Trịnh Công Sơn - Một cõi đi về

Trịnh Công Sơn - Một cõi đi về
một ngày trướcBài gốc
Trịnh Công Sơn trong ký ức những người yêu nhạc
Sáng ngày 1/4, ngôi nhà số 47C Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) - nơi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng sống và sáng tác - lại đón người thân, bạn bè, khán giả mến mộ ông đến thắp nén hương tưởng nhớ. Mỗi người mang theo một kỷ niệm, một góc ký ức riêng về người nhạc sĩ tài hoa đã để lại dấu ấn sâu đậm trong âm nhạc và đời sống văn hóa Việt Nam.
Với bà Trịnh Hoàng Diệu và bà Trịnh Vĩnh Trinh - hai người em gái của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, ngày này hàng năm luôn thật đặc biệt. Như mọi năm, từ đêm hôm trước, hai bà đã chuẩn bị thực phẩm, tự tay nấu những món ăn ông yêu thích. Trong căn bếp nhỏ, bữa cơm ấm cúng trở thành sợi dây kết nối quá khứ và hiện tại.
"Anh là người rất yêu cái đẹp, nên khay ăn của anh cũng rất nhỏ, từ chén đến các món ăn đều nhỏ nhỏ, đủ màu sắc để nhìn vui mắt. Nhờ vậy, anh có thể ăn được một muỗng nhỏ, nhưng món ăn thì phải thay đổi liên tục", bà Trinh, em gái cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn kể lại.
Ký ức về người anh trai nhạc sĩ trong bà Trịnh Hoàng Diệu lại gắn liền với bạn bè của ông: "Từ xưa tới giờ anh Sơn không đặt nhà hàng, mà anh chị, các em nấu cho anh Sơn. Anh Sơn thích như vậy. Và anh Sơn luôn luôn thích có bạn bè, ngày nào cũng có bạn. Vì vậy, lúc nào cũng nấu ở nhà, cũng nấu nhiều để bạn của anh đến lúc nào cũng được".
Từ sáng sớm, nhiều bạn bè, người yêu nhạc Trịnh đã tìm về ngôi nhà của ông để tưởng nhớ. Trong số đó có nhiếp ảnh gia Dương Minh Long - người bạn thân thiết của Trịnh Công Sơn - đã bay từ Hà Nội vào, mang theo ký ức hơn ba thập kỷ gắn bó. Ông lưu giữ hơn 9.000 tấm phim màu và đen trắng về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, trong đó có những khoảnh khắc quý giá bên nhạc sĩ Văn Cao, nghệ sĩ dương cầm Đặng Thái Sơn, nhà thơ Nguyễn Duy, nhạc sĩ Thanh Tùng,… cùng nhiều hình ảnh đời thường của ông.
Nhiếp ảnh gia Dương Minh Long bồi hồi nói: "Đối với tôi - một người chụp ảnh - anh Sơn là người rất kỹ tính, nhưng không bao giờ thể hiện điều đó ra bên ngoài. Chỉ khi ở gần anh mới hiểu được. Từ những chi tiết rất nhỏ trong một bữa ăn, trong một câu chuyện, hay trong một cử chỉ, đều có nguyên tắc. Nhưng khi đối diện với người khác, anh lại rất nhẹ nhàng, dễ thương, gần gũi và luôn sẵn sàng chia sẻ mọi câu chuyện - từ triết học, âm nhạc, hội họa, nhiếp ảnh đến văn học".
Buổi tưởng niệm năm nay còn có sự tham dự của bà Alexandra Smith, Tổng Lãnh sự Vương quốc Anh tại TP.HCM. Bà đến tham quan không gian sống của nhạc sĩ và lưu lại hình ảnh tại phòng làm việc, phòng tiếp khách, những nơi từng in đậm dấu ấn sáng tạo của ông.
Bà Alexandra Smith chia sẻ: "Hôm nay, tôi được nghe những câu chuyện về ông từ bạn bè, người thân của ông. Tôi cũng được nhìn thấy các tác phẩm nghệ thuật treo trên tường. Tôi mong được lắng nghe thêm nhiều ca khúc khi ngày càng hiểu rõ hơn về ông và những bài hát mà ông đã sáng tác".
