Triệt phá nhiều đường dây làm giả giấy tờ từ Campuchia

Triệt phá nhiều đường dây làm giả giấy tờ từ Campuchia
11 giờ trướcBài gốc
Các đối tượng móc nối làm giấy tờ giả đưa về Việt Nam tiêu thụ
Cuối tháng 1/2025 vừa qua, Công an TP Hồ Chí Minh liên tục triệt phá hai đường dây làm giả giấy tờ như bằng cấp, giấy đăng ký quyền sử dụng đất, bằng lái, bắt tạm giam 12 bị can để phục vụ việc điều tra làm rõ các đường dây tội phạm này…
Nguyễn Văn Dô cùng đồng phạm bị khởi tố, bắt tạm giam.
Vào lúc 17h30 ngày 13/1/2025, Phòng CSHS Công an TP Hồ Chí Minh phối hợp Công an xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, kiểm tra hành chính trước nhà số A6/36C ấp 5, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh. Qua đó, Công an phát hiện Nguyễn Văn Dô (sinh năm 1989; thường trú xã Trường Thắng, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) đang giao một bao tải bên trong chứa 40 hộp giấy chứa nhiều tài liệu, giấy tờ cho tài xế giao hàng để đưa đến bưu cục giao cho khách đặt. Kết quả giám định các tài liệu này đều là giả.
Nguyễn Văn Dô khai nhận trong căn nhà thuê trên chứa nhiều tài liệu giả mà Dô đã đóng gói, phân loại bỏ vào 7 bao tải chuẩn bị mang đem giao. Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an TP Hồ Chí Minh đã tiến hành thu giữ 7 bao tải trên, bên trong chứa 263 bìa hồ sơ chứa giấy tờ giả.
Kết quả điều tra xác định, các đối tượng trên móc nối với các đối tượng ở Campuchia để thực hiện hành vi làm giả tài liệu rồi vận chuyển qua Việt Nam bằng đường tiểu ngạch, qua đường vận chuyển từ các nhà xe khách, nhân viên giao hàng rồi đến các bưu cục giao đến khách đặt.
Các đối tượng bắt đầu hoạt động làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức khoảng từ tháng 6/2024 cho đến nay. Qua điều tra mở rộng, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh đã thu giữ nhiều bộ hồ sơ bên trong chứa khoảng 900 giấy tờ, tài liệu giả các loại như: căn cước công dân, bằng cấp, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép lái xe... Quá trình hoạt động các đối tượng được hưởng lợi khoảng 20 triệu đồng/tháng từ các đối tượng cầm đầu.
Giấy tờ giả các loại được nhóm của Dô đóng gói sẵn, chờ chuyển đi cho người đặt.
Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh cũng đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Ngọc Ẩn (sinh năm 1996; thường trú huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) cùng 4 bị can khác về tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” vào gần như cùng thời điểm trên.
Cụ thể, vào lúc 9h ngày 16/12/2024, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hồ Chí Minh phối hợp với Công an phường Bình Thuận, quận 7 tiến hành kiểm tra tại phòng số 5, nhà trọ số 300/23/25/1 Nguyễn Văn Linh, phường Bình Thuận, quận 7, phát hiện Nguyễn Ngọc Ẩn đang đóng gói để giao các loại giấy tờ làm giả.
Khám xét khẩn cấp phòng số 5, nhà trọ số 300/23/25/1 Nguyễn Văn Linh (nơi ở của Nguyễn Ngọc Ẩn), Cơ quan Công an phát hiện, tạm giữ 194 bộ giấy tờ. Kết quả giám định các tài liệu trên đều là giả.
Mở rộng điều tra, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh đã bắt giữ 4 đối tượng có hành vi làm giả tài liệu và giúp sức trong việc giao nhận giấy tờ giả cho Ẩn. Qua khám xét, Công an thu giữ nhiều công cụ, phương tiện mà các đối tượng đã sử dụng để làm giả tài liệu. Kết quả điều tra xác định, các đối tượng trên móc nối với các đối tượng (chưa rõ lai lịch) liên hệ qua mạng xã hội Telegram để làm và nhận giấy tờ giả qua đường vận chuyển từ các nhà xe khách, nhân viên giao hàng rồi gửi đến các bưu cục giao đến khách đặt.
