Sáng 20/11, triều cường dâng cao khiến nhiều khu vực ven biển của thành phố Hạ Long, Quảng Ninh ngập lụt làm cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn.
Cụ thể, trong khoảng thời gian từ 7 giờ đến 8 giờ sáng, nước biển dâng cao cục bộ khiến nhiều tuyến đường, khu dân cư rơi vào ngập úng cục bộ.
Hạ Long rơi vào tình trạng ngập lụt nhiều ngày nay do nước biển dâng cao đỉnh điểm.
Ghi nhận của PV tại tổ 6A, 6B, 6C, khu Yết Kiêu 6 (phường Trần Hưng Đạo), tổ 18, khu 7 (phường Cao Xanh) đều ngập lụt so với mặt đường 60-70cm; cá biệt có những khu vực ngập đến 1m, ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày, giao thông đi lại trong khu vực này.
Nước ngập mênh mông tại nhiều tuyến đường dân sinh các phường Trần Hưng Đạo và Cao Xanh.
Việc đi lại của người dân rất khó khăn.
Nước bắt đầu rút dần vào cuối giờ sáng nay (20/11).
Theo người dân khu vực này, tình trạng ngập lụt thường xảy ra, gây hư hỏng nhiều đồ đạc, phương tiện đi lại của người dân...
Ông Trần Xuân Thủy – Tổ trưởng tổ 18 khu 7, phường Cao Xanh, TP Hạ Long cho biết, hiện tượng ngập lụt này đã xảy ra nhiều năm nay, có tháng ngập lụt một đến hai lần. Nếu triều cường dâng mà gặp trời mưa thì ngập úng nhiều hơn, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Mỗi lần như thế, có người không thể đi làm được, có nhà bể nước không sử dụng được.
Anh Vũ Văn Cảnh (phường Hà Trung, thành phố Hạ Long) chia sẻ: "Tôi làm việc ở phường Hà Khánh, hàng ngày đều đi lại qua tuyến đường này. So với mọi năm, ngập lụt năm nay sâu hơn".
Trước đó, để đảm bảo đời sống, sinh hoạt của nhân dân trong khu vực bị ảnh hưởng, tỉnh Quảng Ninh và TP Hạ Long đã chỉ đạo Công ty CP Xây dựng công trình 507 đề xuất phương án và triển khai thi công chống ngập lụt cho khu dân cư.
Theo đó, qua khảo sát hiện trạng hệ thống hạ tầng kỹ thuật của các khu vực xảy ra ngập lụt cho thấy, hiện nay cao độ mặt đường thấp nhất khoảng +2m, cao độ vỉa hè thấp nhất khoảng +2,2m, cao độ san nền thấp nhất trong khu dân cư là +3,15m, mặt bằng toàn bộ dự án bị lún từ 0,2 đến 1m.
Phương án tối ưu được đề xuất là sửa chữa, cải tạo những tuyến đường và hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại những điểm ngập.
Cụ thể, tiến hành cải tạo 22 tuyến đường với tổng chiều dài 3km; cải tạo, sửa chữa gần 24.000 m2 vỉa hè; cải tạo 413 hố trồng cây và 272 hố thu nước. Tổng kinh phí đầu tư khoảng 27 tỷ đồng.
Dự án bắt đầu triển khai từ tháng 5/2024 và dự kiến hoàn thành trước tháng 11/2024. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, nhiều khu vực vẫn chưa được hoàn thành thi công.
Theo số liệu từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn tỉnh Quảng Ninh và Trung tâm Hải văn, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, hôm qua (19/11), thủy triều tại trạm Hồng Gai đạt đỉnh ở 4,2m, hôm nay đạt 4,3m.
Thế Nam – Tiến Sinh