Triều Tiên chế tạo 'máy bay mắt thần' dựa trên vận tải cơ IL-76 của Nga?

Triều Tiên chế tạo 'máy bay mắt thần' dựa trên vận tải cơ IL-76 của Nga?
3 ngày trướcBài gốc
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA đã công bố hình ảnh lãnh đạo Kim Jong-un cùng các quan chức cấp cao thị sát nhiều loại khí tài mới do nước này tự chế tạo, trong đó có máy bay không người lái (UAV) trinh sát chiến lược và tự sát, cũng như máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không.
Đây là lần đầu tiên Bình Nhưỡng đăng ảnh về máy bay cảnh báo sớm, dù nó đã xuất hiện trong ảnh vệ tinh thương mại của Mỹ từ nhiều tháng trước. Hình ảnh cho thấy ông Kim Jong-un lên máy bay trước khi nó cất cánh, cùng một số khoang tác chiến trong thân phi cơ.
Máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không của Triều Tiên
"Ảnh chụp bên ngoài cho thấy máy bay cảnh báo sớm của Triều Tiên có hình dáng cơ bản giống dòng A-50 Nga và KJ-2000 Trung Quốc", biên tập viên Joseph Trevithick của chuyên trang quân sự Mỹ War Zone nhận xét.
Đĩa radar của máy bay là loại cố định, giống thiết kế của KJ-2000 của Trung Quốc, không phải loại xoay vòng như phi cơ Nga và Mỹ.
Máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không được mệnh danh là "mắt thần" nhờ khả năng giám sát vùng trời rộng lớn, có khả năng phát hiện được những mục tiêu thường ẩn mình trước radar mặt đất.
Giới chuyên gia quân sự đánh giá máy bay cảnh báo sớm là sự bổ sung hợp lý cho quân đội Triều Tiên. Chúng có thể giúp phát hiện tên lửa hành trình bay thấp hoặc UAV, cũng như chuyển dữ liệu cho các đơn vị tên lửa phòng không để nâng cao hiệu quả tác chiến. Triều Tiên trước đây chưa sở hữu loại radar nào như vậy.
Máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không của Triều Tiên
Máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không của Triều Tiên
Ảnh vệ tinh chụp trước đó ngày 14/3 cho thấy một vận tải cơ hạng nặng Il-76 của Triều Tiên nằm trên đường lăn, đuôi hướng về phía đường băng. Phân tích hình ảnh cho thấy Triều Tiên lúc này đang hoàn tất hoán cải phi cơ này thành máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không.
"Nga cũng có thể giúp Triều Tiên chế tạo máy bay cảnh báo sớm, do quan hệ hợp tác quốc phòng song phương chặt chẽ có thể mở ra cơ hội chuyển giao công nghệ. Nga nhiều khả năng đã cung cấp cho Triều Tiên một số công nghệ trên máy bay Beriev A-50, thậm chí là mẫu A-50U tiên tiến hơn", Joseph Trevithick nhận định.
Máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không của Triều Tiên
Vận tải cơ Il-76 đáp ứng tốt yêu cầu để chế tạo máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không. Đây là nền tảng để Nga phát triển các phiên bản máy bay cảnh báo sớm để sử dụng trong nước và xuất khẩu sang Ấn Độ, trong khi Trung Quốc cũng sở hữu ít nhất 4 máy bay KJ-2000 dùng khung thân Il-76 sửa đổi. Không quân Iran và Iraq từng biên chế máy bay cảnh báo sớm trên khung thân Il-76.
Máy bay Il-76 ban đầu thuộc biên chế hãng hàng không quốc gia Triều Tiên Air Koryo. Doanh nghiệp này vận hành ba chiếc Il-76 chuyên làm nhiệm vụ chở hàng và có thể phục vụ mục đích quân sự khi có yêu cầu.
Triều Tiên bắt đầu hoán cải máy bay từ tháng 9 hoặc tháng 10/2023, giá đỡ vòm radar được gắn lên lưng máy bay vào tháng 12/2023. Phi cơ được phủ bạt vào tháng 8/2024 và dỡ bỏ sau đó khoảng một tháng, cho thấy rõ hình ảnh các thanh đỡ vòm radar.
Giới chuyên gia quân sự phương Tây từng đặt nghi vấn về khả năng Triều Tiên tự phát triển máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không, bởi rất ít quốc gia có thể tự nghiên cứu và chế tạo loại khí tài này.
Chuyên gia Mỹ chưa rõ liệu Triều Tiên có đủ sức làm chủ được các chức năng kiểm soát và chỉ huy chiến trường phức tạp nhằm tận dụng tối đa ưu thế của phương tiện này hay không.
Theo War Zone, AFP, AP
Việt Hùng
Theo War Zone, AFP, AP
Nguồn ANTĐ : https://anninhthudo.vn/trieu-tien-che-tao-may-bay-mat-than-dua-tren-van-tai-co-il-76-cua-nga-post607377.antd