Triệt xóa đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng xuyên biên giới

Triệt xóa đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng xuyên biên giới
7 giờ trướcBài gốc
Bước đầu, cơ quan Công an đã bắt giữ gần 60 đối tượng và làm rõ, từ tháng 5/ 2024 đến nay, các đối tượng đã chiếm đoạt gần 1.000 tỷ đồng của hơn 13 nghìn bị hại trên cả nước.
Nhóm đối tượng này hoạt động tại khu vực Tam Thái Tử, thành phố Bà Vẹt, tỉnh Svay Riêng, Campuchia với thủ đoạn giả danh Công an cấp phường, Công an cấp huyện, cán bộ ngành thuế, ngành điện, ngành giáo dục gọi điện thoại yêu cầu bị hại cập nhật thông tin căn cước công dân, nộp hồ sơ nhập học trực tuyến, khám sức khỏe, kê khai thuế…, sau đó chiếm quyền sử dụng điện thoại và chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng của bị hại.
Trung tướng Nguyễn Minh Chính, Cục trưởng Cục An ninh mạng và PCTP sử dụng Công nghệ cao BCA kiểm tra, động viên CBCS Công an Bắc Ninh trong quá trình phá án, điều tra.
Để tạo thành vòng tròn khép kín, lừa đảo trót lọt, các đối tượng quản lý chia làm 03 nhóm gồm: Cào 1, Cào 2, Cào 3 và phân công nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, có 5 đối tượng chính gồm: Nguyễn Văn Mạnh, SN 1989, ở thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh; Đỗ Văn Nghĩa, SN 2000, ở huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang; Đinh Như Quỳnh, SN 2002, ở huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ; Nguyễn Đức Toàn, SN 1993 ở quận An Dương, TP Hải Phòng và Phạm Thị Huyền Trang, SN 1999, huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng.
Nguyễn Văn Mạnh- đối tượng tuyển dụng và quản lý nhân sự khai nhận: Nhiệm vụ hàng ngày của tôi là phân công, điểm danh và sữa chữa, thay thế máy móc cho nhân viên. Tiền thưởng theo doanh thu tuần, nếu đạt chỉ tiêu thì được thưởng 1%; Cào 1, Cào 2, Cào 3 cộng lại chia 3.
Đối tượng Phạm Thị Huyền Trang, Nguyễn Văn Mạnh và Đỗ Văn Nghĩa.
Đối tượng Đỗ Văn Nghĩa là trợ thủ đắc lực của “ông chủ” người nước ngoài cho biết: Cào 1 đóng giả cán bộ Công an phường gọi điện thoại cho bị hại thông báo cho bị hại các thông tin liên quan đến mã định danh cá nhân, thủ tục khai báo làm căn cước công dân, đồng bộ dữ liệu căn cước công dân, dữ liệu xe máy, ô tô… để yêu cầu bị hại liên hệ với cán bộ Công an cấp quận, huyện là đối tượng Cào 2 để được hướng dẫn làm thủ tục tiếp theo.
Lúc này, Cào 2 sẽ hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục liên quan đến căn cước công dân qua ứng dụng hành chính công online. Khi bị hại tin tưởng, đối tượng hướng dẫn người dân sử dụng điện thoại sử dụng hệ điều hành Android truy cập các đường link mạo danh website của Nhà nước để cài đặt các ứng dụng mạo danh nhằm chiếm quyền điều khiển điện thoại của bị hại.
Khi bị hại đã cài đặt ứng dụng này, Cào 2 phối hợp với Cào 3 để rút tiền trong tài khoản ngân hàng của bị hại. Lúc này,Cào 3 sử dụng máy vi tính truy cập điện thoại của bị hại đã bị chiếm quyền, điều khiển để đăng nhập các ứng dụng ngân hàng của bị hại nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản của bị hại. Khi ứng dụng ngân hàng yêu cầu xác thực sinh trắc học bằng khuôn mặt, vân tay, Cào 3 phối hợp với Cào 2 lấy lý do phù hợp để yêu cầu bị hại thực hiện việc xác thực sinh trắc học trên chính điện thoại của bị hại.
