Phiên họp sáng 19/5 (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Theo Tờ trình, tổng nhu cầu bổ sung dự toán cho các cơ quan trung ương và địa phương là 4.327,121 tỷ đồng, trong đó Bộ Y tế đề nghị bổ sung 4.080,65 tỷ đồng. Khoản này nhằm quyết toán các khoản viện trợ phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh mà Bộ đã tiếp nhận nhưng chưa được cấp bổ sung dự toán.
Ngoài Bộ Y tế, một số bộ, ngành và địa phương cũng đề xuất bổ sung dự toán do phát sinh các dự án viện trợ mới sau thời điểm xây dựng dự toán ngân sách năm 2025, cụ thể như sau:
Bộ Nông nghiệp và Môi trường: 126,625 tỷ đồng cho chi sự nghiệp kinh tế (hỗ trợ bão Yagi); Bộ Khoa học và Công nghệ: 19,18 tỷ đồng (13,4 tỷ cho sự nghiệp khoa học và công nghệ, 5,78 tỷ cho giáo dục - đào tạo và dạy nghề); Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam: 59,367 tỷ đồng; UBND thành phố Đà Nẵng: 11,708 tỷ đồng (đều thuộc chi bảo đảm an sinh xã hội).
Theo Điều 52 Luật Ngân sách nhà nước, việc bổ sung dự toán chi từ ngân sách trung ương cho các bộ, cơ quan và địa phương là thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Trên cơ sở đó, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, phê duyệt phương án bổ sung và phân bổ chi tiết dự toán nêu trên.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách khẳng định việc Chính phủ trình bổ sung dự toán chi từ nguồn viện trợ không hoàn lại là đúng thẩm quyền và có cơ sở pháp lý theo quy định tại khoản 4 Điều 19 và khoản 2 Điều 8 của Luật Ngân sách nhà nước. Đối với đề xuất của Bộ Y tế, cơ quan thẩm tra đồng tình với phương án Chính phủ đưa ra, căn cứ vào các tài liệu xác thực như biên bản thẩm định của Bộ Tài chính, kết luận của Kiểm toán Nhà nước và công văn xác nhận số liệu của Bộ Y tế.
Đối với các bộ, ngành khác, cơ quan thẩm tra cho rằng việc bổ sung là cần thiết nhằm đáp ứng tiến độ và hiệu quả triển khai các dự án viện trợ đã được phê duyệt.
Chính phủ được yêu cầu chỉ đạo rà soát kỹ lưỡng, bảo đảm tính chính xác của số liệu, nội dung đề xuất và tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật về điều kiện, thủ tục, tiêu chuẩn và định mức chi. Việc giao và sử dụng dự toán phải đảm bảo đúng mục đích, hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí và tiêu cực.
Huy Tùng