Qua điều tra mở rộng, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh đã thu giữ nhiều bộ hồ sơ bên trong chứa khoảng 260 giấy tờ, tài liệu giả các loại như: căn cước công dân, bằng cấp, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép lái xe...
Đáng nói, trước đó, vào cuối năm 2024, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hồ Chí Minh cũng đã phát hiện đường dây làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức từ Campuchia về TP Hồ Chí Minh. Sau đó, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh đã bắt giữ khẩn cấp Nguyễn Hữu Thế (sinh năm 1996, quê Trà Vinh), Nguyễn Hữu Thân (anh trai Thế), Phạm Thanh Linh (sinh năm 2001) và Nguyễn Quốc Kiệt (sinh năm 1999) để điều tra hành vi làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Kết quả điều tra, Cơ quan Công an xác định, hai anh em Thế, Thân nhận các loại giấy tờ giả từ Campuchia đưa về Việt Nam rồi giao cho khách theo danh sách có sẵn. Thân đã thuê căn nhà số 9 Tân Túc làm nơi tập kết “hàng hóa”, đóng gói giấy tờ giả thành bưu phẩm bên trong chứa tài liệu giả kèm theo quần áo cũ nhằm ngụy trang, đối phó với lực lượng chức năng. Sau đó, Thân chỉ đạo Tiền Thị Tuyết Ngân (sinh năm 2001; vợ của Phạm Thanh Linh), Linh và Kiệt đặt giao hàng qua các ứng dụng cho bưu cục để chuyển cho khách hàng bằng dịch vụ có thu hộ tiền (COD)…
Đáng nói, cũng gần trùng thời điểm trên, Cơ quan CSĐT Công an huyện Bình Chánh cũng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phan Mạnh Duy (sinh năm 1992, ngụ quận Gò Vấp) cùng 6 người khác về tội danh “Sử dụng, làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
Đường dây chuyên làm giả các loại giấy tờ chữ ký, con dấu của các cơ quan, tổ chức do Phan Mạnh Duy cầm đầu. Ngoài Duy, Cơ quan Công an triệu tập một số đối tượng khác, trong đó có Nguyễn Hoàng Huyền Trang (sinh năm 1994, ngụ tỉnh Long An, nhân viên ngân hàng), Trần Nguyễn Thanh Huy (sinh năm 1990, ngụ tỉnh Khánh Hòa, nhân viên ngân hàng), Trần Văn Diệp (sinh năm 1982, nhân viên ngân hàng).
Duy khai nhận từ năm 2020, với sự giúp sức của một số đối tượng, anh ta bắt đầu làm giả các con dấu, tài liệu của các cơ quan, tổ chức như: Đơn xác nhận kinh doanh, giấy xác nhận cư trú, sao kê tài khoản ngân hàng, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, sao y bản chính các giấy tờ, giấy tất toán tài khoản ngân hàng để bán cho người có nhu cầu…
Các bị can là nhân viên ngân hàng khai do thấy nhiều khách hàng vay vốn, nhưng không có giấy đăng ký tạm trú cũng như các giấy tờ khác nên họ đã mua giấy tờ giả của Duy nhằm bổ túc hồ sơ vay vốn cho khách hàng, hoặc bán lại cho người khác nhằm hưởng lợi bất chính.
Khám xét nơi ở của Duy, cơ quan chức năng thu giữ máy móc, thiết bị sử dụng để làm giấy tờ giả cùng hơn 1.700 con dấu tròn giả các cơ quan, tổ chức. Qua trích xuất dữ liệu máy tính của bị can, Công an thu được hơn 12.000 tài liệu có liên quan, trong đó có khoảng 2.000 tài liệu giả đã được các đối tượng sản xuất, và bán ra ngoài…
Nhiều hệ lụy xấu cho xã hội
Từ các vụ việc điển hình kể trên, Thiếu tá Võ Ngọc Toản, giảng viên Trường Đại học An ninh nhân dân (Bộ Công an) cho biết, với sự phát triển mạnh mẽ, không giới hạn của mạng xã hội; nhu cầu làm các bằng cấp, giấy tờ tùy thân cá nhân ngày càng nhiều, thời gian qua, vấn đề làm giấy tờ giả ở nước ngoài, trong đó nhiều nhất là ở Campuchia, sau đó đưa về TP Hồ Chí Minh tiêu thụ đã và đang là vấn đề nổi cộm.
