Cảnh sát giao thông kiểm tra, xử lý một trường hợp xe khách có dấu hiệu vi phạm trên đường Giải Phóng. Ảnh: Thái An
Xe khách đi chậm để bắt khách
Thời điểm này bắt đầu đợt cao điểm đi lại của người dân dịp trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhu cầu đi lại bằng xe khách vì thế có xu hướng tăng. Trên các trục đường cửa ngõ phía Nam Hà Nội, lượng người đổ đến Bến xe Giáp Bát, Bến xe Mỹ Đình, Bến xe Nước Ngầm để về quê đã bắt đầu đông đúc. Tình trạng xe khách “rùa bò”, đi chậm để bắt khách dọc đường cũng có xu hướng tăng, hễ vắng bóng Cảnh sát giao thông là tình trạng này tái diễn...
Một số xe khách liên tỉnh chạy tuyến Thái Bình, Nam Định… sau khi rời bến thường di chuyển rất chậm để đón khách bên đường. Tình trạng xe khách chạy với tốc độ “rùa bò” trên đường Giải Phóng và tuyến giao thông hướng về cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, đoạn qua phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai…
Theo ghi nhận sáng ngày 22/1, chỉ trong khoảng 30 phút, tại khu vực đường Giải Phóng gần Bến xe Giáp Bát (phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai) ước tính có đến gần 30 trường hợp vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông tại khu vực này. Đáng nói hơn, tại điểm tiếp nối giữa phố Trần Thủ Độ với đường Pháp Vân, đường Chu Văn An, Nguyễn Xiển... hằng ngày còn xuất hiện tình trạng xe “dù”, bến “cóc”, tự do dừng, đỗ phương tiện đón, trả khách.
Tình trạng xe khách dừng đỗ đến đón khách và nhận, trả hàng vẫn diễn ra thường xuyên tại các khu vực gần bến xe. Ảnh: Thái An
Hàng giờ, nhiều xe khách đi rất chậm hoặc dừng đỗ đón khách trên đoạn đường thường xuyên tắc từ Bến xe Nước Ngầm ra nút giao cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Mặc dù khu vực này có nhiều camera giám sát giao thông và lực lượng chức năng túc trực nhưng cũng không làm cho các tài xế xe khách sợ… phạt.
Mặt đường liên tục bị thu hẹp do xe khách đi chậm đón khách là nguyên nhân chính khiến các tuyến đường giao thông này thường xuyên xảy ra ùn tắc, mất an toàn trong giờ cao điểm.
Đặc biệt, tại khu vực gần Bến xe Giáp Bát, Mỹ Đình, Nước Ngầm nhiều hành khách vẫn không vào bến xe mà đứng chờ xe ở phía đường đối diện hoặc gần đó.
Chị Đàm Thị Loan (34 tuổi, quê Nam Định, hành khách bắt xe tại tuyến đường Giải Phóng, gần khu vực Bến xe Giáp Bát) cho hay: “Khi vào bến có nhiều xe ôm, các hãng xe chèo kéo nên tâm lý tôi không muốn vào bến. Chỉ cần gọi đến nhà xe mà tôi hay đi và hẹn điểm đón là được”.
Tương tự, anh Phạm Văn Cấp (hành khách bắt xe tại khu vực Bến xe Mỹ Đình) chia sẻ: “Khi vào bến xe, sau khi mua vé phải mất 15 - 30 phút mới có chuyến xe đi về Thanh Hóa, do vậy tôi thà chờ ở ngoài đường, gặp xe nào bắt xe đó để về nhanh hơn”.
Một số tài xế xe khách than thở, do khách không vào bến, nên nhiều nhà xe vì “miếng cơm manh áo” phải bắt khách dọc đường. Tình trạng xe dù bến cóc trên địa bàn Hà Nội nhiều, người dân với tâm lý “tiện lợi” nên đã chọn di chuyển bằng các phương tiện khác như xe limousine, xe ghép… dẫn đến tình trạng bến xe vắng khách.
