Từ đầu năm 2024, Ford đã ban hành 62 lệnh triệu hồi. Chỉ tính riêng quý II, hãng đã chi thêm 800 triệu USD so với năm 2023 cho chi phí bảo hành.
Ford thay giám đốc chất lượng nhưng chưa công bố danh tính. Ảnh: Carscoops
Việc triệu hồi quá nhiều khiến Ford phải bổ nhiệm giám đốc chất lượng mới để kiểm soát mọi thứ. Công ty cũng đang tìm cách giảm chi phí bảo hành tăng vọt trong năm 2024.
Tính đến đầu tháng 12, Ford đã ngang bằng với Stellantis trong việc ban hành nhiều lệnh triệu hồi nhất trong số các nhà sản xuất ô tô tại Hoa Kỳ.
Trong bốn năm Jim Farley nắm quyền điều hành Ford, công ty đã thực hiện các thay đổi để giảm các lệnh triệu hồi, thay đổi các hoạt động sản xuất và tuyển dụng thêm công nhân để xác định các mối quan ngại về an toàn. Hiện tại, Ford đang tập trung vào "thực hiện" và giải quyết các vấn đề này.
"Sau ba năm nỗ lực khắc phục mọi thiếu sót… giờ đây chúng tôi đã có mọi thứ để thực sự thấy chất lượng của mình thay đổi vì khách hàng và vì doanh nghiệp của chúng tôi", Farley cho biết tại một sự kiện gần đây.
Ford vẫn chưa công bố người đứng đầu bộ phận chất lượng mới, nhưng sự thay đổi này sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2025.
Thương hiệu này cho biết những thay đổi sẽ cho phép các nhóm của mình "hợp tác và làm việc hiệu quả hơn để cung cấp những chiếc xe và phần mềm thú vị với chất lượng cao nhất cho khách hàng".
Ford không chỉ quan tâm đến việc triệu hồi mà còn cả chi phí bảo hành. Reuters đưa tin chi phí bảo hành của Ford đã tăng 800 triệu đô la trong quý II so với cùng kỳ năm 2023. Nguyên nhân chủ yếu tới từ các vấn đề liên quan đến những chiếc xe được ra mắt vào năm 2021 hoặc trước đó.
Thương hiệu này đã trải qua tháng 11 đặc biệt khó khăn, khi hai lần ban hành bốn lệnh triệu hồi chỉ trong một ngày.
Vào giữa tháng 11, Ford đã bị Cục Quản lý ATGT Đường bộ Quốc gia Hoa Kỳ (NHTSA) phạt 165 triệu USD vì không kịp thời triệu hồi xe do lỗi bảng mạch có thể khiến camera chiếu hậu không hoạt động trên hơn 620.000 chiếc Ford và Lincoln.
Cẩm Tú