Đại Nam Thái y viện bắt mạch cho du khách
Một con số khiến không ít người bất ngờ trước nhu cầu chữa bệnh quá lớn của người Việt, cũng là một trăn trở, vì sao dân ta lại chuộng dịch vụ khám, chữa bệnh ở nước ngoài? Đồng thời với trăn trở, thực tế này lại gợi mở về một tiềm năng cực lớn của Việt Nam. Đó là thu hút du lịch từ dịch vụ y tế chất lượng cao, kéo hàng tỷ USD thất thoát mỗi năm trở về và kéo dòng chảy chi tiêu bên ngoài đổ vào dịch vụ y tế, cùng dòng khách du lịch.
Mới đây nhất, câu chuyện lại nóng lên, khi cuối tháng 5 vừa qua, Bệnh viện Từ Dũ và Nhi đồng 1 (TP. Hồ Chí Minh) đã nỗ lực can thiệp bào thai, cứu sống thai nhi 22 tuần, nặng 600g, bị dị tật tim bẩm sinh phức tạp của một phụ nữ người Singapore.
Sự kiện đã gây tiếng vang lớn. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho rằng, thành công của ca can thiệp y khoa này không chỉ mở ra cơ hội sống cho một sinh linh mà còn đánh dấu một cột mốc quan trọng, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới, góp phần đưa Việt Nam trở thành trung tâm chuyên sâu của y học bào thai và y học cá thể tại Đông Nam Á và châu Á. Đây cũng được cho là bước khởi đầu góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển ngành du lịch y tế chất lượng cao của Việt Nam.
Du lịch y tế (medical tourism) là hoạt động khám, chữa bệnh, phẫu thuật, điều trị y khoa, kết hợp du lịch, đang được các nước châu Á đặc biệt chú ý.
Năm 2023, du lịch Thái Lan đón hơn 3 triệu lượt khách chữa bệnh, tạo doanh thu hơn 850 triệu USD. Singapore cũng đang đặt mục tiêu thu hút 1 triệu bệnh nhân với doanh thu 3 tỷ USD mỗi năm. Năm 2023, Ấn Độ đón 2 triệu bệnh nhân quốc tế, doanh thu đạt khoảng 6 tỷ USD trong khi Ấn Độ phấn đấu nâng doanh thu từ du lịch y tế lên 13 tỷ USD vào năm 2026.
Chỉ trong giai đoạn 2022 - 2023, du lịch y tế/chăm sóc sức khỏe tại châu Á đã tăng trưởng ấn tượng, đạt tổng giá trị hơn 41 tỷ USD. Đến năm 2024, con số này đã tăng lên 58 tỷ USD và được kỳ vọng sẽ cán mốc 64 tỷ USD vào năm 2025.
Với Việt Nam, 5 năm trở lại đây, du lịch y tế đã được để mắt, với nhiều tour như kết hợp trị liệu cổ truyền với du lịch sinh thái; dịch vụ nha khoa và ẩm thực truyền thống; phẫu thuật thẩm mỹ; chăm sóc sức khỏe tổng quát; tư vấn dinh dưỡng; tầm soát bệnh lý (ung thư, tim mạch, tiểu đường…). Hiện, TP. Hồ Chí Minh đang dẫn đầu về lĩnh vực du lịch y tế với 40 % thị phần của cả nước. Với đà tăng trưởng như hiện nay, dự báo Việt Nam có thể đạt doanh thu khoảng 2 tỷ USD mỗi năm từ du lịch chăm sóc sức khỏe.
Đối với Huế, cùng với du lịch văn hóa - di sản, du lịch biển hay du lịch tâm linh…, du lịch chăm sóc sức khỏe được xác định là một trong những thế mạnh. Một thế mạnh dễ dàng nhìn thấy với thương hiệu Bệnh viện Trung ương Huế 130 năm, là một trong 4 bệnh viện được Bộ Y tế xếp cấp chuyên sâu kỹ thuật cao của cả nước. Đây là đơn vị đi đầu trong triển khai các kỹ thuật cao với gần 2.100 ca ghép tạng đã được thực hiện thành công, đưa Việt Nam có tên trên bản đồ ghép tim trên thế giới và đứng đầu cả nước về số ca ghép tạng xuyên Việt, cùng đội ngũ y, bác sĩ gần 2.000 người, trong đó có hơn 200 giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp II…
Huế cũng có các tiềm năng khác về du lịch chăm sóc sức khỏe với 7 địa điểm nước khoáng nóng tự nhiên và nổi danh với di sản y dược cung đình Triều Nguyễn đang được ứng dụng cùng hệ sinh thái thiên nhiên phong phú. Các sản phẩm du lịch sức khỏe khác như Yoga trên sông Hương; du lịch chậm gắn với thiền trà; ẩm thực thảo dược…cũng đang từng bước hình thành.
Với xu thế như hiện nay, câu hỏi đặt ra là cần chiến lược đầu tư như thế nào để thế mạmh du lịch y tế của Huế có thể đem lại nguồn thu “tỷ đô” trong tương lai - một ngành dịch vụ gắn với 100 triệu dân, chưa kể đối tượng Việt kiều và các thị trường bao gồm các nước lân cận trong khu vực.
Nhật Nguyên