Nhà văn Trịnh Đình Nghi.
1.Chẳng nhớ tôi quen biết Trịnh Đình Nghi từ bao giờ. Tôi với ông có hẳn “hat trick” đồng nghiệp; trước là chuyên môn, sau là cùng hội viên nhiều hội văn chương, báo chí. Có điều, nhớ Trịnh Đình Nghi tôi nhớ nhất sự tếu táo, hóm hỉnh của ông.
Trịnh Đình Nghi sinh ra và lớn lên ở Ý Yên, Nam Định. Ông từng có tuổi thơ lấm láp cùng châu thổ, vật vã cùng “tháng ba ngày tám”. Mỗi dịp Tết đến Xuân về, cậu bé Trịnh Đình Nghi từng chờ đợi được mẹ cho mặc áo mới, ra đầu làng đánh xu, đánh đáo; chơi ô ăn quan... “Thế hệ tôi, Tết cổ truyền không đủ đầy sang chảnh nhưng trong ký ức tuổi thơ nghèo khó Tết vẫn luôn là một ý niệm thiêng liêng, định vị trong phần hồn mỗi con người, đi suốt cuộc đời không thể nhạt phai”.
Đấy là những câu trích từ cuốn “Bóng cũ mùa xưa” gồm 28 tản văn Trịnh Đình Nghi vừa giới thiệu với bạn đọc. Tản văn là thể loại văn chương giàu ký ức, đẫm tự sự, nhưng không kém phần lãng mạn, bay bổng. "Bóng cũ mùa xưa" thực sự là những "lát cắt" trong tâm hồn hoang hoải của ông. Ông viết về làng (Bóng tre làng, Tiếng trống làng, Ao làng, Một chữ làng); về mùa gắn với các loài hoa, đời sống (Mùa hoa mẫu đơn, Mùa hoa xoan).
Hoài niệm, tự sự và chuyển tải thông điệp từ quá vãng, về Tết cổ truyền của văn hóa Việt Nam. Ông lo lắng, trước sự biến thái của văn hóa, ngay trong ngày Tết.
Trịnh Đình Nghi tự đề từ cho tác phẩm "Bóng cũ mùa xưa" bằng hai câu lục bát: “Tôi đi từ trẻ đến già / Mà sao thấy vẫn chưa ra khỏi làng”. Đây là tâm trạng chung của những người sinh ra từ làng, biết ngẫm về cố thổ. Mà sao "ra" được. Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh từng viết: "Ngày xưa tôi sống trong làng/ Bây giờ làng sống trong tôi". Nhà thơ quá cố Trần Quang Quý thì quả quyết: “Không ai bứng tôi ra được khỏi làng”.
Làng là văn hóa, là ký ức. Tôi nhận ra, sau lũy tre làng có minh triết làng. Tội gì mà "ra"? Thực vậy trong văn học, nhất là thơ của các nhà thơ sinh ra từ làng, làng có hồn vía, thành một phần thế giới tâm linh. Tây hay ta, kim hay cổ, các tác giả khi viết về làng đều nâng niu, quán chiếu như vậy.
Hình ảnh tác phẩm Bóng cũ mùa xưa.
Raxun Gamzatop, nhà thơ Nga từng viết: “Chẳng lẽ cái làng Đagheextan nhỏ bé lại đẹp hơn Vonizo, Cairo...?” và khẳng định “Đẹp hơn là chắc chắn rồi” và “Không thể đổi làng lấy bất cứ thứ gì”.
Đọc "Bóng cũ mùa xưa", tôi dừng lại ở tản văn Bóng tre làng. Trong đầu óc tôi vang lên hình ảnh của cây tre trong bài thơ của Nguyễn Duy: “Thân gầy guộc, lá mong manh, / Mà sao nên lũy nên thành tre ơi? / Ở đâu tre cũng xanh tươi, / Cho dù đất sỏi đất vôi bạc màu”, (Tre Việt Nam). Tre là giống cây gần gũi với nhà nông, gắn với làng quê; từ trong lịch sử đã là hiện thân của sự dẻo dai, quật cường; trở thành một thành tố của bản sắc, văn hóa Việt Nam.
“Tôi dừng lại trước bụi tre, lòng cứ thấy bâng khuâng bần thần...một trời kỷ niệm ngủ vùi trong ký ức bỗng thức dậy ùa về”, (Bóng tre làng). Tại sao nhà văn Trịnh Đình Nghi không đặt tên tác phẩm là Bụi tre làng? Phải là Bóng tre làng, mới rợp xanh ký ức.
“Ngày xa xưa ấy, đứng ở cánh đồng hay đi ở xa ngoài làng chỉ nhìn thấy lũy tre. Cả ngôi làng ẩn trong một màu xanh của lũy tre làng. Trong lũy tre làng ấy là cả một cộng đồng với tầng văn hóa, với bao tập tục, lề thói, lễ nghi...”. Đáng tiếc, cuộc sống thay đổi, tre không còn là nông cụ trong đời sống nhà nông, bóng tre râm mát trên mỗi con đường quê đã không còn.
“Khi ở bên tre, gặp được tre ta bỗng thấy yên bình, thanh thản, thấy gần gũi với thiên nhiên trong lành và bóng dáng quê hương cùng những kỷ niệm vui buồn của thời thơ bé”. Trịnh Đình Nghi hoài niệm, có phần xa xót.
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, khi đọc tác phẩm, nhận xét "Bóng cũ mùa xưa" của Trịnh Đình Nghi “giống như ngọn gió lùa nhẹ qua ký ức ấy, nhặt từng mảnh vỡ thời gian, từng thanh âm xa ngái để ghép lại một bức tranh quê trọn vẹn và đầy ắp tình người”. Ký ức và những vẻ đẹp của nó qua Bóng cũ mùa xưa, cứ thế chuyển tải nhiều thông điệp.