Đây là một trong những loại tội phạm có liên quan chặt chẽ đến các tội phạm, tổ chức tội phạm công nghệ cao, chúng tìm mọi cách khai thác dữ liệu cá nhân bị lộ, lọt trên không gian mạng, nắm bắt nhu cầu cũng như tâm lý của một lượng không nhỏ “khách hàng” trên mạng xã hội về các giấy tờ tùy thân như căn cước, giấy đăng ký điều khiển phương tiện giao thông, bằng cấp, chứng chỉ các loại…
Công cụ, phương tiện mà Nguyễn Ngọc Ẩn cùng các đối tượng đã sử dụng để làm giả tài liệu.
Các đối tượng lập ra các tài khoản trên mạng xã hội Facebook, Telegram, TikTok để công khai rao bán hàng ngàn gigabyte data cá nhân, cơ quan, tổ chức, mạo danh các cơ quan quản lý nhà nước làm giả con dấu lừa đảo những “khách hàng” trên mạng. Đặc biệt, các hoạt động này được thực hiện trên mạng xã hội bởi những đối tượng đang ở ngoài lãnh thổ, việc vận chuyển các giấy tờ giả được thực hiện tinh vi bằng cách ngụy trang dưới dạng hàng hóa. Thực tế này đã và đang gây ra nhiều hệ lụy đối với xã hội, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước; việc kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn, xử lý của các lực lượng chức năng bị hạn chế.
Trao đổi về vấn đề này, luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, cho biết qua một số vụ án Công an TP Hồ Chí Minh mới khởi tố và bắt giữ nhiều đối tượng có hành vi làm giả giấy tờ, tài liệu gần đây, ông nhận thấy đây là các nhóm tội phạm xuyên quốc gia, rất nguy hiểm, có tổ chức, có tính chuyên nghiệp, gây ra rất nhiều khó khăn cho cơ quan điều tra.
Theo luật sư Trần Minh Hùng, những giấy tờ, tài liệu bị làm giả như căn cước công dân, bằng cấp, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, đất ở, giấy xác nhận, các hồ sơ liên quan nếu được dùng trong các giao dịch sẽ rất nguy hiểm cho xã hội, để lại rất nhiều hậu quả cho xã hội hoặc các tranh chấp phát sinh liên quan đến việc dùng các tài liệu giả.
Các đối tượng trong nước đã móc nối với các đối tượng bên Campuchia để đặt các nhóm đối tượng bên Campuchia in ấn, làm các hồ sơ, tài liệu giả rồi gửi bằng nhiều đường về Việt Nam để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng cho thấy các đối tượng rất tinh vi, chuyên nghiệp và tìm mọi cách để tránh sự điều tra, xác minh của cơ quan chức năng.
Người dân cần phải nâng cao cảnh giác trong việc thực hiện các giao dịch liên quan đến giấy tờ, chứng chỉ trên không gian mạng. Khi cần hỗ trợ về các thủ tục, giấy tờ, văn bằng, chứng chỉ, người dân cần phải liên hệ trực tiếp các cơ quan chức năng, có ý thức bảo vệ dữ liệu cá nhân trong quá trình tham gia trên môi trường mạng, không để trở thành con mồi cũng như nạn nhân của các thủ đoạn lừa đảo, mua bán giấy tờ, chứng chỉ giả.
Các cơ quan chức năng cần nhanh chóng rà soát, khắc phục những sơ hở, tồn tại trong quản lý, bảo vệ thông tin, dữ liệu các cá nhân; chủ động phối hợp với các lực lượng trong và ngoài lãnh thổ có giải pháp ngăn chặn và xử lý thích đáng hoạt động mua bán giấy tờ giả từ xuyên biên giới; tích cực phối hợp các ngành tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức phát hiện và tố giác hoạt động của các đối tượng… (Thiếu tá Võ Ngọc Toản, giảng viên Trường Đại học An ninh nhân dân (Bộ Công an).
Phú Lữ
Nguồn ANTG : https://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/triet-pha-nhieu-duong-day-lam-gia-giay-to-tu-campuchia-i758703/