Triều Nguyễn đào kênh lớn nhất thời quân chủ Việt Nam thế nào?

Triều Nguyễn đào kênh lớn nhất thời quân chủ Việt Nam thế nào?
2 ngày trướcBài gốc
Qua 200 năm lịch sử cho đến nay, kênh Vĩnh Tế được ghi nhận là kênh đào thủ công quý giá của vùng biên giới Tây Nam Tổ quốc. Ảnh: Phan Hữu
Kênh Vĩnh Tế (Vĩnh Tế hà) có chiều dài hơn 91 km, rộng 30 m, sâu 2,55 m, được thi công bằng sức người trong thời gian 5 năm. Kênh chạy qua địa phận hai tỉnh An Giang và Kiên Giang thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, là kênh đào lớn nhất Việt Nam thời quân chủ.
Tầm nhìn của vị vua đầu triều Nguyễn
Công trình là một minh chứng hùng hồn cho sự sáng tạo, tài tình của người Việt chinh phục thiên nhiên, thể hiện tầm nhìn chiến lược của các vị vua đầu triều Nguyễn, khẳng định chủ quyền lãnh thổ, khai khẩn vùng đất phương Nam, kết nối toàn bộ khu vực phía Tây Nam từ Châu Đốc đến Hà Tiên, phát triển kinh tế, bang giao và củng cố sức mạnh quốc phòng miền biên viễn.
Về ý tưởng xây dựng con kênh này, sách Quốc triều chính biên toát yếu cho biết năm 1816, khi thành Châu Đốc được đắp xong tâu lên, vua Gia Long xem địa đồ miền đất này liền truyền: “Xứ này nếu mở đường thủy thông với Hà Tiên thì hai đàng nông thương đều lợi. Tương lai, dân đến ở làng đông, đất mở càng rộng, sẽ thành một trấn to”.
Chưa đầy 3 năm sau, tháng 9 năm Kỷ Mão (1819), vua đã ban dụ cho thành Gia Định tiến hành đo đạc, tính từ phía Tây đồn Châu Đốc qua cửa Ca Âm, Cây Báng, đến sông cũ hơn 200 dặm, tính công đào đất và lượng sức người. Sai Trấn thủ Vĩnh Thanh là Nguyễn Văn Thụy và Chưởng cơ Phan Văn Tuyên đốc suất dân phu 5.000 người và binh dân đồn Uy Viễn 500 người, Đồng Phù quản suất dân Chân Lạp 5.000 người, đến tháng 12 khởi công đào.
Để đào kênh Vĩnh Tế, bên cạnh việc tính toán kỹ lưỡng, vua Gia Long còn khéo léo trong việc thu dụ nhân dân Việt, Chăm cùng nhau đoàn kết, hợp lực để đào con kênh có lợi cho cả một vùng rộng lớn này.
Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, quyển 40 cho biết vua thấy Vĩnh Thanh và Hà Tiên tiếp giáp với Chân Lạp, việc công tư đi lại, trước không có đường thủy, bàn muốn nhân sông Châu Đốc mà đào cho thông suốt. Gặp Chiêu Chùy nước Chân Lạp là Đồng Phù đến chầu, vua triệu cho yết kiến hỏi han. Đồng Phù trả lời rằng: “Khai sông ấy thì dân Chân Lạp được nhờ lợi, vua Phiên cũng muốn thế, không dám xin mà thôi”.
Vua ban chiếu dụ dân Vĩnh Thanh rằng: “Đào con sông này công việc rất khó nhọc. Kế sách của nhà nước, mưu hoạch về biên thùy, đều quan hệ không nhỏ. Các ngươi nay khó nhọc mà thực có lợi muôn đời. Vậy nên bảo nhau đừng sợ khó nhọc”.
Lại dụ vua Chân Lạp rằng: “Nước ngươi giáp giới với Vĩnh Thanh. Nay đào sông này không những lợi cho người Hán mà còn lợi cho nước ngươi vô cùng. Vương nên họp nhân dân bảo cho biết ý nhọc một lần mà nhàn mãi mãi, khiến dân vui làm việc, cho chóng thành công. Quan Phiên trở xuống, ai không theo lệnh cho Đồng Phù trị theo quân pháp”.
"Vĩnh Tế hà" được khắc trên Cao đỉnh. Ảnh: Nam Hoa.
Công trình đặc biệt quan trọng vùng biên viễn
Công trình sông Vĩnh Tế khởi công được một thời gian ngắn thì vua Gia Long mất ngày 19 tháng 12 năm Kỷ Mão (ngày 3 tháng 2 năm 1820). Vua Minh Mệnh nối ngôi tháng giêng năm Canh Thìn (1820), tiếp tục việc đào kênh này của vua cha. Tuy nhiên, công việc này bị tạm hoãn đến mấy lần vì nhiều lý do khác nhau (trong đó có việc dịch bệnh hoành hành trên cả nước cuối năm 1820, vua mới kế vị lo ổn định triều chính).
Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 2, cho biết năm Minh Mệnh thứ nhất (1820): Hoãn công việc đào sông Vĩnh Tế […] Đến nay công việc chưa xong, (đã thành sông được 3.224 trượng, chưa thành sông 9.992 trượng), vua không nỡ để cho nhọc sức dân mãi, nên hoãn lại. Những chỗ chưa kịp đào thì ra lệnh cho tạm mở lạch nhỏ, có thể cho thuyền nhỏ đi lại thông được mà thôi”.
Sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 7 chép: năm Minh Mệnh thứ 2 (1821): Lại hoãn việc đào sông Vĩnh Tế. Dụ Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt rằng: “Việc sông ấy năm ngoái có chỉ tạm đình để năm nay lại đào tiếp. Duy nghĩ sông tuy chưa đào xong, đường nước cũng đã thông được thuyền bè, huống chi dịch lệ mới yên, chính là lúc phải để cho dân nghỉ ngơi, sao nên vội bắt dân vất vả? Khanh nên tuyên cáo ý ấy cho dân đều biết”.
Đến tháng 2 âm lịch năm 1823 công việc đào sông mới được tiếp tục, nhưng cũng phải tạm hoãn thêm mấy lần nữa và tới tháng 5 năm 1824, việc đào sông mới được hoàn thành.
Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 27, mặt khắc 1 cho biết việc đào sông hoàn thành tháng 5 năm 1824. Nguồn: TTLTQGIV.
Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 19 chép năm Minh Mệnh thứ 4 (1823) Tháng 2, lại đào sông Vĩnh Tế. Sai Tổng trấn Gia Định là Lê Văn Duyệt trông coi công việc”.
Để đào sông, Lê Văn Duyệt sau đó đã tâu xin lượng phát hơn 35.000 binh dân ở thành và các trấn Vĩnh Thanh, Định Tường, đồn Uy viễn, cùng hơn 10.000 binh dân nước Chân Lạp ra làm, mỗi tháng cấp tiền gạo đều như lệ năm Gia Long. Vua y cho. Tuy nhiên chưa được bao lâu, Duyệt có bệnh, vua bèn sai Phó tổng trấn Trương Tiến Bửu làm thay.
Năm Minh Mệnh thứ 4 (1823), công việc đào sông Vĩnh Tế lại bị hoãn. Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 20, chép: “Vua cho là thời tiết tới mùa hạ, công việc đào sông chỉ còn hơn 1.700 trượng (dòng sông hiện đã thành hơn 10.500 trượng, chi tiền hơn 515.200 quan, gạo hơn 99.400 phương), sai đình việc, cho binh dân về”.
Năm Minh Mệnh thứ 5 (1824) vua cho đào tiếp sông Vĩnh Tế. Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 25 chép: “Lấy binh dân các trấn thuộc thành và nước Chân Lạp hơn 24.700 người làm việc, chi cấp lương tiền như lệ năm Minh Mệnh thứ 4”.
Vua dụ rằng: “Việc đào sông Vĩnh Tế là vâng theo thánh toàn của Hoàng khảo Thế tổ Cao hoàng đế ta mà làm, thực là quan yếu cho quốc kế biên trù. Nhưng khai đào mới bắt đầu, công việc còn khó, trẫm vâng theo chí trước, năm ngoái đã đào, còn lại hơn 1.700 trượng, ấy là còn thiếu cái công một sọt đất. Nay nước nhà nhàn rỗi, chính nên kịp thời làm tiếp cho xong, để làm kế nhọc một lần được rỗi mãi”. Lại dụ cho quốc vương Chân Lạp biết.
Tháng 5 năm Minh Mệnh thứ 5 (1824), việc đào sông Vĩnh Tế hoàn tất. Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 27 chép: Vua nói rằng: “Đào con sông ấy để trọn công trước, thực là lợi ức muôn năm vô cùng về sau”. Bèn sai hữu ty dựng bia để ghi.
Kênh đào Vĩnh Tế là một công trình quan trọng của quân và dân vùng biên giới Việt - Miên hồi đầu triều Nguyễn. Trải qua hai thế kỷ, con kênh này luôn giữ vai trò đặc biệt quan trọng trên nhiều phương diện như là tuyến giao thông huyết mạch, kết nối các vùng; cung cấp nước ngọt phù sa vun đắp cho ruộng đồng An Giang, cả vùng tứ giác Long Xuyên. Đặc biệt, kênh Vĩnh Tế còn đóng vai trò như một tuyến phòng thủ tự nhiên vững chắc ở biên giới Tây Nam của Tổ quốc.
Minh Châu - Ánh Phượng
Nguồn Znews : https://znews.vn/trieu-nguyen-dao-kenh-lon-nhat-thoi-quan-chu-viet-nam-the-nao-post1541649.html