Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và con gái Ju-ae (phải) trên một bãi biển ở khu du lịch ven biển Kalma thuộc thành phố ven biển phía đông Wonsan trong buổi lễ khánh thành khu du lịch này. Ảnh do Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên công bố
Trong nỗ lực tìm kiếm nguồn thu phi truyền thống, Triều Tiên những năm gần đây đẩy mạnh phát triển du lịch, lĩnh vực hiếm hoi không bị ràng buộc bởi các lệnh trừng phạt quốc tế.
Thế nhưng, tham vọng ấy đang vấp phải nhiều rào cản, từ hạ tầng hạn chế, thị trường nguồn khách co hẹp, cho đến tình hình địa chính trị phức tạp.
Khu nghỉ dưỡng biển mới mở... đã vắng khách
Hình ảnh nhà lãnh đạo Kim Jong-un cùng con gái Ju-ae cắt băng khánh thành khu nghỉ dưỡng ven biển Wonsan-Kalma hôm 1.7 vừa qua từng được truyền thông Triều Tiên dày đặc đưa tin.
Đó là một biểu tượng cho giấc mơ phát triển du lịch, là lời khẳng định rằng Bình Nhưỡng đang rất khát khao nguồn ngoại tệ từ ngành Du lịch.
Nhưng chỉ vài tuần sau, khu nghỉ dưỡng này đã lặng lẽ ra thông báo dừng đón khách quốc tế.
“Chúng tôi tạm thời không tiếp nhận khách nước ngoài để tập trung nâng cấp dịch vụ cho du khách trong nước”, người quản lý khu du lịch Kalma giải thích trên Đài Truyền hình Trung ương Triều Tiên ngày 20.7.
Lý do thực sự có lẽ không chỉ nằm ở chất lượng dịch vụ. Kalma đang loay hoay trong thế bí: Vị trí địa lý xa xôi, cách Moscow hay Bắc Kinh tới 15 giờ bay, khiến việc thu hút du khách quốc tế trở nên gian nan.
Ngay cả với thị trường Nga và Trung Quốc, những nguồn khách truyền thống thì khu nghỉ dưỡng này cũng không đủ hấp dẫn.
“Khách Nga hiện nay có nhiều lựa chọn giá rẻ và hấp dẫn hơn, từ Đông Nam Á cho đến các khu nghỉ dưỡng nội địa”, chuyên gia Cho Han-bum thuộc Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc nhận định.
Trong khi đó, các cửa khẩu như đặc khu kinh tế Rason hay khu nghỉ dưỡng bãi biển Kamla cũng đồng loạt tạm dừng tiếp nhận người nước ngoài, dù lý do không được công bố rõ ràng. Điều này càng khiến bức tranh du lịch Triều Tiên thêm phần ảm đạm.
Đăng ký sớm cho giải Marathon quốc tế Bình Nhưỡng 2026: Lối thoát hẹp cho du lịch?
Trong bối cảnh ấy, Giải Marathon quốc tế Bình Nhưỡng, một sự kiện thể thao đặc biệt, vốn mang màu sắc chính trị và ngoại giao, lại trở thành điểm sáng hiếm hoi. Đây là một trong số ít các hoạt động cho phép người nước ngoài nhập cảnh Triều Tiên.
Công ty du lịch Koryo Tours có trụ sở tại Bắc Kinh (Trung Quốc) vừa chính thức mở đăng ký sớm cho giải marathon năm 2026, với mức giảm giá 50% cho những người đăng ký trước ngày 1.9. Sự kiện dự kiến diễn ra vào tháng 4.2026, nhưng ngày cụ thể chưa được xác nhận.
Cuộc thi marathon Bình Nhưỡng bắt đầu từ năm 1981, nhằm kỷ niệm ngày sinh cố Chủ tịch Kim Il-sung vào ngày 15.4.
Đây từng là một sự kiện thường niên thu hút hàng trăm vận động viên quốc tế, trước khi bị tạm dừng vì đại dịch Covid-19 từ năm 2020.
Phải đến tháng 4 năm nay, Triều Tiên mới tổ chức lại giải marathon lần đầu tiên sau sáu năm, với sự tham gia của các vận động viên đến từ: Trung Quốc, Maroc, Ethiopia và một số quốc gia khác.
Với việc mở sớm cổng đăng ký cho giải 2026, chính quyền Bình Nhưỡng đang thử tìm cách níu giữ nguồn thu từ du khách quốc tế, dù ở một quy mô rất hạn chế. Marathon vốn là sự kiện thể thao nhưng trong trường hợp này lại trở thành “cửa thoát” nhỏ cho ngành Du lịch đang khát khách của Triều Tiên.
Bức ảnh do Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên công bố, cho thấy Giải chạy Marathon quốc tế Bình Nhưỡng
Hàn Quốc có cứu được du lịch Triều Tiên?
Trong khi đó, ở phía bên kia biên giới, chính quyền Seoul đang cân nhắc khả năng mở cửa cho du lịch cá nhân tới Triều Tiên, một ý tưởng từng bị bỏ ngỏ suốt nhiều năm.
Động thái này, nếu xảy ra, không chỉ là một phép thử về chính sách giao lưu dân sự, mà còn có thể là “phao cứu sinh” cho du lịch Triều Tiên trong cơn khát ngoại tệ.
Tuy nhiên, vấn đề không đơn giản chỉ là mua vé và nhập cảnh. Từ cuối năm 2023, Triều Tiên đã chính thức tuyên bố coi Hàn Quốc là “kẻ thù chính”, phủ nhận mọi mối quan hệ đặc biệt giữa hai miền.
Nếu được triển khai, du khách Hàn Quốc khi đến Triều Tiên cũng sẽ phải tuân thủ quy trình như bất kỳ du khách nước ngoài nào khác, không khác gì người Nga hay người Trung Quốc.
Điều này đặt ra hàng loạt câu hỏi về an ninh, bảo hộ công dân và cả phản ứng từ các đồng minh của Seoul. Washington có thể sẽ không dễ dàng chấp nhận khi Mỹ vẫn đang dò tìm cách mở đối thoại với Bình Nhưỡng sau thời gian dài im ắng.
Với bán đảo Triều Tiên, du lịch chưa bao giờ chỉ đơn thuần là câu chuyện nghỉ dưỡng hay thể thao phong trào. Nó là một phần của bức tranh địa chính trị phức tạp, nơi mỗi bước chân qua biên giới mang theo thông điệp chính trị, ẩn chứa cả kỳ vọng và rủi ro.
Nếu chính quyền Lee Jae Myung thực sự xúc tiến chính sách du lịch cá nhân, đó sẽ là một bước đi nhạy cảm, vừa là cách nối lại kênh giao lưu nhân dân, vừa là phép thử trong bối cảnh hai miền đã coi nhau như “quốc gia riêng biệt”.
“Triều Tiên đang rất cần ngoại tệ và du lịch là lựa chọn khả thi nhất hiện nay. Nếu Seoul đưa ra một lời đề nghị chân thành, Bình Nhưỡng nhiều khả năng sẽ chấp nhận”, chuyên gia Cho Han-bum, Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc nhận định.
Nhưng lời đề nghị đó cần phải tinh tế như “đi trên dây”. Bởi một khi những chuyến đi qua biên giới Imjin bắt đầu, chúng không chỉ mang theo hành lý cá nhân, mà còn là những va li chất đầy thông điệp ngoại giao, được gói ghém trong từng bước chân.
HÙNG NGHIÊM