Những ngày này, không chỉ có gia đình, người thân tưởng nhớ Trịnh Công Sơn mà nghệ sĩ, người yêu nhạc có những hoạt động, chương trình để tưởng nhớ ông.
Tại Hà Nội, đêm nhạc “Em còn nhớ hay em đã quên” đã diễn ra tại Nhà hát lớn vào ngày 29-30/3. Ngày 1/4, phòng trà Trịnh Ca tổ chức “Đêm nhạc đặc biệt: 24 năm nhớ Trịnh Công Sơn” với những bài hát được hòa âm phối khí mới chạm đến cảm xúc khán giả.
Sắc màu âm nhạc Trịnh Công Sơn
Khác với nhiều nhạc sĩ, nhạc Trịnh Công Sơn ngoài giai điệu đẹp còn nổi bật hơn hẳn ở phần ca từ. Ca từ trong nhạc của ông đậm chất thơ, đa dạng về từ vựng, độc đáo về ngữ pháp, phong phú về thanh điệu và ẩn chứa nhiều mật mã nghệ thuật khác nhau. Nói cách khác, nếu tách bỏ phần nhạc, thì phần lời của nhạc Trịnh thực sự đã làm nên những bài thơ xuất sắc, có đóng góp không nhỏ vào nền thi ca Việt Nam và làm giàu đẹp tiếng Việt.
Nhạc tình của Trịnh Công Sơn hầu như là nhạc buồn (Sương đêm, Ướt mi), những khúc tình sâu lắng chất chứa sầu ly biệt (Diễm xưa, Biển nhớ), hay tiếc nuối một cái gì đã qua (Tình nhớ, Em còn nhớ hay em đã quên, Hoa vàng mấy độ)... Nhạc tình của Trịnh Công Sơn có đặc điểm là giai điệu nhẹ nhàng, dễ hát, thường được viết với tiết tấu chậm, thích hợp với điệu Slow, Blues hay Boston. Ca từ đậm chất thơ, thoạt nhìn có vẻ như đơn sơ, mộc mạc nhưng rất thâm trầm sâu sắc, đôi khi mang những yếu tố tượng trưng, siêu thực.
Tên tuổi của Trịnh Công Sơn còn gắn liền với một loại nhạc có tính chất chống chiến tranh, ca ngợi hòa bình mà người ta thường gọi là nhạc phản chiến (vào những năm 1965-1966). Năm 1967, nhạc Trịnh lên đến đỉnh cao của sự phản chiến bằng tập "Ca khúc da vàng". Năm sau, ông cho ra tiếp tập "Kinh Việt Nam". Từ năm 1970 tới năm 1972, ông tự ấn hành được hai tập nhạc phản chiến là "Ta phải thấy mặt trời" và "Phụ khúc da vàng".
Nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn phần lớn viết bằng điệu Blues, cộng với lời ca chân tình thống thiết, rất cảm động nhưng không hề yếu đuối, ủy mị. Những bản nhạc này được ông cùng Khánh Ly đem đi hát ở nhiều nơi tại miền Nam, được nhiều người, nhất là giới sinh viên nhiệt tình ủng hộ. Đây cũng là loại nhạc đưa danh tiếng của Trịnh Công Sơn ra thế giới.
Những bài ca phản chiến không chỉ là tình yêu quê hương, giống nòi mà còn là lời kêu gọi chấn hưng đất nước, đấu tranh cho hòa bình và độc lập, tự do. Bên cạnh các bản nhạc tình và nhạc phản chiến, Trịnh Công Sơn còn có những tác phẩm viết về quê hương.
Trịnh Công Sơn có rất nhiều bài hát “ru” như: "Ru em từng ngón xuân nồng", "Ru đời đi nhé", "Ru em", "Ru tình",... “Ru ta ngậm ngùi” chính là khúc tự vấn của người nhạc sĩ.
Những năm cuối đời, ông thường chỉ tự đàn và hát hai ca khúc: "Mưa hồng" và "Một cõi đi về". Có thể nói, đó là những ca khúc tâm huyết của Trịnh Công Sơn, cũng dường như mọi triết lý về cõi nhân sinh của nhạc sĩ đều chứa đựng trong những lời ca ấy.
