Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha (trái) gặp Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio (phải) và Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lindsey Graham (giữa) tại Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 14/5/2025. Ảnh: X/Andrii Sybiha
Theo hãng tin Bloomberg, có mặt tại Thổ Nhĩ Kỳ, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đã lên tiếng hạ thấp kỳ vọng về cuộc đàm phán Nga - Ukraine dự kiến diễn ra vào ngày 16/5. Ông đánh giá khả năng đạt được tiến triển là rất thấp nếu như không có cuộc gặp của Tổng thống Nga Putin với Tổng thống Mỹ Trump.
Ông Rubio, người sẽ đến Istanbul vào ngày 16/5, dự kiến không tham gia cuộc đàm phán. Ông tuyên bố rằng một thành viên khác trong nhóm của Mỹ sẽ tham gia cuộc đàm phán "ở cấp độ phù hợp". Động thái này diễn ra sau khi phía Nga tuyên bố sẽ chỉ gửi các trợ lý "cấp thấp" tới tham dự. Thay vào đó, Ngoại trưởng Rubio sẽ gặp riêng với các đặc phái viên cấp cao của Ukraine và Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan.
"Thành thật mà nói, tôi không tin rằng chúng ta sẽ có bước đột phá ở đây cho đến khi Tổng thống Trump ngồi đối diện với Tổng thống Putin và xác định ý định tiếp theo của ông ấy là gì", ông Rubio nói với các phóng viên ở Antalya (Thổ Nhĩ Kỳ), sau cuộc họp của các Ngoại trưởng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại đây.
Bình luận của Ngoại trưởng Rubio gần như tương đồng với nội dung phát biểu của Tổng thống Trump đưa ra trước đó vào hôm 15/5. Ông Trump cho biết "sẽ không có gì xảy ra" cho đến khi ông gặp nhà lãnh đạo Nga.
Các nhà ngoại giao hàng đầu châu Âu tham dự cuộc họp của NATO vào hôm 15/5 đã thể hiện sự không thực sự hài lòng về quyết định chỉ cử phái đoàn "cấp thấp" của phía Nga.
Tuy vậy, Tổng thống Ukraine Zelensky cho biết vẫn chấp thuận cử một nhóm đàm phán do Bộ trưởng Quốc phòng Rustem Umerov dẫn đầu đến Istanbul để tiến hành thảo luận với phía Nga. Dù vậy, ông vẫn nói rằng phái đoàn của Nga chỉ mang tính hình thức.
Các cuộc họp của NATO trong ngày 15/5 dường như đã mang đến cho Mỹ và châu Âu một cơ hội thống nhất sự hợp tác về vấn đề Ukraine sau khi các nhà lãnh đạo châu Âu đưa ra tối hậu thư ngừng bắn cho Nga vào cuối tuần trước - điều mà Tổng thống Trump đã không công khai ủng hộ.
Sau cuộc gặp bên lề của một số bộ trưởng châu Âu với Ngoại trưởng Mỹ, Ngoại trưởng Italy Antonio Tajani cho biết cả Mỹ và châu Âu đã thống nhất quan điểm: "Tất cả chúng tôi đều hướng tới việc áp đặt lệnh trừng phạt để buộc (Tổng thống Nga) Putin phải đối mặt với vấn đề kinh tế".
Đến nay, trọng tâm của mọi sự chú ý không phải là cuộc đàm phán Nga - Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ mà lại đang đổ dồn vào thời điểm hai nhà lãnh đạo Trump và Putin có thể gặp nhau. Bên cạnh đó, dư luận đang đặt ra nghi vấn về khả năng Tổng thống Mỹ có lựa chọn đưa ra trừng phạt mới để buộc Tổng thống Nga phải ngồi vào bàn đàm phán hay không?
Ngoại trưởng Rubio cho biết các quyết định tiếp theo có thể sẽ phải đợi sau chuyến công du tới Trung Đông của Tổng thống Trump. Bất chấp việc từng đưa ra những lời đe dọa nhưng trong những ngày gần đây, ông Trump đã không đề cập đến các lệnh trừng phạt với Nga và Ngoại trưởng Rubio cũng không nói đến khả năng này.
Thượng nghị sĩ Lindsey Graham của đảng Cộng hòa cũng vừa mới có các cuộc gặp trực tiếp với các nhà ngoại giao châu Âu và Ukraine bên lề cuộc họp NATO. Trước đó, ông đã đề xuất một dự luật trừng phạt mới với tính chất nghiêm khắc hơn đối với Nga, cũng như áp thuế cao đối với các quốc gia mua dầu, khí đốt và các sản phẩm quan trọng khác của Nga nếu Tổng thống Putin không tham gia vào các cuộc đàm phán để chấm dứt cuộc chiến.
Các thượng nghị sĩ Mỹ hôm 15/5 cho biết rằng dự luật đã có gần 80 người lên tiếng ủng hộ, bao gồm cả thành viên đảng Cộng hòa và Dân chủ - một con số đó đủ để đảm bảo được thông qua tại Thượng viện.
Thượng nghị sĩ Roger Wicker, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện, cho biết các thượng nghị sĩ đang tìm kiếm tín hiệu từ chính quyền Tổng thống Trump về khả năng ký dự luật của ông Graham.
Cho đến nay, Moskva vẫn chưa đồng ý với đề xuất ngừng bắn của Mỹ - một đề xuất dường như giúp đóng băng xung đột theo các ranh giới hiện tại, công nhận bán đảo Crimea ở Biển Đen thuộc quyền kiểm soát của Nga và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ. Đổi lại, Ukraine sẽ nhận được sự đảm bảo an ninh mạnh mẽ và quyền phát triển quân đội riêng, theo như nội dung Bloomberg đã đưa tin trước đó.
Theo một nguồn thạo tin, Mỹ đã bổ sung thêm các chi tiết mới vào các đề xuất đối với Nga, bao gồm việc khôi phục các cuộc đàm phán an ninh theo khuôn khổ Hội đồng NATO - Nga. Diễn đàn hợp tác này về cơ bản đã bị gián đoạn sau khi Nga tiến hành chiến dịch "quân sự đặc biệt" vào năm 2022.
Nhiều nhà phân tích nhận định vào thời điểm hiện nay, nhà lãnh đạo Nga đang tỏ ra ít có khuynh hướng đàm phán khi mà quân đội Nga vẫn duy trì đà tiến chậm nhưng ổn định trên chiến trường. Trong khi đó, Ukraine dường như đang dần cạn kiệt nguồn cung vũ khí và đạn dược - nhất là khi chính quyền Tổng thống Trump vẫn đang chần chừ gửi thêm viện trợ. Bên cạnh đó, quân đội Ukraine cũng đang khá chật vật trong việc tuyển bổ sung quân vào một cuộc chiến tiêu hao nhiều nhân lực.
TH/Báo Tin tức và Dân tộc