Trong quá trình làm việc, toàn bộ các nhân viên đều phải sử dụng mã số do công ty đặt khi mới vào làm việc. Mỗi người được đăng ký 1 tài khoản Telegram để trao đổi thông tin nội bộ trong quá trình làm việc, tài khoản này được đặt tên theo mã số do công ty đặt. Tài khoản Telegram này chỉ được sử dụng trên máy tính trong thời gian làm việc tại công ty, không được sử dụng trên điện thoại cá nhân ngoài giờ làm việc.
Các đối tượng tại cơ quan điều tra.
Một trong những nguyên nhân khiến người dân sập bẫy chính là những kịch bản lừa đảo hoàn hảo, bài bản được các đối tượng đã xây dựng rất chặt chẽ dưới sự chỉ đạo của nhóm người nước ngoài từ Campuchia. Trong đó, Phạm Thị Huyền Trang là đối tượng quản lý cấp cao, có nhiệm vụ xây dựng kịch bản lừa đảo, đào tạo, huấn luyện các Cào 1, Cào 2, Cào 3. Theo các đối tượng cho biết thì những kịch bản này đều rất phù hợp với tình hình thực tế, những khó khăn trong giải quyết bất cập mà người dân đang gặp phải.
Với thủ đoạn đó, bước đầu Cơ quan Công an xác định từ tháng 5/2024 đến nay, các đối tượng đã chiếm đoạt gần 1.000 tỷ đồng của hơn 13 nghìn bị hại trên cả nước. Trong đó có hơn 300 bị hại ở Bắc Ninh với số tiền chiếm đoạt trên 31 tỷ đồng.
Đại tá Bùi Chiến Thắng, Phó Giám đốc Công an tỉnh, Trưởng Ban Chuyên án đánh giá: Để triệt phá thành công chuyên án, Ban chuyên án huy động gần 200 lãnh đạo, chỉ huy, CBCS triển khai 43 tổ công tác tại cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh, sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Nội Bài, sân bay Cát Bi và các địa phương để triệu tập bắt giữ các đối tượng, trong đó có nhiều đối tượng chủ mưu, cầm đầu; đối tượng quản lý, có vai trò quan trọng trong ổ nhóm. Số đối tượng lớn, rải rác phạm vi rộng khắp nhiều tỉnh nên quá trình đấu tranh, bắt giữ các đối tượng gặp không ít khó khăn.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của rưởng Ban chuyên án cùng tinh thần đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm của CBCS toàn lực lượng Công an tỉnh Bắc Ninh, gần 60 đối tượng bị bắt giữ đã lần lượt thành khẩn cúi đầu nhận tội.
Trong quá trình phá án, Công an tỉnh Bắc Ninh đã nhận được sự hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ của Công an các tỉnh, các Cục nghiệp vụ Bộ Công an. Qua đó, đảm bảo an toàn cho lực lượng vây bắt và các đối tượng, đồng thời thu giữ vật chứng vụ án.
Bước đầu, Cơ quan ANĐT, Công an tỉnh Bắc Ninh đã làm rõ, xác định có 42 đối tượng đủ căn cứ để khởi tố bị can, trong đó ra quyết định tạm giữ hình sự 38 đối tượng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tiếp tục điều tra điều tra mở rộng vụ án về các hành vi có dấu hiệu của tội: Rửa tiền và tổ chức cho người khác trốn, ở lại nước ngoài trái phép và truy bắt các đối tượng liên quan
Cơ quan Công an đề nghị những ai là bị hại từ những thủ đoạn trên thì liên hệ ngay Phòng An ninh điều tra, Công an tỉnh Bắc Ninh để phối hợp điều tra, giải quyết; đồng thời yêu cầu các đối tượng liên quan ra đầu thú để hưởng sự khoan hồng của pháp luật .
Thu Yến
Nguồn CAND : https://cand.com.vn/ban-tin-113/triet-xoa-duong-day-lua-dao-chiem-doat-tai-san-tren-khong-gian-mang-xuyen-bien-gioi-i757581/