Sáng ngày 21/11, thời gian được cho là cuối con nước triều cường nhưng nhiều tuyến đường, chợ, khu dân cư tại một số huyện và TP Cà Mau vẫn bị ngập sâu.
Đoạn đường nối từ Quốc lộ 1 vào chợ và trụ sở UBND xã Trần Thới bị ngập sâu trong ngày 21/11 dù nước đã thấp hơn mấy ngày trước đó.
Như trên tuyến Quốc lộ 1, đoạn tại cầu Đầm Cùng, thuộc khu vực ấp Đầm Cùng, xã Trần Thới, huyện Cái Nước bị ngập, có nơi ngập sâu khiến nhiều phương tiện chết máy; người dân đi qua khu vực này, các em học sinh,… phải bì bõm trong nước.
Triều cường dâng cao gây ngập nhiều tuyến đường, trường học, chợ, nhà ở của người dân tại khu vực trung tâm xã Trần Thới. Ông Nguyễn Thanh Giang, ấp Đầm Cùng, xã Trần Thới, cho biết: “Khu vực chợ xã này thường xuyên bị ngập do mưa, rồi triều cường, người dân nơi đây không mua bán gì được. Nhiều lúc ngập quá, người dân phải di dời đi nơi khác để bán tạm”.
Dù cuối con nước triều nhưng nhiều đoạn trong chợ xã Trần Thới vẫn bị ngập.
Triều cường khiến nước tràn qua lộ vào nhà dân tại khu vực ấp Đầm Cùng, xã Trần Thới, huyện Cái Nước.
Cũng tại khu vực chợ này, bà Lê Huỳnh Châu, một tiểu thương kinh doanh tạp hóa đã hơn 30 năm, cho biết, trong khoảng 5 năm gần đây, tình trạng ngập xảy ra thường xuyên, nhiều lúc nước lên có màu đen và rất nặng mùi, việc buôn bán bị ảnh hưởng rất lớn. Riêng bà, trước đây khoảng 3 năm, mỗi ngày bán hơn 6 triệu đồng, giờ thì chỉ được vài trăm ngàn đồng. Do bán buôn không được, nhiều hộ dân đã dọn đi nơi khác.
Tình trạng nước dâng cao những ngày qua còn tràn vào nhiều trường học, ảnh hưởng việc đến trường và học tập của các em học sinh. Em Lê Hồ Thanh, học sinh lớp 4A, Trường Tiểu học Trần Thới 1, ấp Đầm Cùng, xã Trần Thới, nói: “Em đi bộ đến trường mà đường ngập sâu nên em rất sợ và đã bị té một lần. Có hôm nước vô tới phòng học luôn”.
Em Lê Hồ Thanh, học sinh lớp 4A, Trường Tiểu học Trần Thới 1, ấp Đầm Cùng, xã Trần Thới, phải bì bõm trong nước trên đường đến trường.
Tại xã Lâm Hải, huyện Năm Căn, triều cường dâng cao đã gây ngập nhiều tuyến đường, tràn bờ bao vuông tôm của nông dân làm thất thoát thủy sản và khó khăn cho việc đi lại của người dân.
Theo ông Võ Văn Bé, ấp Trường Đức, xã Lâm Hải, cho biết, con nước triều cường lên, cùng với bờ bao bên ngoài không đảm bảo đã gây thiệt hại nặng nề đến sản xuất thủy sản và cây trồng của bà con nơi đây.
Không chỉ vậy, tại tuyến lộ bê tông nông thôn ngang 3 m trên tuyến Chà Là, xã Lâm Hải, vừa hoàn thành hơn 2 năm đã bị sụp, hư hỏng một đoạn hơn 6 m.
Ông Nguyễn Việt Khánh, Phó chủ tịch UBND xã Lâm Hải, cho biết, triều cường năm nay cao hơn trung bình nhiều năm đã làm tràn và vỡ bờ bao vuông tôm của khoảng 18 hộ dân. Ngoài ra, cường độ ngập rất cao, đã ảnh hưởng lớn đến việc đi lại và gây hư hỏng hạ tầng giao thông trên địa bàn, nhất là tuyến đường ô tô về trung tâm xã. Hiện nay sau thời gian bị ngập, đường đã bị hư hỏng nặng cần được duy tu, sửa chữa.
Tại khu vực nuôi trồng thủy sản của hộ ông Võ Văn Bé, ấp Trường Đức, xã Lâm Hải, huyện Năm Căn, triều cường lên đã gây thất thoát thủy sản và thiệt hại cây trồng.
Theo thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, ghi nhận nước triều vừa qua, mực nước trên các sông, rạch trong tỉnh lên ở mức cao, đỉnh triều cao nhất tại các trạm đo ở mức trên báo động III. Dự báo thời gian từ ngày 16-20/12 tới tiếp tục là con nước triều cường cao trong năm, nguy cơ gây ngập cục bộ ở vùng trũng thấp, tràn bờ bao, gây thiệt hại về nuôi trồng thủy sản, tài sản và sạt lở đất ven sông, ven biển, bởi hiện nay hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh chưa được đầu tư hoàn chỉnh.
Để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó triều cường kết hợp với gió mùa Đông Bắc có cường độ trung bình đến mạnh tiếp tục tăng cường sâu xuống phía Nam, mới đây (ngày 20/11), Chủ tịch UBND tỉnh đã có công văn chỉ đạo tăng cường theo dõi ứng phó với triều cường.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và UBND các huyện, TP Cà Mau theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo về triều cường, kịp thời thông báo để người dân biết về diễn biến, mức độ ảnh hưởng của triều cường, qua đó chủ động các biện pháp ứng phó phù hợp; tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến cáo các biện pháp phòng tránh thiệt hại tài liệu, tài sản của cơ quan, đơn vị, người dân; vận động người dân tích cực khơi thông cống, rãnh để tiêu thoát nước và vệ sinh môi trường ngay sau khi triều cường rút, nhằm phòng ngừa dịch bệnh phát sinh.
Quốc lộ 1 đoạn thuộc địa bàn ấp Đầm Cùng, xã Trần Thới, huyện Cái Nước bị ngập sâu. (ảnh chụp ngày 21/11/2024)
Cụ thể, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với chính quyền địa phương vận hành hợp lý, hiệu quả hệ thống cống ngăn triều để bảo vệ vùng ngọt hóa và làm chậm tác động của triều cường; thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện, chỉ đạo xử lý, gia cố các vị trí sạt lở, có nguy cơ sạt lở đất, các đoạn đê, lộ thấp, để phòng tránh các thiệt hại; tăng cường hướng dẫn người dân gia cố bờ bao, chống tràn, tránh thất thoát thủy sản nuôi, hoa màu, bảo vệ sản xuất.
Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương có liên quan chủ động phương án đảm bảo an toàn giao thông tại các khu vực, tuyến đường chưa được nâng cấp, còn bị ngập khi xảy ra triều cường; rà soát các vị trí, đoạn đường hư hỏng, có khả năng bị ngập, chủ động có giải pháp phòng ngừa, hướng dẫn, cảnh báo để người tham gia giao thông biết, tránh xảy ra tai nạn...
Riêng đối với UBND các huyện, TP Cà Mau chỉ đạo các đơn vị chức năng tập trung triển khai công tác ứng phó triều cường. Trong trường hợp xảy ra thiệt hại do triều cường, chủ động tổ chức thăm hỏi, động viên, huy động lực lượng giúp người dân khắc phục thiệt hại,../.
Nguyễn Phú - Chí Diện