trưởng bền vững, Việt Nam cần tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm như con người, cơ sở hạ tầng và thể chế. Đầu tư vào nguồn nhân lực, cải thiện hệ thống giao thông và năng lượng sẽ giúp Việt Nam tăng khả năng cạnh tranh, đồng thời giảm thiểu tác động đến môi trường. Hiện đại hóa thể chế là chìa khóa để tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực tư nhân phát triển, đưa Việt Nam tiến gần hơn tới mục tiêu trở thành nền kinh tế thu nhập cao, ông Andrea Coppola nói.
Nhìn ở góc độ khác, ông Tim Evans, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam dự đoán, năm 2025 kinh tế thế giới vẫn chưa thể “sóng yên biển lặng” do những thách thức về xung đột địa chính trị, cú sốc về giá hậu đại dịch hay những thay đổi chính sách dưới chính quyền ông Donald Trump 2.0. Việc ông Donald Trump dự kiến sẽ áp thuế 60% đối với hàng hóa Trung Quốc và 10 - 20 % mức thuế đối với các nước khác, cùng với nguy cơ lạm phát sẽ tạo ra những thách thức lớn hơn cho thương mại toàn cầu so với trước đây. HSBC dự kiến lạm phát toàn cầu có thể đạt 3,3 - 3,4%. Dự báo đến năm 2025, tăng trưởng GDP toàn cầu có thể sẽ đạt 2,7%.
Trong bối cảnh đó, ông Chakraborty, chuyên gia của ADB khuyến nghị Việt Nam cần đẩy nhanh việc thực hiện các cải cách thể chế, đạt hiệu quả trong bộ máy hành chính, đưa ra các quyết định, thúc đẩy đầu tư công. “Hiệu quả những cải cách này cần phải nhanh chóng lan tỏa đến tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế để đạt được mức tăng trưởng như mục tiêu đã đề ra”, ông Shantanu Chakraborty nói.
Vũ Quang