Thị trường nội địa được kỳ vọng sẽ là động lực tăng trưởng chính của Tập đoàn Hoa Sen trong niên độ 2025 khi kênh xuất khẩu đối mặt nhiều rủi ro từ các biện pháp phòng vệ thương mại.
Kết thúc quý 4 niên độ tài chính 2024 (tương đương quý 3/2024), sản lượng tiêu thụ thép của Tập đoàn Hoa Sen (mã cổ phiếu HSG - sàn HoSE) tăng 28%, đạt 499.000 tấn, cao hơn mức tăng 25% của toàn ngành.
Sản lượng xuất khẩu và sản lượng tiêu thụ nội địa của tập đoàn này trong quý lần lượt đạt 237.000 tấn và 262.000 tấn, lần lượt tăng 32% và 24% so với cùng kỳ niên độ 2023. Con số này cũng cho thấy công suất hoạt động tại các nhà máy của Tập đoàn Hoa Sen đã đạt 83%, cải thiện đáng kể so với mức 64% của cùng kỳ niên độ 2023.
Tuy nhiên, tập đoàn này gây bất ngờ khi ghi nhận mức lỗ ròng 186 tỷ đồng, chủ yếu do giá bán bình quân trong quý đã giảm 2,5% so với quý 4 niên độ 2023 và giảm tới 12,3% so với quý 3 niên độ 2024 trong bối cảnh giá thép toàn cầu giảm. Ngoài ra, Tập đoàn Hoa Sen còn phải trích lập dự phòng hàng tồn kho tới 122 tỷ đồng, tương đương 1,2% tổng doanh thu trong quý.
Tính chung cả niên độ 2024, Tập đoàn Hoa Sen ghi nhận 510 tỷ đồng lãi ròng, cao gấp 17 lần so với niên độ trước, và vượt mức 400 - 500 tỷ đồng theo kế hoạch được Đại hội đồng cổ đông giao.
Bước sang niên độ 2025, theo dự báo mới nhất của SSI Research, sản lượng tiêu thụ của Tập đoàn Hoa Sen sẽ tăng 2%, đạt 2 triệu tấn với động lực chính đến từ kênh nội địa khi thị trường bất động sản khởi sắc trở lại và giải ngân đầu tư công tăng tốc.
Trong khi đó, sản lượng xuất khẩu dự kiến sẽ đi ngang sau khi ghi nhận mức tăng mạnh tới 51% trong niên độ vừa qua. Nguyên nhân chủ yếu do các quốc gia đang có xu hướng gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm thép.
Điển hình, Bộ Thương mại Mỹ vừa khởi xướng điều tra “kép” về chống bán phá giá và chống trợ cấp thép chống ăn mòn (CORE) nhập khẩu từ Việt Nam và một số quốc gia khác. Mỹ hiện là một trong những thị trường quan trọng của ngành thép Việt Nam, chiếm 14,5% sản lượng xuất khẩu toàn ngành trong 9 tháng đầu năm 2024.
Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu HSG của Tập đoàn Hoa Sen từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)
Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp của Tập đoàn Hoa Sen được nhận định sẽ cải thiện lên mức 11,6% trong niên độ 2025 nhờ giá thép ổn định hơn, nhất là khi giá thép tại Trung Quốc đã thoát đáy khi nước này đẩy mạnh các biện pháp kích thích kinh tế. Theo đó SSI Research dự báo lãi ròng niên độ 2025 của Tập đoàn Hoa Sen đạt 699 tỷ đồng, tăng 37% so với niên độ vừa qua.
Nhìn về trung hạn, SSI Research lưu ý, Tập đoàn Hoa Sen đang chịu áp lực cạnh tranh lớn hơn khi các doanh nghiệp tôn mạ trong nước tăng công suất với tổng mức tăng thêm tương đương 14% công suất toàn ngành hiện nay.
Trong đó, Thép Việt Pháp đã khởi công nhà máy tôn mạ thứ hai vào tháng 11/2024 với vốn đầu tư 45 triệu USD và công suất 350.000 tấn/năm. Thép Nam Kim và Tôn Đông Á cũng đang lên kế hoạch huy động vốn để triển khai nhà máy mới với tổng công suất 800.000 tấn/năm.
Đồng thời, SSI Research đánh giá mặc dù có thể ghi nhận mức tăng trưởng cao trong niên độ 2025, dự phóng mức P/E và EV/EBITDA đối với cổ phiếu HSG của Tập đoàn Hoa Sen đã ở mức cao, lần lượt là 16,6x và 7,1x. Do đó triển vọng lợi nhuận tích cực đã được phản ánh vào giá cổ phiếu này.
Duy Quang