Dòng chảy bất tận
24 năm sau ngày nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rời xa cõi tạm, âm nhạc của ông vẫn như mạch ngầm chảy qua các thế hệ nghệ sĩ hát nhạc Trịnh. Nếu như trước đây có những ca sĩ như Khánh Ly, Tuấn Ngọc, thì đến nay có những ca sĩ GenZ như Hoàng Trang, Thể Thiên làm mới nhạc Trịnh theo cách của họ.
Mới đây, ca sĩ Vũ Yến Ngọc đã ra mắt "Liên khúc nhạc Trịnh". Di sản âm nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vẫn luôn hiện diện trong đời sống của các thế hệ hát nhạc Trịnh.
23 tuổi, ca sĩ Minh Tuyết đã có ba năm gắn bó với nhạc Trịnh. Bằng chất giọng nhẹ nhàng, trong trẻo, nữ ca sĩ thế hệ Z muốn người nghe cảm nhận nhạc Trịnh một cách tinh khôi, trẻ trung, tươi mới, gũi hơn với những người trẻ. "Thế hệ trẻ hát nhạc Trịnh có thể chưa có nhiều trải nghiệm như các anh chị, nhưng em muốn mang đến mọi người với sự bình yên. Và em cũng hát nhạc Trịnh với sự bình yên, thênh thang, phơi phới", ca sĩ Minh Tuyết chia sẻ.
Trong làng âm nhạc Việt Nam, có rất nhiều ca sĩ hát nhạc Trịnh và cách họ hát cũng thay đổi theo từng thời kỳ. Nhưng điều cốt lõi vẫn là truyền tải cảm xúc, tinh thần ca khúc qua giọng hát. Ca sĩ Nhật Thảo bồi hồi: "Với nhạc Trịnh, tôi không chọn một phong cách, đó là tất cả những gì tự nhiên chảy trong tôi. Tôi thấu cảm, tôi hiểu, tôi ngẫm như thế nào thì tôi hát ra như vậy. Tôi chọn cách hát giống như nhạc Trịnh mộc mạc, tự nhiên đi vào đời sống của mọi người".
Nếu như thế hệ trẻ tiếp cận theo cách sáng tạo thì các thế hệ đi trước lại trân trọng sự mộc mạc, nguyên bản. Điều này đã làm cho nhạc Trịnh trở nên đa dạng trong cách thể hiện.
"Dòng chảy của nhạc Trịnh Công Sơn không chỉ thế hệ trước, đến chúng tôi và bây giờ là các con, các cháu. Nhạc Trịnh Công Sơn không phải là thời này phải áp giống thời kia. Nghệ thuật không phải là như thế, phải luôn biến đổi, thay đổi theo thời gian để hợp với từng giai đoạn", ca sĩ Đức Long cho hay.
24 năm sau ngày mất của Trịnh Công Sơn, âm nhạc của ông luôn sống trong lòng những người yêu nhạc. Sức sống của nhạc Trịnh sẽ không bị giới hạn bởi thế hệ hay thời gian.
Trịnh Công Sơn và tình yêu Hà Nội
Bài hát “Nhớ mùa thu Hà Nội” được viết dựa trên những trải nghiệm trong một tháng sống tại Thủ đô của người khách lạ đặt chân đến xứ Kinh kỳ. Trịnh Công Sơn đã chắt lọc những phần linh hồn tinh túy nhất của Hà Nội để đưa vào bài hát. Cốm sữa là một phần như thế. Chúng ta chỉ có thể tìm thấy ở Hà Nội, vào độ giữa thu.
Hà Nội là nơi Trịnh Công Sơn luôn khát khao tìm đến trong hành trình "hát rong qua miền đất này". Và Văn Cao, trong trái tim của Trịnh, là một phần của Hà Nội. Sau ngày thống nhất, Trịnh Công Sơn đã ra Hà Nội gặp Văn Cao, gặp mùa thu và "thầm hỏi tôi đang nhớ ai".
Từ Trang
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/video/trinh-cong-son-mot-coi-di-ve-319027.htm