2.Đam mê cuộc sống, Trịnh Đình Nghi có đến mười “hoa chân”, ưa “chủ nghĩa xê dịch”, nay đó, mai đây. Một dạo, cũng đến năm năm là ít, Trịnh Đình Nghi lập nên “sân chơi online” về văn học, có tên Quán Chiêu văn, có cả ngàn thành viên, trong và ngoài nước.
Nhiều thành viên từ Quán “bước ra” trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, như Tống Phước Bảo, Trác Diễm, Đào An Duyên, Phan Đức Lộc..., hội viên các Hội Văn học nghệ thuật địa phương. Nhiều cây bút đang “sung mãn” một thời là thành viên Quán Chiêu văn.
Cái quán này cũng lạ, dẫu là online nhưng tinh thần văn chương là chuyên nghiệp. Dưới sự điều hành của Trịnh Đình Nghi đã tổ chức được 24 cuộc thi văn chương lớn nhỏ, với trị giá giải thưởng dành cho các cuộc thi là hơn 800 triệu đồng. “Đình đám” nhất là có lẽ là cuộc thi “Truyện ngắn Quán Chiêu Văn 2022 – 2023”.
“Đúng lúc em chán, xung quanh em chỉ có bốn bức tường và hai đứa con nhỏ thì anh Trịnh Đình Nghi và Quán Chiêu văn xuất hiện. Anh Trịnh Đình Nghi khuyên bảo em viết”, nhà văn Trang Thụy nhớ lại, đối thoại trong lần ra mắt tập truyện ngắn “Còn một đợt rét chót đêm nay sẽ về”, tháng 11/2024.
Tức là, Trịnh Đình Nghi biết tạo nên “sân chơi”, qua sân chơi văn học, ông giới thiệu được với văn đàn nhiều tài năng, cá tính văn học.
Trịnh Đình Nghi giỏi về tập hợp, nhân lên sức mạnh, ngôn ngữ báo chí gọi là “xã hội hóa”. Trong suốt 5 năm tồn tại (2018 – 2023), Quán Chiêu văn đã thực hiện nhiều chuyến đi giao lưu gặp gỡ khắp Bắc Trung Nam, kể cả vùng miền núi Tây Bắc, Tây Nguyên. Những cuộc đi ấy, Quán Chiêu văn đã thực hiện công tác xã hội các mặt như như nhà tình nghĩa, chia sẻ với các hoàn cảnh khó khăn, tặng sách các loại cho nhiều trường học và cộng đồng...
Bây giờ thì Quán Chiêu văn không còn tồn tại, nhưng “tinh thần” của quán này còn nguyên đấy. Đó là tinh thần sẻ chia, hướng đến cái đẹp nhân bản, vì con người, vì cộng đồng.
Cơn bão số 3, có tên quốc tế là Yagi ập vào các tỉnh phía Bắc vào tháng 9/2024. Nhà văn Trịnh Đình Nghi trong khi đang gồng mình cùng bà con chống bão ở bờ đê sông Đáy, ông vẫn công bố trên trang cá nhân công việc tham gia cứu trợ.
Sau hơn một ngày anh chị em vốn từng sinh hoạt trong Quán Chiêu văn chung tay, vượt chỉ tiêu mong muốn ban đầu. Ngoài tiền là sách vở, đồ dùng học tập, thuốc men hỗ trợ cho 2 trường học ở Yên Bái. Ông cùng anh em cùng “xắn tay áo” khôi phục lại Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Minh Chuẩn, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Tân Lĩnh, thuộc huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái.
“Người ít, người nhiều, một nghìn cũng trọng như một tỷ, một cuốn vở cũng quý như một ngôi trường. Những tia nắng dù nhỏ nhoi nhưng cũng phần nào sưởi ấm tinh thần, niềm tin của thầy trò qua những ngày bão lũ gian nan”, quan điểm nhân văn của Trịnh Đình Nghi.
3.Trịnh Đình Nghi là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Cho đến nay nhà văn Trịnh Đình Nghi đã xuất bản 7 tác phẩm. Từ năm 2013 đến nay, chỉ có năm 2017, 2019 là ông không in. Nói thế để thấy, “sức viết” của ông cũng không thuộc “dạng vừa”.
Là người hóm hỉnh trong đời sống, nên văn chương Trịnh Đình Nghi xác tín một nhà văn trào lộng. "Nhà quê đi bụi" (năm 2013), "Quan lớn đi bụi" (năm 2014), "Đàn bà đi bụi" (năm 2015), "Đổ đốn ở làng" (năm 2018)... là tên các tập truyện ngắn mang “căn cước” Trịnh Đình Nghi.
Cả đời Trịnh Đình Nghi ngược xuôi, nay đây mai đó nhưng rồi ông vẫn “đổ đốn” với làng, trăn trở với làng từ cây tre, bờ ao, giếng nước... Không có gì Trịnh Đình Nghi không dừng lại, suy nghĩ. Đó có thể là bông cỏ lau, con cào cào, châu chấu, muồm muỗm....Đó là khi ông bưng lên bát canh cua đồng, thưởng thức hạt cốm...“chưng cất” từ lam lũ, thảo thơm của châu thổ.
"Bóng cũ mùa xưa" xác tín Trịnh Đình Nghi là người đa cảm, không có gì không đánh thức, ngoại vi tâm hồn. Nghĩ rằng, những ngôn ngữ đã biết, những vùng đất đã qua, những người đã quen biết...tất cả đều là ký ức, làm giàu “hành trang” của con người. Câu này đúng với Trịnh Đình Nghi.
NGÔ ĐỨC HÀNH