Dùng hạt nêm làm thuốc diệt cỏ giả
Cụ thể, Công an tỉnh Quảng Ninh vừa khởi tố ba đối tượng gồm: Phạm Thu Thảo (SN 1991, trú tại phường Việt Hưng, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh); Nguyễn Văn Thủy (SN 1994, trú tại thôn Bãi Sim, xã Tân Hưng, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang); Nguyễn Hoàng Sơn (SN 2001, trú tại thôn Trúc Cầu, xã Nghĩa Dân, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên) về hành vi “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc bảo vệ thực vật”, theo quy định tại khoản 2, Điều 195 Bộ luật Hình sự.
Các đối tượng phát hiện thuốc thật giống hạt nêm nên mua hạt nêm về pha trộn để bán.
Trước đó, vào hồi 15h ngày 18/4/2025, Phòng Cảnh sát kinh tế phối hợp với Công an phường Việt Hưng kiểm tra nơi ở của Phạm Thu Thảo.
Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện và thu giữ: 6 bao tải hạt nêm nhãn hiệu Arion do Công ty TNHH Thực phẩm Star food Việt Nam sản xuất; 1 máy hàn túi nilon bằng nhiệt; 2.350 gói và 5.600 vỏ gói thuốc trừ cỏ mang nhãn hiệu BIOGLY88.8SP của Công ty TNHH Nông Sinh cùng nhiều tang vật liên quan khác.
Kiểm tra chiếc xe ô tô mang biển kiểm soát 14A-409.24 đỗ trong sân nhà Thảo, lực lượng chức năng phát hiện thêm 1.655 gói thuốc trừ cỏ mang nhãn hiệu BIOGLY88.8SP chuẩn bị mang đi tiêu thụ.
Tại thời điểm kiểm tra, các đối tượng không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, đồng thời tự nguyện giao nộp thêm 280 gói thuốc trừ cỏ giả, 14 bao tải dứa chứa hạt nêm Arion, 5.200 vỏ gói thuốc trừ cỏ giả cùng nhiều vật chứng khác đang cất giấu tại nhà cậu ruột Thảo, sát bên cạnh.
Qua đấu tranh, Nguyễn Văn Thủy khai nhận đã cùng đồng bọn sản xuất khoảng 60.000 gói thuốc trừ cỏ giả, thu lợi bất chính gần 600 triệu đồng.
Ba đối tượng sản xuất thuốc diệt cỏ giả đã sản xuất khoảng 60.000 gói sản phẩm - Ảnh: CAQN
Để làm giả, Thủy lên mạng xã hội Facebook đặt mua 80.000 vỏ bao thuốc diệt cỏ nhãn hiệu “BIOGLY88.8SP” với giá 100 triệu đồng, đồng thời mua 10 gói mẫu thuốc chính hãng để học quy cách đóng gói và thành phần.
Phát hiện thuốc thật chứa các hạt nhỏ màu vàng giống hạt nêm, Thủy và Thảo quyết định dùng hạt nêm nhãn hiệu ARION (giá 370.000 đồng/bao 20kg) để giả làm hoạt chất, sau đó tổ chức đóng gói tại nhà Thảo và cất trữ tại nhà cậu ruột của Thảo.
Để tiêu thụ hàng giả, Thủy và Thảo lập hai trang fanpage Facebook có tên “Trừ Cỏ Lưu Dẫn Biogly 888” và “Diệt Cỏ Tận Gốc biogly88” để quảng cáo và bán hàng. Hai đối tượng đã chi tổng cộng 134.365.000 đồng để chạy quảng cáo trên mạng xã hội, tiếp cận khách hàng trên phạm vi toàn quốc.
Theo kết quả xác minh, từ ngày 21/2 đến 17/4/2025, ba đối tượng đã bán ra 62.455 gói thuốc diệt cỏ giả tới hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước. Tổng số hàng giả sản xuất được lên đến hơn 66.000 gói, mang về lợi nhuận gần 600 triệu đồng.
Dùng vỏ trấu, cám, gạo sản xuất thuốc chuột giả, nước pha với hóa chất tạo thuốc bảo vệ thực vật giả
Ngày 18/4, Công an tỉnh Bắc Giangđã phối hợp triệt phá đường dây sản xuất thuốc bảo vệ thực vật giả có quy mô lớn trên địa bàn.
Lực lượng chức năng thu giữ gần 7,2 nghìn thành phẩm sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật; khoảng 20 nghìn tem nhãn các loại; gần 1 nghìn chai nhựa; 300 kg nguyên liệu gồm nắp nhựa, màng siu, thùng nhựa chứa dung dịch chất lỏng cùng nhiều máy móc, dụng cụ sản xuất thuốc bảo vệ thực vật giả.
Trước đó, qua công tác nắm tình hình trên địa bàn, tổ công tác thuộc Phòng Cảnh sát kinh tế chủ trì, phối hợp với Công an xã Tân Hưng và Đội Quản lý thị trường số 3 (Chi Cục Quản lý thị trường, Sở Công Thương Bắc Giang) kiểm tra, bắt quả tang Nguyễn Văn Vĩnh đang sản xuất thuốc bảo vệ thực vật giả các loại tại nhà riêng của đối tượng tại thôn Bãi Sim. Đồng phạm với Vĩnh còn có Nguyễn Văn Chung, SN 1982 và Nguyễn Thị Huyền, SN 1990 cùng ở thôn Bãi Sim.
Lực lượng chức năng kiểm tra, phân loại thuốc bảo vệ thực vật giả - Ảnh: CABG
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng thu giữ gần 7,2 nghìn thành phẩm sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật; khoảng 20 nghìn chiếc tem nhãn các loại; gần 1 nghìn chai nhựa; 300 kg nguyên liệu gồm nắp nhựa, màng siu, thùng nhựa chứa dung dịch chất lỏng cùng nhiều máy móc, dụng cụ sản xuất thuốc bảo vệ thực vật giả.
Quá trình đấu tranh, Nguyễn Văn Vĩnh khai nhận đã lên mạng Internet để tìm hiểu một số mặt hàng thuốc bảo vệ thực vật đang được thị trường tiêu thụ lớn như Newfosinate 150SL Thiên Lôi, Incipio 200SC, Yapoko 250SC Top 1… sau đó đặt in tem nhãn, bao bì giả của các sản phẩm này. Vĩnh còn mua nhiều máy móc, nguyên liệu, công cụ, vỏ chai lọ… để phục vụ việc sản xuất và thuê người làm tại nhà riêng.
Nguyên liệu chủ yếu Vĩnh dùng để sản xuất thuốc bảo vệ thực vật giả là nước pha với phẩm màu, bột tạo độ sánh, sơn. Đối với các sản phẩm thuốc diệt chuột, Vĩnh sử dụng thành phần chủ yếu là vỏ trấu, gạo, cám. Toàn bộ sản phẩm đều không có hoạt chất dùng làm thuốc bảo vệ thực vật, không có công dụng trong bảo vệ cây trồng khỏi sâu bệnh, diệt cỏ, diệt côn trùng…
Tính từ cuối năm 2024 đến nay, đối tượng Vĩnh đã bán 10,7 nghìn đơn hàng cho khách hàng tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Doanh thu ước hơn 5 tỷ đồng.
Nguyễn Duy Trung