“Hiện nay các xe hoạt động tại bến xe nhưng rất vắng khách. Vì vậy khi các xe từ bến ra các tuyến đường thường đi chậm để bắt khách và chở các kiện hàng dọc đường để lấy thêm tiền xăng, dầu. Đây cũng là một lý do dẫn tới việc xe khách bất chấp dừng đỗ đón khách không đúng quy định. Đối với doanh nghiệp, hành khách không vào bến mà chỉ đứng ở đường đón xe cũng rất khó khăn. Bởi xe không thể không có khách được. Còn thiếu vắng những điểm đón trả khách an toàn được Sở GTVT Hà Nội cấp phép”, một tài xế xe khách nêu quan điểm.
Chế tài chưa đủ sức răn đe...
Trước tình trạng bến xe vắng khách, ông Nguyễn Hoàng Tùng, Giám đốc Bến xe Giáp Bát cho rằng đây cũng là vấn đề mà đơn vị trăn trở bấy lâu nay. "Nhằm kích cầu người dân vào bến đi xe, đơn vị quản lý Bến xe Giáp Bát đã nâng cao chất lượng phục vụ, tuyên truyền cho người dân vào bến mua vé để tránh rủi ro. Ngoài ra thực hiện kí bản cam kết với các nhà xe không được bắt khách dọc đường, nếu vi phạm và được người dân phản ánh, chúng tôi sẽ xử lý triệt để", ông Nguyễn Hoàng Tùng cho biết.
Trung tá Trần Tú Anh, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 14, (Phòng CSGT - CATP Hà Nội) cho biết, qua điều tra nhận thấy, đoạn đường từ Bến xe Giáp Bát đến khu vực khu dân cư Quốc Bảo, huyện Thanh Trì trên đường Giải Phóng, lái xe xuất bến thường cố tình chạy chậm đón khách và theo chiều ngược lại, khi chuẩn bị vào bến vẫn còn hiện tượng trả khách trên đường… nên khi làm nhiệm vụ, Cảnh sát giao thông chủ động ghi hình ảnh vi phạm để làm bằng chứng xử lý.
Theo trung tá Nguyễn Anh Tuấn, xe bắt khách dọc đường đã tồn tại rất lâu, đã có rất nhiều nhà xe bị xử phạt. Tuy nhiên hiện nay tình trạng này vẫn xảy ra bởi chế tài chưa đủ sức răn đe. Theo đó, chế tài xử phạt các hành vi dừng đỗ, chạy dưới tốc độ tối thiểu, đón trả khách không đúng nơi quy định còn thấp. Tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP sửa đổi bổ sung theo nghị định 123/2021 có mức phạt từ 500.000 đồng - 1,5 triệu đồng đối với mỗi hành vi vi phạm, nhiều nhà xe chấp nhận đóng phạt khi bị Cảnh sát giao thông xử lý.
Tiếp đó, công tác quản lý hoạt động vận tải hành khách, nòng cốt là Sở GTVT (Phòng Vận tải các địa phương) còn nhiều hạn chế. Cụ thể tại Điều 12, Nghị định số 10/2020, Điều 9, Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT quy định về thiết bị giám sát hành trình của phương tiện được kết nối về hệ thống dữ liệu giám sát hành trình của Tổng Cục đường bộ và thông tin dữ liệu từ camera lắp đặt trên phương tiện cung cấp cho phía cơ quan chức năng để quản lý, kiểm tra, xử lý... Tuy nhiên những công tác nêu trên vẫn còn hạn chế, không thực hiện hiệu quả.
Phòng Cảnh sát giao thông CATP Hà Nội cho biết sẽ tăng cường kiểm soát các vi phạm liên quan đến xe khách dừng đỗ, đón trả khách sai quy định gây ùn tắc giao thông. Đồng thời, qua trích xuất camera giám sát hành trình, lực lượng chức năng sẽ xử nghiêm các vi phạm khác của tài xế trong quá trình cầm lái như không thắt dây an toàn, sử dụng điện thoại...
Việc tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các nhà xe kiểm tra điều kiện phương tiện tại các Bến xe Giáp Bát, Nước Ngầm không chỉ góp phần giảm thiểu vi phạm mà còn nâng cao ý thức chấp hành của các doanh nghiệp vận tải và tài xế, từ đó bảo đảm an toàn giao thông cho người dân trong dịp Tết.
Thái An