Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un trong cuộc gặp tại làng Panmunjom ở biên giới liên Triều ngày 30/6/2019. Ảnh: Yonhap/TTXVN
Tờ Rodong Sinmun, tờ báo chính của Triều Tiên phục vụ độc giả trong nước và Đài Phát thanh Trung ương Triều Tiên cùng đưa tin về sự kiện này. "Tại Mỹ, ông Donald Trump đã nhậm chức tổng thống. Ông đã được bầu làm tổng thống thứ 47 của Mỹ trong cuộc bầu cử vào tháng 11 năm ngoái và lễ nhậm chức đã được tiến hành vào ngày 20/1 tại Washington", tờ báo trên đã có bài viết trên trang thứ sáu ở mục tin tức đối ngoại.
Đây là lần đầu tiên truyền thông của Triều Tiên đăng tải tin tức liên quan đến ông Trump kể từ khi ông đắc cử nhiệm kỳ thứ hai vào năm ngoái với nội dung đưa tin khá ngắn gọn. Trước đây, tuy có độ trễ nhất định nhưng truyền thông Triều Tiên thường vẫn đưa tin về các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Vào tháng 11/2016, khi ông Trump lần đầu tiên đắc cử tổng thống, Triều Tiên đã công bố báo cáo về kết quả sau hơn 10 ngày. Triều Tiên cũng giữ im lặng khoảng 2 tháng sau khi ông Joe Biden đắc cử tổng thống năm 2020 và lần đầu đưa tin sau khi ông chính thức nhậm chức vào tháng 1 năm sau.
Trước đó vào ngày đầu tiên nhậm chức của ông Trump hôm 20/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã mô tả Triều Tiên là một "cường quốc hạt nhân" và hy vọng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un sẽ "vui mừng" khi thấy ông trở lại Nhà Trắng.
Phát biểu trong buổi họp báo sau lễ tuyên thệ nhậm chức, Tổng thống Trump cho biết ông “rất thân thiện” với nhà lãnh đạo Triều Tiên và "chúng tôi có mối quan hệ tốt”. Ông cũng gọi Triều Tiên là “cường quốc hạt nhân”, một thuật ngữ mà theo giới quan sát có thể được coi là sự công nhận của Washington đối với chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Trong phiên điều trần phê chuẩn của Thượng viện vào tuần trước, ứng cử viên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth cũng gọi Triều Tiên là "cường quốc hạt nhân".
Phát biểu của Tổng thống Trump được đưa ra trong bối cảnh có nhiều kỳ vọng rằng ông có thể tìm cách khôi phục ngoại giao trực tiếp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Ông Trump có thể nối lại hoạt động ngoại giao thượng đỉnh với ông Kim giữa lúc có kỳ vọng về việc tìm kiếm một "thỏa thuận nhỏ", bao gồm đóng băng các chương trình hạt nhân của Triều Tiên hoặc giải trừ vũ khí hạt nhân.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump đã có 3 cuộc gặp trực tiếp với ông Kim Jong Un, bao gồm hội nghị thượng đỉnh lịch sử đầu tiên tại Singapore vào năm 2018, một cuộc gặp tại Việt Nam năm 2019 và một lần tại Khu phi quân sự (DMZ) giữa hai miền Triều Tiên. Mặc dù vậy vẫn tồn tại nhiều sự không chắc chắn đối với triển vọng tái thiết lập quan hệ Mỹ-Triều.
Bình Thanh/Báo Tin tức (Theo Yonhap)