Vật thể này đã bay khoảng 1.100 km trước khi rơi xuống biển. Đây là lần thử nghiệm đầu tiên của CHDCND Triều Tiên kể từ tháng 11/2024, khi nước này bắn ít nhất 7 tên lửa đạn đạo tầm ngắn ra biển.
Một người đàn ông đi ngang qua màn hình TV phát bản tin về việc Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo ra biển phía đông, tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 6/1. (Nguồn: Reuters)
Loại tên lửa được sử dụng trong vụ phóng chưa được xác định, nhưng các thử nghiệm trước đây của Triều Tiên cho thấy khả năng phát triển tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn.
Tên lửa nhiên liệu rắn có ưu điểm vận hành nhanh, ít cần hỗ trợ hậu cần và khó bị phát hiện, làm tăng khả năng sống sót trước các hệ thống phòng thủ.
Bình Nhưỡng cũng tuyên bố đang chế tạo phương tiện lướt siêu thanh – đầu đạn có khả năng cơ động cao để tránh các hệ thống phòng thủ tên lửa.
Hàn Quốc đã ngay lập tức lên án hành động này, gọi đây là "hành động khiêu khích rõ ràng". Các lực lượng quốc phòng nước này cũng tăng cường giám sát và chia sẻ thông tin với Mỹ và Nhật Bản để đối phó với các mối đe dọa tiềm tàng.
Vụ phóng diễn ra khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đang có chuyến thăm Seoul để gặp gỡ các nhà lãnh đạo Hàn Quốc. Trước đó, ông Blinken đã hội đàm với quyền Tổng thống Hàn Quốc Choi Sang-mok, người đang tạm thời đảm nhiệm vai trò này sau khi Tổng thống Yoon Suk Yeol bị luận tội.
Tại cuộc họp, ông Blinken khẳng định cam kết "vững chắc" của Washington đối với an ninh của Seoul và kêu gọi xây dựng thế trận phòng thủ chung mạnh mẽ để ứng phó với các mối đe dọa. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ đồng minh Mỹ - Hàn, coi đây là "nền tảng của hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên".
Trong khi đó, chính trường Hàn Quốc đang trải qua những tuần lễ hỗn loạn. Tổng thống Yoon Suk Yeol đã bị đình chỉ chức vụ sau khi ban hành lệnh thiết quân luật gây tranh cãi vào đầu tháng 12/2024. Hiện ông Yoon đối mặt nguy cơ bị bắt giữ, trong khi Tòa án Hiến pháp vẫn đang cân nhắc khả năng cách chức ông.
Xuân Minh